ClockChủ Nhật, 20/11/2022 05:47

Khan hiếm thanh khoản

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng, cận kề mức 10%/năm

Bạn đừng ngạc nhiên, hoặc cũng đừng cho là mình bị làm phiền, khi nhân viên ngân hàng liên tục gọi, hoặc nhắn tin liên tục vào điện thoại của bạn, về việc có nguồn tiền sắp đến kỳ tái tục hay có thêm nguồn tiền nhàn rỗi nào để gửi vào ngân hàng của họ. Lãi suất đang tăng. Câu này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nó có thể làm bạn sốt ruột, nhưng hệ thống ngân hàng thương mại hiện còn sốt ruột hơn bạn rất nhiều.

Thực ra, đang có rất nhiều cách sốt ruột khác nhau. Người tiếc rẻ vì ngâm vốn trong đất đai. Người đang gồng mình gánh áp lực vì khoản vay đầu tư mua một hay vài mảnh đất. Người áp lực vì khoản đầu tư vào kinh doanh dịch vụ, sản xuất… từ nguồn vốn ngân hàng. Lại có người phải dừng mọi kế hoạch vì không thể chống chịu nổi trước dòng tiền đang trở nên quá nặng vì tỷ trọng lãi suất. Bạn tôi kể, người quen của anh đã dừng việc xây nhà dù đã xong phần móng, gom hết các khoản tiền để gửi vào ngân hàng, tranh thủ khi lãi suất đang tăng.

Chịu nóng nhất hiện nay là khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các doanh nghiệp đang trong tình trạng thiếu thanh khoản và biểu hiện của nó là chiếm dụng vốn lẫn nhau ở con số lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Cũng theo ông, chỉ riêng 6 tập đoàn lớn, số vốn chiếm dụng lẫn nhau này đã ở con số 200.000 tỷ đồng. Phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ ngân hàng.

Chúng ta cũng có thể nhận thấy những chi phối khác vào dòng tiền khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đình trệ, trái phiếu bất động sản suy giảm, thậm chí lao dốc. Điều này dẫn đến khan hiếm thanh khoản, mặc dù nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang rất lớn. Đó cũng là lý do mà các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động và đẩy tăng lãi suất cho vay.

Ở một góc nhìn khác, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu tính từ đầu năm đến tháng 10 vừa qua, tăng trưởng GDP của cả nước vào khoảng 8%, lạm phát khoảng 3%. Như vậy tính theo tỷ giá hiện hành, GDP tăng 11%. Trong khi đó, cung tiền chỉ tăng được 3%. Đặt một sự so sánh về lãi suất Ngân hàng châu Âu kỳ hạn 1 năm là 3%; ở Mỹ vào khoảng 2,5%-3% trong khi lạm phát 10% và (trong khoảng) 8,5%-9% (theo thứ tự), vấn đề mà TS. Lê Xuân Nghĩa đặt ra là, các doanh nghiệp trong nước đang kinh doanh trong điều kiện lãi suất so với lạm phát cao nhất thế giới, khi lãi suất cho vay kỳ hạn của chúng ta đang vào khoảng 9%, lạm phát 3%. Lãi suất thực là 6%. Gấp đôi lạm phát. Có một số trường hợp gấp từ 2,5 đến 3 lần lạm phát.

Tương quan của các con số cho thấy, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất, nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay lại đứng ở top cao nhất thế giới. Doanh nghiệp có lẽ đang “ngộp thở” và đang đi tới đỉnh điểm của giới hạn chống chịu?

Có rất nhiều thuật ngữ, cũng như vấn đề mà để giải thích một cách sâu sắc vấn đề này, cần đến tiếng nói và sự chia sẻ của các chuyên gia kinh tế. Điều chúng ta dễ nhận thấy nhất không phải là ngày càng có nhiều cuộc gọi, tin nhắn về lãi suất để thu hút nguồn tiền mà ở chỗ, chúng ta ngày càng tiếp nhận nhiều thông tin hơn về khan hiếm nguồn nguyên liệu, khan hiếm đơn hàng. Là số công nhân không còn việc hoặc thất nghiệp đang có chiều hướng tăng lên. Là sự tiết giảm các khoản chi để ứng phó với sự gia tăng về vật giá. Ngay cả chúng ta nữa, cũng tự tiết chế thanh khoản.

 Nhìn ở cấp độ vĩ mô, khan hiếm thanh khoản rõ ràng đang tác động không tốt đến nền kinh tế và mục tiêu tăng trưởng.

MINH HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách

Ngày 25/10, Đoàn công tác của Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam do ông Ngô Văn Cương, thành viên HĐQT NHCSXH Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách
CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH NGÂN HÀNG:
Kéo gần khoảng cách trong tiếp cận các dịch vụ

Chuyển đổi số ngành ngân hàng đã và sẽ góp phần quan trọng kéo gần khoảng cách trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa..., là chia sẻ của ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

Kéo gần khoảng cách trong tiếp cận các dịch vụ
Cần phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại Phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế sáng 8/10.

Cần phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
Return to top