ClockChủ Nhật, 05/03/2017 10:54

Nâng cao vai trò của phụ nữ trong kinh doanh

Khoảng 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay do phụ nữ làm chủ; tạo việc làm cho hơn 1,63 triệu lao động (14,5% tổng việc làm trong doanh nghiệp nhỏ). Tuy vậy, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn đang gặp muôn vàn khó khăn, cần có sự tháo gỡ của các cơ quan chức năng.

Bài toán cân bằng giữa gia đình và công việc

Theo thống kê của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, phụ nữ Việt Nam làm chủ hơn 100.000 doanh nghiệp, tương ứng khoảng 25% tổng số doanh nghiệp cả nước. Các doanh nghiệp này đã nộp ngân sách nhà nước gần 33.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 3,9% thu ngân sách).

Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Họ cũng sử dụng nhiều lao động nữ hơn so với các doanh nghiệp do nam làm chủ(43,4% so với 36%).

“Muốn nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội thì cần phải nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ trong kinh doanh. Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội

Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội chia sẻ, trong giai đoạn trước đây, vai trò của người phụ nữ chỉ đơn thuần là chăm lo gia đình và con cái. Ngày nay, phụ nữ đã tham gia nhiều công việc tương tự nam giới, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh. Bên cạnh việc gặp phải những thách thức chung mà doanh nghiệp phải đối mặt, thì các doanh nhân nữ còn gặp phải các rào cản về giới như tài chính, mạng lưới, thông tin...

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) nhận định, các doanh nghiệp do nữ làm chủ đã có những đóng góp tích cực không chỉ cho ngân sách, tăng trưởng kinh tế mà còn đóng góp to lớn cho xã hội trong việc tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Nhưng thực tế doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức từ khi khởi sự kinh doanh cho tới khi phát triển trong việc tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận thị trường, công nghệ, các nguồn lực của Chính phủ, và các mạng lưới. Bên cạnh đó, những nữ doanh nhân tại Việt Nam còn phải đối mặt với thách thức lớn trong việc cân bằng giữa gia đình và công việc.

“Chính vì vậy, thời gian tới Chính phủ cần có các chính sách và chương trình hỗ trợ hiệu quả nhằm thu hút sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế thông qua hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại và đầu tư", bà Nguyễn Thị Tuyết Minh đề nghị.

Sớm có chính sách hỗ trợ

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang xây dựng đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2027” đưa ra mục tiêu tới năm 2020 sẽ có 35% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong tổng số hơn 1 triệu doanh nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần những chính sách cụ thể hơn cho doanh nghiệp nữ.

Theo TS Lê Quang Cảnh, chuyên gia tư vấn của Sáng kiến Hỗ trợ Phát triển Khu vực Tư nhân Vùng Mekong (MBI), hiện mới chỉ có Nghị định 56/2009/NĐ - CP, ngày 30/6/2009 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, là đề cập đến việc trợ giúp doanh nghiệp do nữ làm chủ, nhưng mới chỉ dừng lại ở những quy định rất chung chung. Chính vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp không biết có quy định về hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ và nếu có thì cũng không biết được hỗ trợ như thế nào và làm thế nào để được hưởng hỗ trợ.

“Cần quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ là đối tượng được hưởng hỗ trợ của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó cần có các chính sách hỗ trợ về việc cung cấp thông tin chính sách, thị trường, nguồn lực, bồi dưỡng doanh nhân nữ...”, TS Lê Quang Cảnh kiến nghị.

Để thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực thi các chính sách về bình đẳng giới, cũng như đảm bảo quyền bình đẳng thực sự của phụ nữ trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng chỉ có sự nỗ lực của phụ nữ là chưa đủ, mà cần có sự hỗ trợ của chính sách. Để trao quyền cho phụ nữ thực chất hơn, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nữ tăng quy mô, tăng tính đại diện của doanh nghiệp nữ trong các hiệp hội kinh doanh nhằm làm cho hoạt động của các hiệp hội này phù hợp hơn với phụ nữ.

Bà Ngô Hồng Điệp, chuyên gia về giới của Sáng kiến Hỗ trợ Phát triển Khu vực Tư nhân Vùng Mekong (MBI) khẳng định, tháo gỡ những rào cản về giới cho doanh nhân nữ không chỉ phù hợp với mục tiêu về Bình đẳng giới và thông lệ quốc tế, mà còn giúp nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện mục tiêu trong phát triển chiến lược bền vững quốc gia là đến năm 2020 sẽ có 35% doanh nghiệp do nữ làm chủ, đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: “Lâu nay, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ chưa có được sự hỗ trợ cần thiết để vượt qua các rào cản do qui mô cũng như đặc thù giới tính. Do đó, một chương trình đặc thù dành cho khu vực kinh tế này là cần thiết, để huy động sự tham gia và đóng góp tích cực của các doanh nhân nữ Việt Nam cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Theo Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), khuyến khích khởi nghiệp sẽ thúc đẩy bình đẳng giới. Việc tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ trong thúc đẩy bình đẳng giới, đó chính là việc tạo ra những cơ hội như nhau cho nam và nữ trong việc tiếp cận cơ hội và các nguồn lực. Việc thay đổi sự phân công lao động, trong đó nữ giới nắm quyền chủ động kinh doanh nhiều hơn, đồng thời nam giới chia sẻ nhiều hơn trách nhiệm gia đình, sẽ giúp cho vai trò của phụ nữ trong xã hội được nâng cao.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phụ nữ sống xanh

Để phong trào “Chủ nhật xanh” thực sự “bám rễ”, hình thành thói quen bảo vệ môi trường, sống xanh, sạch, đẹp đối với từng hội viên phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã cụ thể phong trào bằng những mô hình thiết thực, hiệu quả như: Tuyến đường hoa, Điểm xanh văn hóa, Mỗi hố rác một cây xanh, Biến rác thành tiền, Ngõ xanh, 60 phút sạch nhà đẹp ngõ... Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân về tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) tại khu dân cư ngày càng được nâng cao.

Phụ nữ sống xanh
Vị thế của hàng Việt ngày càng được nâng cao

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng xây dựng và có sự đầu tư thích đáng cho công nghệ, sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngày càng nhiều sản phẩm hàng Việt Nam được người tiêu dùng thế giới tin tưởng.

Vị thế của hàng Việt ngày càng được nâng cao
Mở rộng cao tốc La Sơn- Hòa Liên lên 4 làn xe

Đó là thông tin được lãnh đạo Ban Quản lý (BQL) Dự án (DA) đường Hồ Chí Minh thông tin sáng 28/4, khi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư DA mở rộng cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn La Sơn-Hòa Liên.

Mở rộng cao tốc La Sơn- Hòa Liên lên 4 làn xe

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top