ClockThứ Sáu, 03/05/2019 06:00

Ký ức mãi còn

TTH - “Tôi sinh ngày 1/12/1920 trong một ngôi nhà tranh tại gia đình ông bà nuôi ba tôi ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang...”, trong cuốn hồi ký, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh đã viết về mảnh đất nơi ông được sinh ra với nhiều tình cảm ruột thịt, yêu thương.

Dấu ấn của Đại tướng Lê Đức Anh trong chiến dịch Hồ Chí MinhThông cáo đặc biệt: Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh từ trần

Ông Nguyễn Văn Phượng, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Phú bên cạnh chiếc ti vi - kỷ vật của Đại tướng Lê Đức Anh

Trường Hà, Vinh Phú là nơi nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh -người con ưu tú của Thừa Thiên Huế - sinh ra và lớn lên.

Tại trụ sở UBND xã, bức ảnh Đại tướng Lê Đức Anh được treo ở vị trí trang trọng. Cũng hiện diện ở đây là chiếc ti vi mà Đại tướng tặng địa phương gần 20 năm trước. “Đây là vật kỷ niệm của Đại tướng, được chúng tôi giữ gìn cẩn thận”, ông Nguyễn Văn Phượng, Bí thư Đảng ủy xã và ông Lý Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Phú (là những người vinh dự nhiều lần được gặp gỡ, đón tiếp khi Đại tướng Lê Đức Anh về thăm) tâm tình.

Theo lời kể của ông Phượng, ông Sinh, sau hàng chục năm đi xa, lúc trở thành Chủ tịch nước, những dịp trở về quê hương, nơi đầu tiên Đại tướng Lê Đức Anh đến thăm cũng là mảnh vườn trước đây từng có ngôi nhà của gia đình, nơi ông và các anh chị em được sinh ra, lớn lên.

Cũng như trong cuốn hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh - cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”, bao giờ Đại tướng cũng nhắc lại thời ấu thơ, ông đã cùng các anh chị trồng khoai, trồng sắn, lội xuống phá Tam Giang vớt rong... Ông cũng nói nhiều về nơi chôn nhau cắt rốn, về tuổi ấu thơ, về đức tính chịu thương chịu khó của người dân Phú Vang, về những ngày đầu tiên hoạt động cách mạng và được kết nạp Đảng ngay trên quê hương với thế hệ tiếp nối bằng tình cảm tự hào và yêu thương sâu nặng.

Đại tướng luôn dành sự trân trọng đối với ông Hoàng Văn Viễn (tức Huỳnh Văn Viết, đã hy sinh), một người anh, người đảng viên kiên trung, người giới thiệu để ông được kết nạp Đảng vào ngày 1/5/1938. Trước đó 8 năm, ông Viết là người giao cho Đại tướng Lê Đức Anh cất giấu lá cờ cách mạng, để đêm 30/4, rạng ngày 1/5/1930, Đại tướng bí mật trao lá cờ cho ông Viết treo lên ngọn phi lao ở chợ Trường Hà bên phá Tam Giang. Sau này có dịp về thăm quê và đến thắp hương cho liệt sĩ Hoàng Văn Viễn (năm 2005), trong lá thư gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh có một đề nghị: “…Tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh và huyện cho ngân sách và khôi phục lại mảnh vườn như cũ, trồng lại hàng cau và sửa chữa nâng cấp nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Viễn - người đảng viên Cộng sản trẻ tuổi, trung kiên, hoạt động cách mạng rất hăng hái, bị giặc Pháp bắt và thủ tiêu trong cuộc khủng bố sau cao trào 1936-1939. Đồng chí là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Phú Vang”. Bây giờ, nhà lưu niệm người cộng sản trung kiên ấy được bao bọc giữa những hàng cây xanh tươi, là lòng tri ân sâu nặng dành cho người đã hy sinh cho cách mạng.

“Cách đây 9 năm, tôi vinh dự được cùng nhiều đồng chí lãnh đạo của huyện, tỉnh ra Hà Nội chúc thọ Đại tướng Lê Đức Anh. Điều đầu tiên ông hỏi là tình hình địa phương như thế nào, cuộc sống của bà con có khá hơn nhiều không.

Chúng tôi báo cáo với ông về sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Vinh Phú, vượt qua những khó khăn, phát triển về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Ông cười ấm áp và yên tâm, đồng thời dặn dò con cháu cố gắng hơn nữa, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Lời dặn dò đó chúng tôi mãi ghi nhớ để cố gắng”, ông Nguyễn Văn Phượng, Bí thư Đảng ủy xã nhớ lại.

 Ông Lý Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Phú xúc động kể, năm 1994, ông ra Hà Nội gặp Chủ tịch nước Lê Đức Anh, gặp Bộ trưởng Bộ Năng lượng và càng hiểu được tình cảm, sự quan tâm của một người con dành cho quê hương, để cách đây hơn 20 năm, ánh đèn điện đã thắp sáng cả vùng quê Vinh Phú.

Tại Trường THCS Vinh Phú, thầy Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng và nhiều giáo viên cũng không nén được cảm xúc bùi ngùi khi kể về Đại tướng. Ngày trước, Vinh Phú chưa có trường THCS, học trò phải đi rất xa, đến thị trấn Phú Đa hoặc xã Vinh Hà, Vinh Thái. Vậy nên trẻ em thất học rất nhiều. Năm 2008, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã vận động một số công ty, doanh nghiệp hỗ trợ 2 tỷ đồng để xây dựng ngôi trường.“Nhà trường vẫn luôn nhắc nhở để các thế hệ học sinh ghi nhớ tâm huyết, tình cảm của Đại tướng Lê Đức Anh. Người dân Vinh Phú sẽ mãi nhớ về ông. Đặc biệt với thầy trò Trường THCS Vinh Phú, tình cảm của ông luôn là động lực để thầy và trò dạy-học thật tốt, nâng bước những ước mơ”, thầy Nguyễn Anh Tuấn xúc động.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

Ngoài mảnh đất Niêm Phò - nơi lưu giữ những những ký ức về tuổi thơ thì mảnh đất Nam Dương thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền là một phần không thể thiếu trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của chàng thanh niên Nguyễn Vịnh. Và chính tại làng quê này, anh đã gặp và thầm cảm mến cô gái dịu hiền, thùy mị với đôi mắt đen thông minh có tên là Nguyễn Thị Cúc - người sau này đã trở thành người vợ thủy chung, “hậu phương” vững chắc cùng gắn bó bên nhau qua mọi gian khó, thăng trầm với người chồng của mình - Nguyễn Vịnh (sau này Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân
Thức quà ký ức

Có một người bạn trẻ của tôi ở Hà Nội nói rằng, em đi chợ mà thấy mấy loại bánh truyền thống là mua ngay, không chỉ mua để ăn đâu, mà như mua một kỷ niệm cho mình...

Thức quà ký ức
Return to top