Mực nước lúc 9h ngày 8/11 trên các sông như sau: Sông Hương tại Kim Long 1,72 m, dưới báo động 2 là 0,28m; sông Bồ tại Phú Ốc 3,36 m, trên báo động 2 là 0,36m; sông Ô Lâu tại Phong Bình 2,32 m; sông Truồi tại Cầu Truồi 1,59m;
Dự báo trưa, chiều nay (8/11) lũ trên các sông tiếp tục xuống. Cụ thể: Sông Hương tại Kim Long xuống và dao động ở mức 1,5m, dưới mức báo động 2 là 0,5m; sông Bồ tại Phú Ốc xuống ở mức 3,2m, trên mức báo động 2 là 0,20m; sông Ô Lâu tại Phong Bình xuống rất chậm và dao động ở mức 2,1m; sông Truồi tại Cầu Truồi dao động ở mức 1,50m.
Hiện, các địa phương đang tích cức khắc phục hậu quả mưa lũ:
* Hương Thủy: Nước đã rút đáng kể
Tính đến trưa ngày 8/11, nước lụt ở nhiều vùng bị ngập sâu trong những ngày qua trên địa bàn thị xã Hương Thủy đã rút đáng kể. Xã Thủy Vân - một trong hai địa phương bị ngập hoàn toàn hệ thống giao thông, đến trưa nay cũng chỉ còn thôn Dạ Lê còn nước. Người dân toàn xã đang tích cực dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, cơ quan... sau nước rút.
Người dân tranh thủ lội lo việc khi trời tạnh
Sáng 8/11, chị Nguyễn Thị Phê, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Thủy Tân - một trong hai cán bộ xã được "chốt" với bà con vùng bị cô lập cũng đã trở về trung tâm xã và đi làm bình thường. Chị Phê cho biết: "Nước đã rút nhanh nên không còn nhà bị ngập, chỉ còn lấp xấp trên đường. Nếu thời tiết ổn định, nước nguồn không dâng thì qua ngày 9/11, người dân thôn Hòa Phong đã có thể ra vào trung tâm xã bằng đường bộ".
Xã Thủy Thanh là địa bàn "bền gan" nhất với nước lụt khi mà đến trưa 8/11, nền đất toàn xã vẫn còn ngập trong nước. Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cho biết: "Tuy nước có giảm, nhiều đoạn đường đã có thể lội bộ, nhưng cũng chỉ có ai liều lắm mới dám lội".
Tại thôn 10 của xã Thủy Phù, tuy nước có giảm nhiều nhưng vẫn còn nhiều nhà nước ngập trong sân, thậm chí có một số hộ nước còn chưa ra khỏi nhà.
100 gốc cau non của người dân xã Thủy Phù chìm dưới nước, chỉ còn lộ cọc chống
Người dân thôn Dạ Lê - Thủy Vân đang dọn dẹp hàng quán sau nước rút
* Huyện Quảng Điền chiều tối ngày 7/11 có thêm 2 người bị thương. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Sau, 71 tuổi, trú tại thôn Phú Ngạn, xã Quảng Thành bị gãy tay do trượt ngã (đã đến Bệnh viện đăng bột và về nhà); bà Lê Thị Sâm, 40 tuổi, thôn Phú Lương A, xã Quảng Thành bị gãy chân do trượt ngã khi cho lợn ăn (hiện đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược Huế).
Đến nay trên địa bàn huyện Quảng Điền đã có 1 người chết và 3 người bị thương do mưa lũ.
Trung tâm huyện Quảng Điền vẫn còn ngập nặng
Các tuyến đường về huyện không thể lưu thông do ngập sâu, nước chảy siết. Tuyến đường từ cầu Tứ Phú về huyện ô tô có thể lưu thông, riêng xe máy do nước chảy siết không thể lưu thông. Toàn huyện vẫn còn khoảng 3.785 nhà bị ngập sâu từ 0,3 – 0,8m; trong đó: Quảng Thọ 200 nhà, Quảng Phước 258 nhà, Quảng Thành 149 nhà, Quảng An 760 nhà, thị trấn Sịa 880 nhà, Quảng Vinh 700 nhà.
