|
Nơi địch đặt súng trung liên trên sân trường học đã bị hư hỏng chỉ còn móng (1). Ảnh: Phan Việt Kiên |
Sau chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của ta chiếm giữ 26 ngày đêm ở thành phố Huế, Mỹ - Ngụy đã tổ chức tổng phản công. Đợt phản công này, Mỹ - ngụy đã điều những đơn vị quân đội thiện chiến nhất, trong đó có Sư đoàn Kỵ binh bay (Sư đoàn Không vận số 1 của Mỹ) nên đã làm cho chiến trường Trị Thiên nói chung và phía nam Huế nói riêng gặp nhiều khó khăn, buộc ta phải bố trí lại lực lượng một cách phi đối xứng. Những lực lượng được giữ lại ở chiến trường trước hết phải là những chiến sĩ khỏe, gan dạ với 4 tiêu chuẩn cụ thể: Vững vàng về tư tưởng (không tư tưởng chiêu hồi, tức đầu hàng địch), tự túc được lương thực (bám vào dân để sống), xây dựng được cơ sở cách mạng trong dân và hàng ngũ của địch và đánh được địch ở mức tương quan lực lượng chênh lệch.
Tính một cách tổng quan lực lượng giữa ta và địch có tỷ lệ 1/20. Với lực lượng tinh gọn của ta như vậy nên dưới chân núi Bạch Mã ở Phú Lộc, ta có 4 đơn vị của quân giải phóng với khoảng 30 đồng chí. Trong đó, có Đội Trinh sát an ninh vũ trang của huyện Phú Lộc, được trang bị vũ khí hiện đại lúc bấy giờ: AK và B40.
Vào tháng 7/1970, trên giao nhiệm vụ là phải về vùng Bãi Quả trong một đêm đầu tháng âm lịch, chờ khi trăng lặn thì lực lượng của ta sẽ thâm nhập vào làng, vào nhà dân để làm nhiệm vụ. Được giao chỉ huy 11 đồng chí của các lực lượng tham gia đêm hôm đó là đồng chí Trần Văn Thời, Đội trưởng Đội An ninh vũ trang huyện. Vì được giao nhiệm vụ chỉ huy nên đơn vị an ninh vũ trang huyện đã cử 2 đồng chí Nguyễn Văn Bòn và Phan Viết Kiên làm nhiệm vụ trinh sát đường đi. Trên đài quan sát tại vùng núi khe Quýt phía đông nam Bạch Mã, qua ống nhòm nhìn về Bãi Quả với khoảng cách 3km đường chim bay thì phát hiện ở vùng Bãi Quả, quân lính của Mỹ - ngụy đi lại dày đặc, còn dân thì đi lại thưa thớt.
Sau này chúng tôi mới biết, đó là một đại đội biệt lập lính địa phương quân thuộc Tiểu khu Thừa Thiên. Đội hình đi về Bãi Quả đêm đó được chia thành 2 tổ. Tổ đi đầu có 4 đồng chí, do đồng chí Trần Văn Chương - cán bộ Đội Trinh sát an ninh huyện chỉ huy, gồm 4 súng AK. Tổ thứ hai 7 đồng chí trang bị vũ khí gồm 1 súng B40 có 4 quả đạn; 5 súng AK và 1 súng ngắn K54.
Biết nhiệm vụ trong đêm là nguy hiểm vì đi vào vùng có địch nên đội hình của ta được tổ chức chặt chẽ, phối hợp phải ăn ý và kịp thời. Khi tổ thứ nhất băng qua đường quốc lộ, đường sắt, kiểm tra địa hình không có địch, 2 tổ đã hội ý với nhau tại đường sắt và phân công, bố trí hỏa lực để hỗ trợ và chi viện cho nhau khi có địch phục kích, như phương án đã bàn trước khi xuất kích.
Sau khi bố trí lực lượng và hỏa lực theo phương án đã duyệt, tổ thứ nhất do tôi (Nguyễn Văn Bòn) dẫn đầu không đi vào làng theo đường của dân đi hằng ngày. Để phòng địch gài mìn và bố trí hỏa lực mạnh, tổ đi đầu đã đi dưới ruộng lúa ra hướng đầm Cầu Hai, sau đó đi bọc vào làng.
Lúc này khoảng hơn 10 giờ đêm. Khi tôi từ dưới ruộng lúa bước lên cồn đất để tiếp cận nhà dân thì bất ngờ một chớp sáng cùng với tiếng nổ vang trời từ quả mìn Claymore của địch. Và ngay sau đó là những loạt súng ARI5, trung liên, cối cá nhân (M79) của địch đổ đạn về phía 4 anh em chúng tôi. Nhưng nhờ đi vào hướng thứ yếu của địch và mới bước lên cồn đất có nhà của dân, 4 anh em chúng tôi nhảy ngay xuống ruộng nên hỏa lực của dịch chỉ bay vút qua đầu. Lúc này trong 4 anh em tổ đi đầu, mỗi người chỉ kịp bắn trả 1 loạt AK. Riêng tôi khi nhảy xuống ruộng thì biết mình bị thương ở chân, không thể chạy được, nhưng nhờ pháo sáng tại chỗ của địch bắn lên nên đồng chí Trần Văn Chương, chỉ huy tổ đi đầu đã kịp thời chạy đến cầm tay tôi khoác qua vai anh và kéo tôi dưới ruộng lúa.
Trong lúc địch đang trút hỏa lực vào hướng 4 anh em chúng tôi thì phía đường tàu tổ thứ hai có 7 đồng chí đã kịp thời bắn trả địch để chia lửa. Những loạt AK đồng thanh vang lên nhắm vào đội hình phục kích của địch, đặc biệt là có lợi thế về địa hình cao và vật che chắn là đường sắt nên nhắm bắn chính xác vào hỏa lực là súng trung liên của địch và đã tiêu diệt được cây trung liên. Từ đó, địch hạn chế bắn trả.
Trận phục kích này, phía địch có tổn thất về khí tài (súng trung liên) và có 5 tên chết và bị thương. Còn phía ta có 2 đồng chí của tổ đi đầu bị thương, nhưng nhờ gan dạ và mưu trí, có kinh nghiệm trong đánh phản phục kích nên đến 1 giờ khuya trong đêm tất cả 11 đồng chí đều đã về điểm tập kết đầy đủ tại khu đất hoang (Bệnh viện huyện Phú Lộc hiện nay). Tại đây, anh em đã sơ cứu băng bó vết thương và cán thương binh là tôi lên căn cứ.
Sau năm 1975, 11 đồng chí tham gia trong đêm đi Bãi Quả hôm đó còn lại 3 đồng chí, gồm tôi - Nguyễn Văn Bòn, đồng chí Phan Viết Kiên ở Đội Trinh sát an ninh vũ trang huyện Phú Lộc và đồng chí Hoàng Lam là du kích xã Dinh Lộc (nay là thị trấn huyện Phú Lộc).