ClockThứ Bảy, 03/09/2022 07:21

Hũ gạo nuôi quân, hũ gạo giúp người

TTH - Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trước vô vàn khó khăn của đất nước, thay mặt chính phủ, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách nhằm ổn định đời sống nhân dân, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng; trong đó, có nhiệm vụ trọng tâm là “diệt giặc đói”.

“Hũ gạo diệt giặc đói”

Xưa - “hũ gạo diệt giặc đói”

Người kêu gọi: ...“Tôi đề nghị với Chính phủ phát động chiến dịch tăng gia sản xuất”. “Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”...

Thực hiện lời kêu gọi của Người, cùng cả nước, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh đã hưởng ứng phong trào “diệt giặc đói” một cách mạnh mẽ và rộng khắp; đẩy phong trào lên một tầm cao trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh của dân tộc từ năm 1945 cho đến ngày đất nước thống nhất 30/4/1975.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh chung một ý chí, hành động để san sẻ từng nắm gạo, giúp đồng bào vượt qua nạn đói từ những ngày đầu cách mạng; chắt chiu từng hạt gạo để ủng hộ Chính phủ, ủng hộ kháng chiến; đóng góp, ủng hộ cơm áo, gạo tiền cho cách mạng để nuôi quân, nuôi dân trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phụ nữ Hương Phong thực hiện mô hình “hũ gạo tình thương”

Theo ông Trần Hải, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thái (Quảng Điền): “Bác Hồ kêu gọi, cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa, đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Các đoàn thể, quần chúng của xã đã động viên người dân “nhường cơm sẻ áo”, “đồng cam cộng khổ”, vượt qua những ngày đói kém. Phong trào quyên góp, tổ chức “hũ gạo cứu quốc”, “bữa ăn đồng tâm”... được người dân hưởng ứng mạnh mẽ, trên tinh thần “tình làng nghĩa xóm”, hoạn nạn có nhau. Một số gia đình địa chủ cũng được vận động ủng hộ cách mạng, tham gia hiến đất, hiến lúa, nấu cháo cứu đói cho dân nghèo... Nhờ tinh thần đoàn kết của nhân dân nên chỉ sau thời gian ngắn, số lượng lương thực quyên góp được đã bước đầu giúp đẩy lùi dần nạn đói”.

“Ngoài nhiệm vụ dùng để quyên góp gạo cứu đói trong giai đoạn 1945 – 1946, nhiều “hũ gạo diệt giặc đói” gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế trong các giai đoạn cách mạng sau này. Đó là, hũ gạo của gia đình ông Đoàn Duy Khương (xã Vinh Mỹ, Phú Vang) gắn với Trung đoàn 101 và trận đánh đồn Mỹ Lợi năm 1948. Đặc biệt, có 2 hũ gạo gắn với Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Cháu (xã Thủy Thanh, TX. Hương Thủy) và Hoàng Thị Đỉu (xã Phong An, Phong Điền)… trong việc góp gạo nuôi quân”, ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết thêm.

Nay - “hũ gạo tình thương”

Hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ban, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong toàn tỉnh đã và đang thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chính bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Hũ gạo lại thêm một lần nữa minh chứng cho tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn với những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống dù bất cứ thời điểm, hoàn cảnh lịch sử nào. 

“Hũ gạo tình thương” đặt tại cơ sở xay xát lúa của chị Nguyễn Thị Liên, thôn Thanh Phước, xã Hương Phong (TX. Hương Trà - nay là TP. Huế) đã giúp vơi  đi bao khó khăn của những mảnh đời. Từ năm 2010 đến nay, hũ gạo này đã thu được hơn 4.000kg gạo, hỗ trợ cho hơn 350 lượt người già neo đơn mỗi tháng 10kg gạo/người.

