ClockThứ Tư, 10/01/2024 07:29

Gỡ vướng mắc trong quy định của Luật Đầu tư công

Chiều 9/1, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ về việc giải thích quy định tại khoản 1, điều 6, Luật Đầu tư công (quy định về phân loại dự án đầu tư công).

Phân bổ vốn ngân sách trung ương cho các bộ và địa phươngKỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã quyết định nhiều vấn đề quan trọngKỳ họp QH thứ 6: Hoàn thiện lập pháp, quyết sách vấn đề quan trọng quốc giaNgày 23/11, Quốc hội thảo luận về 2 dự án sửa đổi Luật BHXH và Luật Các tổ chức tín dụngĐại biểu Quốc hội kiến nghị nên bãi bỏ giấy chuyển viện khi dùng bảo hiểm y tế

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN 
Trình bày tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, khoản 1, điều 6, Luật Đầu tư công quy định các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án là dự án đầu tư công. Quá trình triển khai đã phát sinh một số vướng mắc, nhất là cách hiểu chưa thống nhất giữa các cơ quan về quy định nói trên. Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải thích bằng văn bản quy định này để thống nhất cách hiểu trong tổ chức thực hiện.

Cách hiểu thứ nhất là Luật Đầu tư công không quy định hạn chế về đối tượng đối với các nhiệm vụ, dự án sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước.

Cách hiểu thứ hai cho rằng, toàn bộ các dự án có cấu phần xây dựng để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng (thuộc hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất) và toàn bộ các dự án mua tài sản, mua và sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc (không có cấu phần xây dựng) thuộc đối tượng của Luật Đầu tư công, nên phải bố trí vốn đầu tư công để thực hiện. Theo đó, toàn bộ hoạt động đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua tài sản, mua và sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc phải sử dụng vốn đầu tư công, cần phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, không được sử dụng kinh phí chi thường xuyên.

"Nếu hiểu theo cách thứ hai sẽ dẫn đến vướng mắc, vì các hoạt động mua sắm, nâng cấp, sửa chữa là các hoạt động phát sinh, đa dạng, thường không lường trước được nên khó kế hoạch hóa theo giai đoạn 5 năm" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải thích bằng văn bản quy định này để thống nhất cách hiểu trong tổ chức thực hiện, nhất là làm rõ có được (hay không được) sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách Nhà nước bố trí dự toán hằng năm để thực hiện xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm, sửa chữa tài sản công.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN 

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, cơ quan thẩm tra cho rằng, nội dung tại khoản 1, điều 6 của Luật Đầu tư công là để phân loại dự án đầu tư công, không có nghĩa cấm sử dụng các nguồn vốn khác cho việc mua sắm, sửa chữa nhỏ, bảo trì, bảo dưỡng.

“Quy định của luật đã rõ, song để giải quyết vướng mắc của Chính phủ về cách hiểu đối với quy định này, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến nội dung này” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu quan điểm.

Theo đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách  đề nghị khẳng định rõ: khoản 1, điều 6, Luật Đầu tư công quy định việc phân loại dự án đầu tư công, không quy định hạn chế (không cấm) việc sử dụng các nguồn vốn khác để cải tạo, nâng cấp dự án đã đầu tư xây dựng để sửa chữa, mua sắm tài sản, trang thiết bị.

Về hình thức, cơ quan thẩm tra đưa ra hai phương án. Phương án 1 là Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích luật về nội dung nêu trên. Phương án 2 là ban hành văn bản thông báo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tờ trình của Chính phủ.

Về việc sử dụng kinh phí thường xuyên cho các dự án nâng cấp, cải tạo, sữa chữa công trình, thiết bị, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, căn cứ quy định của pháp luật để có quy định, hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên từ ngân sách Nhà nước bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, đúng quy định, tránh bị lạm dụng để thực hiện thống nhất.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Sau 1,5 ngày diễn ra, Phiên họp 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết thúc các nội dung. Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, Phiên họp thường kỳ đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024 với nội dung trọng tâm là cho ý kiến các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội. Các nội dung này đã được chuẩn bị cơ bản, đáp ứng yêu cầu để hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét, quyết định. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sớm ban hành Thông báo kết luận Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều bước tiến mới, quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng

Trong năm 2023, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội.

Nhiều bước tiến mới, quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng

TIN MỚI

Return to top