Đại tá Nguyễn Đức Thuận cùng những kỷ vật của thời chiến đấu oanh liệt
Ký ức của dũng sĩ diệt Mỹ
Cũng như bao chàng trai đất Việt, năm 20 tuổi (1963), người thanh niên quê Quảng Bình Nguyễn Đức Thuận lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Sau thời gian chiến đấu ở Lào, cuối năm 1965, Sư đoàn 324 của ông được điều động về nước và đóng quân cơ động trong dân (Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình – Quảng Trị). Sau chiến công trận Gio An (Quảng Trị) tiêu diệt 2 tiểu đoàn Mỹ thì cuối năm 1967, Trung đoàn của ông được nhận nhiệm vụ đánh địch tại Đường 9 để kéo giãn địch ra khỏi mặt trận Huế.
Sau đó, Trung đoàn nhận nhiệm vụ “bôn tập” (hành quân khẩn trương) vào tăng cường cho mặt trận Huế, với nhiệm vụ đánh chiếm Đại nội Huế, khu An Hòa, cụm Hương Cần, bao vây, cắt đứt hành lang vận chuyển trên sông Hương của địch để giữ Đại nội Huế, sân bay Tây Lộc, chợ Đông Ba, cầu Trường Tiền...
CCB Nguyễn Đức Thuận nhớ lại, khi bị Mỹ phát hiện nơi đóng quân của đơn vị, đã đưa quân bao vây trên cánh đồng Thanh Lương (Hương Trà). Mặc dù địch vừa đông vừa mạnh, có cả phi pháo, xe tăng hỗ trợ, nhưng ông cùng đồng đội đã anh dũng chiến đấu tiêu diệt, bẻ gãy lần lượt các mũi, các hướng tấn công của địch. Trong 4 ngày đêm chiến đấu, đơn vị ông đã tiêu diệt 150 tên địch, 5 chiếc xe tăng. Trận mở đầu Thanh Lương (Hương Trà) vào cuối tháng 3/1968 giành thắng lợi giòn giã, khiến Mỹ phải rút quân tháo chạy về đồn Tứ Hạ.
Hồi sinh
Trận đánh nào cũng ác liệt, cũng có những mất mát, đau thương khi tận mắt chứng kiến những người đồng đội cùng vào sinh ra tử vĩnh viễn nằm xuống. Nhưng với trận Phước Yên (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) sẽ mãi là ký ức anh hùng.
“Khi Tiểu đoàn 8 của ông hành quân từ Thanh Lương về Phước Yên thì bị địch bám sát. Trước tình thế đó, chỉ huy tiểu đoàn lên kế hoạch đánh càn trong 1 ngày đêm để tìm cách chuyển quân đi nơi khác. Trái với dự định, địch không cho 1 đơn vị nhỏ chạm trán với quân ta như trước mà huy động lực lượng địch gấp 7 lần quân ta, xuống cánh đồng trống, lấy dây thép gai rào tứ phía, cài mìn. Lúc đó, Tiểu đoàn 8 ở Phe Giữa (Phước Yên, Quảng Thọ) như trong vòng bủa vây lưới quét của địch.
Mặc dù nằm trong vòng vây của địch, nhưng toàn bộ chiến sĩ đã cùng quyết tâm đánh đến viên đạn, tay súng cuối cùng, thà hy sinh chứ không để địch bắt. Khi bốn bề phi báo tiếp tục dội xuống cùng những trận tấn công liên tiếp của địch, Tiểu đoàn 8 vẫn quyết liệt đánh trả. Bị kẹp chặt trong vòng vây của địch, Quân khu đã điều động 1 tiểu đoàn hỗ trợ mở đường máu, nhưng cuộc mở đường máu không thành. Lực lượng bị tiêu hao quá nhiều, chỉ huy tiểu đoàn đã động viên cán bộ, chiến sĩ “xốc” lại tinh thần, nắm chắc tay súng để mở đường máu và đã đưa được 46 đồng chí về căn cứ an toàn - ông Thuận nhớ lại.
Giọng chùng lại, ông kể tiếp: “Trong số chiến sĩ hy sinh ở trận Phước Yên có tôi. Do trúng đạn, bị thương nặng nên ai cũng tưởng tôi đã chết. Đến khi địch rút lui, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1 do đồng chí Võ Chót chỉ huy về làm công tác thương binh tử sĩ phát hiện tôi còn thở thoi thóp, lúc tỉnh, lúc mê đã cho các chiến sĩ cáng lên chiến khu. Nhưng trên đường đi bị địch bao vây ác liệt nên gửi tôi cho Nhân dân làng Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) chữa trị, chăm sóc”.
Sau 3 tháng điều trị vết thương, CCB Nguyễn Đức Thuận tiếp tục công tác tại Huyện đội Quảng Điền, đến cuối năm 1968, ông trở lại rừng nhận nhiệm vụ mới và tiếp tục cầm súng chiến đấu cho tới ngày hòa bình lập lại.
55 năm đã trôi qua, nhưng mỗi lần nhớ lại Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, nhớ lại trận Phước Yên, nhớ tới những người đồng đội của mình, ông Thuận vẫn xúc động và không kìm được nước mắt. Những năm tháng hào hùng cùng những hồi ức không thể nào quên của ông và đồng đội sẽ mãi lưu truyền trong sử sách và là niềm tự hào của lớp lớp thế hệ con cháu như chúng tôi.
Bài, ảnh: Thanh Thảo