ClockThứ Bảy, 17/02/2024 09:02
KỶ NIỆM 45 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (17/2/1979 - 17/2/2024)

Không thể quên những người đã vì biên cương bình yên

TTH - Cách đây 45 năm, quân và dân cả nước bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nhắc lại cuộc chiến là cách tri ân những thế hệ cha anh đã đổ xương máu để biên cương bình yên và cũng là thêm một lần nhắc nhớ về một Việt Nam có chủ quyền và luôn hướng tới một tương lai hòa bình, hữu nghị và hợp tác để cùng nhau phát triển.

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Máu đã đổ trên khắp dải biên cươngCuộc gặp mặt đầy xúc động

Chiến sĩ thông tin Phạm Văn Do, Đại đội 18, Đoàn Y Hà Tuyên dũng cảm làm nhiệm vụ, bảo đảm 
đường dây thông suốt phục vụ chiến đấu. Anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Ảnh: TTXVN 

Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tràn qua biên giới Việt Nam, đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía bắc. Các tỉnh nằm trong vùng chiến sự, gồm: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Thời điểm Trung Quốc tấn công, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía bắc chỉ có khoảng 50.000 quân. Trong khi đó, quân phía Trung Quốc ước lượng có 600.000 người. Trong một bản tin tường thuật lại thời điểm mở màn cho cuộc chiến khốc liệt kéo dài 30 ngày được phát đi 45 năm trước, báo Quân đội nhân dân thông tin: “4 giờ 17 phút ngày 17/2/1979, giữa lúc Nhân dân Hoàng Liên Sơn đang ngủ ngon thì bất thình lình hàng loạt đạn đại bác từ phía bắc dội tới làm khắp biên giới bốc lửa ngùn ngụt…”.

Theo tài liệu lịch sử, tháng 5/1975, Khmer Đỏ cho quân đánh chiếm các đảo Phú Quốc và Thổ Chu rồi tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, tàn sát hàng nghìn dân thường. Khi Việt Nam vừa thống nhất đất nước, những người lính còn chưa kịp hưởng một ngày yên vui đã phải khoác lên vai cây súng để bảo vệ Tổ quốc. Tháng 1/1979, quân đội Việt Nam tổng phản công trên biên giới Tây Nam, đánh sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer Đỏ. Trung Quốc quyết định dừng viện trợ cho Việt Nam. Không lâu sau, rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới của Việt Nam. Lúc này, phần lớn bộ đội chủ lực của Việt Nam vẫn đang ở biên giới phía nam, giúp Nhân dân Campuchia chống lại Khmer Đỏ.

Để huy động sức người, sức của cho công cuộc cứu nước, ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh tổng động viên trên cả nước. Hàng vạn thanh niên các tỉnh biên giới và toàn quốc nhanh chóng ghi danh nhập ngũ. Đất nước chuyển mình vào cuộc kháng chiến mới.

Không thuộc thế hệ năm ấy, nhưng với tôi, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979 vẫn ghi nhớ gần gũi qua câu chuyện của mẹ. Mẹ kể, thời điểm biên giới phía bắc xảy ra chiến tranh, mẹ đang mang thai tôi và thường xuyên bị nghén ngủ. Vì bị những cơn buồn ngủ hành hạ, nên mẹ được bà nội ưu tiên không phải ra đồng và được ở nhà ngủ. Tuy vậy, những bản tin về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc liên tục được cập nhật qua loa truyền thanh khiến mẹ bất an đến không dám ngủ. Nhưng, những lúc không thể cưỡng lại cơn buồn ngủ, mẹ cứ dặn đi dặn lại bà cố trong nhà: “Nếu giặc đến làng, có đi đâu, làm gì thì bà cố nhớ đánh thức con dậy…”. 

Không may mắn như người làng tôi năm ấy - người khỏe vẫn có thể ra đồng, người ốm vẫn có thể ở nhà, nhiều bản làng dọc biên giới phía bắc bị tàn phá nặng nề. Đạn pháo tầm xa phá hủy nhà cửa, trường học, bệnh viện, cầu cống, người dân bị giết hại. Một số đô thị bị hủy diệt hoàn toàn, hàng chục nghìn người thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ nhỏ. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân các tỉnh biên giới phía bắc bị mất nhà cửa, tài sản….

