Có người nửa đùa nửa thật rằng, nếu không có mưa thì không phải là Huế. Nhưng cơn mưa xuyên đêm nhạc đã khiến những người tổ chức tỏ ra bối rối và cảm thấy có lỗi với khán giả xứ sở này. Tổng đạo diễn Tùng Leo, rồi một số nghệ sĩ khác đã phải xuống tận sân khấu, một tay che dù một tay cầm mic để thưa chuyện và hát “chay” với hy vọng mưa sẽ ngớt, đêm nhạc rồi sẽ được bắt đầu một cách sớm nhất.
Nhưng thật trớ trêu, càng “gọi nắng” trời lại càng mưa. Không còn cách nào khác, sau gần 2 tiếng trì hoãn, ban tổ chức đã quyết định bắt đầu với một kịch bản được rút ngắn. May thay bên dưới sân khấu nhiều khán giả vẫn mặc áo mưa, vẫn che dù và nán lại để vừa được nghe nhạc Trịnh dưới mưa, vừa tiếp sức động viên các nghệ sĩ bên trên sân khấu.
Nhạc Trịnh với những giai điệu da diết vang lên, dưới mưa của Hoàng cung Huế, và được đón nhận bằng tình cảm của khán giả đã ghi dấu một đêm nhạc khó quên theo cách riêng có. Ở đó, những ca sĩ Cẩm Vân, Đức Tuấn, Quang Dũng, Tấn Sơn… lần lượt thay nhau thể hiện bằng tất cả tình cảm và tình yêu với nhạc Trịnh, với sự cống hiến hết mình để phục vụ những người có mặt trong đêm nhạc ngoài trời “mưa vẫn mưa bay”.
Có lẽ hình ảnh xúc động trong đêm diễn với nhiều người đó là sự xuất hiện của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn. Quay trở lại quê hương người nhạc sĩ tài hoa sau cơn đột quỵ và phải điều trị kéo dài, người nghệ sĩ ấy đã thổi hồn vào tiếng kèn qua những giai điệu du dương và sâu lắng. Âm nhạc trong người nghệ sĩ ấy đang vang lên như thế, đánh dấu sự hồi sinh của người nghệ sĩ tài hoa, của tình yêu với nhạc Trịnh, của niềm đam mê và sự cống hiến. Cạnh đó, cô con gái của anh - nghệ sĩ saxophone An Trần cũng đã vừa tiếp nối, vừa hòa điệu cùng với cha, để khán giả bên dưới có những giây phút thăng hoa trong âm nhạc, dưới cái mưa lất phất khi trời càng về khuya.
Đêm nhạc Trịnh bên trong Hoàng cung Huế bắt đầu bằng mưa và kết thúc cũng mưa. Khi ca khúc cuối cùng Nối vòng tay lớn vang lên, các nghệ sĩ từ trong bắt đầu bước ra, khán giả cũng không ngần ngại bước lên khấu. Tất cả tạo nên một hình ảnh đẹp, mọi người cùng nhau hát dưới mưa, cùng kết nối tình yêu âm nhạc Trịnh.
Sau đêm nhạc, tổng đạo diễn chương trình Tùng Leo nói rằng, với tiết trời như thế buộc lòng phải thay đổi kịch bản để thích nghi với thời tiết. Từng tổ chức rất nhiều chương trình nghệ thuật lớn, nhưng chưa khi nào gặp một trận mưa ngoài sức tưởng tượng như thế. Và trước khi quyết định cho chương trình bắt đầu dưới mưa, Tùng Leo đã rất căng thẳng. Nhưng rồi khi nhìn xuống khán đài, anh vẫn thấy khán giả ngồi đó, vẫn chăm chú theo dõi, mọi lo lắng trong anh như xua tan. “Khán giả vẫn mang áo mưa, vẫn không bỏ mình, vậy tại sao mình phải căng thẳng?”, Tùng Leo tự động viên bản thân và lấy lại sự tự tin.
Và rồi khi mỗi ca khúc vang lên, bên dưới khán giả vẫn hát theo, vẫn vỗ tay và vẫn nán lại sân khấu đến giây phút cuối cùng, Tùng Leo vỡ òa cảm xúc hạnh phúc: “Mình biết ơn Huế, biết ơn gia đình Trịnh Công Sơn đã chọn mình và chấp nhận kịch bản rất mới mẻ. Trên nữa, mình cảm ơn những khán giả của mảnh đất này và cảm ơn nét đẹp của Huế đã đưa mình và các nghệ sĩ thăng hoa trong nghệ thuật”.