“Ít nhiều ai cũng ủng hộ bởi tinh thần tương thân tương ái. Gọi là nắm gạo, nhưng không ít người bỏ vào đó vài ba lon. Chút gạo không là bao, nhưng tích góp lại thì giúp đỡ phần nào những mẹ già neo đơn, khó khăn để họ thêm ấm lòng giữa tình làng nghĩa xóm”, chị Phan Thị Liên, chủ cơ sở xay xát lúa trò chuyện.

Ngoài “hũ gạo tình thương” ở cơ sở chị Liên, Chi hội Phụ nữ thôn Thanh Phước còn đặt thêm một “hũ gạo tình thương” khác ở nhà chị Ân. Đến nay, cả hai hũ gạo tiết kiệm của phụ nữ Thanh Phước thu được rất nhiều gạo để hỗ trợ cho không ít trường hợp khó khăn với mức hỗ trợ 10kg gạo/người.

“Hũ gạo tình thương” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Khe Tre (Nam Đông) cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các chị em hội viên. Tính từ năm 2018 đến nay, 5/5 chi hội đã quyên góp được hơn 2.000kg gạo để trao tận tay những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa và trợ giúp những gia đình có việc đột xuất cần giúp đỡ.

“Ai có gạo thì ủng hộ gạo, ai có tiền thì ủng hộ tiền tùy theo tấm lòng của mỗi người. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng ai cũng nhiệt tình tham gia, tạo được sự lan tỏa trong chị em hội viên”, chị Trần Thị Kim Uyển, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Khe Tre cho biết.

UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Khánh Hùng khẳng định, xưa “hũ gạo diệt giặc đói”, “hũ gạo nuôi quân”, nay hũ gạo lại tiếp tục được phát huy chính bằng mô hình “hũ gạo tình thương” trong học và làm theo tấm gương của Bác Hồ. Không chỉ dừng lại ở các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh, “hũ gạo tình thương” còn lan tỏa tình yêu thương trong các đơn vị, địa phương, quân sự, biên phòng, nhất là tuyến biên giới, biển đảo. Mỗi bữa bớt 1, 2 bát từ khẩu phần gạo cất vào “hũ gạo tình thương” là việc dành dụm, chắt chiu sự yêu thương của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh để chia sẻ với những mảnh đời khó khăn. Câu chuyện về hạt gạo mang nặng nghĩa tình, nhân văn của những người lính biên phòng đã được lan tỏa khi có thêm nhiều người chung tay, làm lay động, sưởi ấm, chia sẻ khó khăn với bao hoàn cảnh. 

Bài, ảnh: Tâm Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu nối giúp người yếu thế vươn lên

Nghề công tác xã hội (CTXH) không phải ai cũng làm được và khó bám trụ lâu dài. Những người làm CTXH chính là cầu nối giữa những cộng đồng với nhau và đóng góp vào công tác an sinh xã hội.

Cầu nối giúp người yếu thế vươn lên
Giúp người khó khăn từ nghề chổi đót

Từ chổi đót, hai ông bà Dũng – Huệ còn giúp hàng chục hoàn cảnh khó khăn, nhất là những phụ nữ khuyết tật ở địa phương có công việc, thu nhập ổn định.

Giúp người khó khăn từ nghề chổi đót
Giúp người đâu cần đong đếm

Người phụ nữ ấy lặng lẽ sẻ chia, đồng hành cùng nhiều phận đời kém may mắn. Yêu thương từ tấm lòng nhân hậu của chị đã tiếp sức, tiếp thêm niềm tin cho nhiều người vươn lên. Đó là chị Châu Thị Kim Quy, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phú Thượng, huyện Phú Vang.

Giúp người đâu cần đong đếm
Giúp người đã thành lẽ sống

“Chị có thể bỏ qua chiếc áo đẹp để san sẻ cho người nghèo mà vẫn vui. Dần dà, giúp người đã thành lẽ sống”, doanh nhân Bùi Kim Phụng tâm sự.

Giúp người đã thành lẽ sống
Return to top