Đến nay, cuộc chiến tranh biên giới phía bắc (1979) đã kết thúc 45 năm. “Theo chân” các phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng trở lại vùng đất nơi biên ải ở huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) – một trong những chiến trường ác liệt, vùng đất đau thương năm xưa và đến thăm Đồn Biên phòng Pha Long. Nơi đây lịch sử truyền thống của Đồn còn ghi: Từ 5 giờ 30 phút ngày 17/2/1979, hai trung đoàn lính Trung Quốc bao vây Đồn Biên phòng Pha Long với ý định cắt rời đồn khỏi thế trận trên toàn biên giới của tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai và Yên Bái). Suốt 4 ngày đêm bị bao vây với hỏa lực mạnh và quân số đông hơn rất nhiều lần, nhưng cán bộ, chiến sĩ Pha Long vẫn kiên cường bám đồn, bám chốt chiến đấu mưu trí, kiên cường bẻ gãy hàng loạt đợt tấn công, tiêu diệt nhiều tên địch, bảo vệ lãnh thổ, biên cương Tổ quốc tới viên đạn, hơi thở cuối cùng… Càng xúc động hơn khi thăm phòng truyền thống của Đồn và “gặp” những hiện vật, tư liệu thể hiện quá trình chiến đấu anh dũng của Đồn; trong đó, có “Bức điện mật” của Thượng úy Trần Xuân Ngọc (Chính trị viên, Bí thư Chi bộ Đồn Biên phòng Pha Long thời đó) được treo trang trọng. Bức điện được đánh về hậu phương vào lúc 11 giờ ngày 19/2/1979 với nội dung: “Một sư đoàn địch đang vây hãm đồn. Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí”.

45 năm đi qua, thời gian dần xóa mờ những vết tích đau thương của cuộc chiến. Nhưng nhắc lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm ấy để càng hiểu thêm rằng chúng ta – những người trẻ của thế hệ hôm nay không được phép lãng quên những bài học của lịch sử và không bao giờ quên những người đã đổ máu để giữ cho biên cương được bình yên, để làm nên tên tuổi của một dân tộc anh hùng. Đồng thời, thêm nhấn mạnh chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc, với tinh thần “Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” cùng các nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi.

ĐỒNG VĂN (tổng hợp)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bình yên ngồi xuống

Tôi ân cần dẫn bạn đến những quán cà phê vườn thoáng đãng giữa lòng Cố đô. Thương hiệu của Huế là thành phố xanh, là thành phố sống chậm nên thiếu gì nơi chốn để bạn trải nghiệm một nếp sống thong dong.

Bình yên ngồi xuống
Những nẻo đường biên cương hoa nở

Để những con đường biên cương hoa nở, đã có rất nhiều trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết, mồ hôi của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nói chung, đặc biệt là tuổi trẻ BĐBP.

Những nẻo đường biên cương hoa nở
Yên vui trên đất biên cương

Những cư dân Lào di cư tự do sang làm ăn và sinh sống ở mảnh đất biên giới A Lưới, được trở thành công dân Việt Nam, chấp hành tốt pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn ở khu vực biên giới, đồng hành trách nhiệm và yêu thương của bộ đội biên phòng (BĐBP). Để từ đó, trên mảnh đất biên cương, cuộc đời an cư đẹp những mùa xuân yên vui.

Yên vui trên đất biên cương
Chuyện bắt trộm tại chợ Đông Ba

Là một khu chợ sầm uất, đông người qua lại, Đội Trật tự bảo vệ ngày (TTBVN) của chợ Đông Ba cũng đối mặt với nhiều tình huống người dân, tiểu thương bị mất cắp khi tham gia mua sắm ở chợ. Tuy vậy, các đối tượng trộm cắp, lừa đảo tại chợ đều bị Đội TTBVN tóm gọn.

Chuyện bắt trộm tại chợ Đông Ba
Return to top