Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Cái Vĩnh Tuấn tại buổi giám sát với đại diện cộng đồng doanh nghiệp tỉnh
Năm 2019, chỉ số PCI của tỉnh đứng thứ 20/63 tỉnh, thành, tăng 10 bậc so với năm 2018; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 5/63 (tăng 38 bậc so với năm 2018); chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 13/63 (tăng 3 bậc so với năm 2018).
Tạo niềm tin cho doanh nghiệp
Giai đoạn 2016 - 2020, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN như: khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ DN nhỏ và vừa... Các nghị quyết này được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Nhiều chính sách được triển khai hiệu quả, được cộng đồng DN đánh giá cao như: hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ hoạt động khuyến công; phát triển sản xuất DN; xã hội hóa trong các lĩnh vực ưu đãi đầu tư... Qua đó, góp phần tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho DN ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư.
Theo giám sát của HĐND tỉnh từ cộng đồng DN, các thủ tục về cấp phép kinh doanh, đăng ký thành lập DN được cải thiện tốt hơn nhiều cả về đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí cho DN. Điều này được thể hiện ở chỗ DN được cấp thẻ điện tử thông tin DN nên không phải nộp các hồ sơ bằng bản giấy đối với các hồ sơ đã có; DN được phối hợp giữa các thủ tục đăng ký kinh doanh - đăng ký tài khoản ngân hàng - đăng ký khắc con dấu; việc đưa vào vận hành Trung tâm hành chính công cấp huyện, cấp tỉnh và Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã giúp DN đăng ký trực tuyến và theo dõi, giám sát hồ sơ của mình. Điều này khẳng định sự đổi mới mạnh mẽ trong quá trình cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh.
Doanh nghiệp đề đạt ý kiến, nguyện vọng đến đoàn giám sát HĐND tỉnh
Về thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản và tiếp cận thông tin quy hoạch về sử dụng đất, các thông tin về ưu đãi đầu tư, các chính sách hỗ trợ đối với DN, tỉnh đã rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho DN triển khai thực hiện các dự án; công khai thông tin liên quan tới công tác quy hoạch xây dựng trên trang thông tin của tỉnh; thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan được rút ngắn đáng kể. Tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ về mặt bằng, công khai thông tin quy hoạch về sử dụng đất đai, ưu đãi đầu tư, phê duyệt các quy định về việc thu hồi đất, giao đất, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho biết, cộng đồng DN đánh giá cao về những nỗ lực, quyết tâm lớn của tỉnh trong chỉ đạo thực hiện hoạt động các "Năm Doanh nghiệp", qua đó tạo được niềm tin cho DN và các nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn. Rõ nét nhất là việc trực tiếp giao quyền đánh giá năng lực cạnh tranh của sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) cho các DN nhằm tạo động lực trong cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. “Hiệp hội DN tỉnh và cộng đồng DN ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong các "Năm Doanh nghiệp", nhất là về cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN hoạt động, tạo dựng được môi trường thuận lợi hỗ trợ DN sản suất kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”- ông Dương Tuấn Anh chia sẻ.
Sớm khắc phục các hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai thực hiện các "Năm Doanh nghiệp", cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế cần giải pháp khắc phục. Cụ thể, HĐND tỉnh đã thông qua nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các DN, song số lượng DN được tiếp cận còn khá ít. Việc tiếp cận vốn vay ưu đãi, bảo lãnh tín dụng của tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nút thắt về thủ tục được nhiều DN quan tâm, đề xuất tháo gỡ đó là thủ tục cấp phép xây dựng, chủ trương chuyển loại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… còn phiền hà, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, khả năng cân đối tài chính và cơ hội kinh doanh của DN.
Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh
Nhân lực, trình độ, năng lực bộ phận công chức làm công tác giải quyết TTHC cho DN, nhà đầu tư còn hạn chế. Phần lớn DN đều không hoàn thành được việc đăng ký khi đi làm lần đầu, mà phải làm lại lần 2, lần 3 nên mất thời gian. Việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong một số trường hợp vẫn thiếu sự nhất quán trong giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư, thủ tục liên quan đến đất đai, vấn đề tài chính của DN. Quá trình lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chuyên môn để hoàn thiện thông tin kêu gọi đầu tư, các ngành vẫn chưa coi trọng việc góp ý, cung cấp thông tin để hoàn chỉnh thông tin, khiến quá trình nghiên cứu đầu tư một số dự án kéo dài…
Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp
Để chuẩn bị đón đầu làn sóng đầu tư FDI mới vào nước ta sau dịch COVID-19, Hiệp hội DN tỉnh đề nghị tỉnh cần có khuyến nghị với các chủ đầu tư để quy định trong các dự án đầu tư mới được cấp phép có nội dung ưu tiên liên kết với các DN của tỉnh trong cung ứng các chuỗi giá trị phục vụ cho dự án, nhất là các DN nội địa sản xuất công nghiệp phụ trợ, cung ứng vật tư, nguyên liệu, phụ liệu cho dự án đầu tư mới này.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐBD tỉnh Cái Vĩnh Tuấn cho biết, qua giám sát cho thấy, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến, kêu gọi đầu tư, thu hút các tập đoàn, DN lớn đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, tập trung công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; định kỳ tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của DN.
Bên cạnh đó, tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, tập trung công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh. Rà soát, cắt giảm các quy trình, TTHC, phát huy hơn nữa hiệu quả mô hình một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC; phát huy sức mạnh của chính quyền điện tử nhằm hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư, các DN, tạo môi trường kêu gọi, xúc tiến đầu tư. Bố trí cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.
Năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.600 DN hoạt động, tăng 1.600 DN so với năm 2015, tăng bình quân hơn 300 DN/năm. Tính đến năm 2020, tổng vốn DN đạt 21.000 tỷ đồng, tăng 252% so với năm 2015. Giai đoạn 2015 - 2020, nhiều dự án lớn đi vào hoạt động với nguồn vốn đầu tư lớn.
Năm 2019, đóng góp của khu vực DN cho ngân sách tỉnh đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 135% so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 64,39% trong tổng thu ngân sách trên địa bàn.
Bài, ảnh: THÁI BÌNH