Người dân xã Quảng Vinh họp chợ
Ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ thông tin, toàn xã có 5 lồng cá của người dân bị trôi. Xã đã cử cán bộ lãnh đạo túc trực bám sát các thôn cùng với Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các thôn kịp thời hỗ trợ những trường hợp khó khăn. Thường xuyên theo sát các gia đình người già neo đơn đưa họ đến nơi an toàn trước những diễn biến xấu của thời tiết. Đồng thời tuyên truyền người dân không được chủ quan tránh thiệt hại về người.
* Phú Vang: Nước đang rút chậm.
Địa phương tiếp tục triển khai bố trí các lực lượng ứng trực 24/24, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản của người dân. Nghiêm cấm mọi hoạt động trên sông, đầm phá và các vùng thấp trũng ngập sâu, tránh thiệt hại về người do đánh bắt thủy hải sản và đi lại, sinh hoạt. Huy động nhân lực, phương tiện để đẩy bèo và rác, tránh gây tắc nghẽn dòng chảy, mất an toàn các cầu. Sau khi nước rút, huy động các lực lượng ra quân vệ sinh môi trường, phòng ngừa không để dịch bệnh xảy ra. Bến đò Sình (Phú Mậu) vẫn chưa cho hoạt động vì sợ nguy hiểm
Dọn dẹp công sở sau khi nước rút. Ảnh. Q.Anh
*Hương Trà: Người dân nhiều vũng trũng đi lại bằng thuyền:
Nước còn ngập một số vùng thấp trũng như Hương Toàn, Hương Vinh, Hương Phong... Với những hộ còn cá trong lồng, người dân tiếp tục chăm sóc, cho cá ăn để chờ ngày thu hoạch, mong vớt vát phần nào thiệt hại do lũ gây ra. Cá chết hai ngày qua đã bán cho tư thương để nhập cho nhà máy phân vi sinh ở Quảng Trị. Giá bán 1k/kg, đã bán hết từ 10h tối qua. Tỉ lệ cá sống còn chưa tới 10%
Sau lũ, hộ nuôi cá lồng ở Tứ Hạ tiếp tục vớt cá chết còn sót trong lồng. Ảnh: L.Minh
Gom cá chết vào bao chờ xử lý. Ảnh: L.Minh
Người dân tận dụng thân cây chuối đổ ngã sau lũ để làm thức ăn cho cá trắm. Ảnh: L.Minh
Ông Duy, hộ nuôi cá lồng ở phường Hương Văn đang xắt thân chuối cho cá ăn. Ảnh: L.Minh
Gia cố lại lồng nuôi. Ảnh: L.Minh
Trong ảnh là người dân di chuyển từ thôn Giáp Trung ra tỉnh lộ 19 bằng ghe. Ảnh: Hồ Linh
Hầu hết ở Hương Toàn, nhiều vùng vẫn đang ngập sâu. Ảnh: Hồ Linh
Đi thuyền trên tỉnh lộ 4 từ Hương Vinh (Hương Trà) lên PT. Huế. Ảnh Ngọc Thắng
Giá đi thuyền từ bến đò Thủy Tú lên Hương Vinh và TP. Huế sáng 8/11: đi bộ 30 ngàn đồng xe may 50 ngàn đồng, hai ngày trước là 150 ngàn đồng/ xe máy.Ảnh Ngọc Thắng
Chợ Thanh Phước chuyển lên đường. Ảnh Ngọc Thắng
Ngập vẫn còn bửa vây phường Hương Sơ, TP. Huế. Clip: Ng. Thắng
Tại Tứ Hạ, ngay sau lũ, do số lượng rác thải, rác sinh hoạt rất lớn nên xe thu gom rác của phường đang khẩn trương đi thu gom rác. Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Hạ Trần Tự Lực cho biết: Mấy ngày qua, do nước còn ngập nên xe thu gom rác của phường không thể hoạt động. Chúng tôi chỉ có thể cho lực lượng đi gom rác, tập kết tại các điểm. Hôm nay, xe môi trường đô thị của phường mới bắt đầu đi thu gom. Mặc dù lượng rác khá nhiều, tuy nhiên, chúng tôi vẫn không thể tăng chuyến thu gom vận chuyển được (trước đây 3 chuyến/ngày).
Rác thải sinh hoạt được tập kết dọc QL 1A chờ thu gom. Ảnh: Liên Minh
Nguyên nhân được ông Lực lý giải là do đường vào bãi rác (cách trung tâm phường 10-12km, tùy địa điểm thu gom) rất xấu. Sau lũ, nhiều điểm sạt lở dọc tuyến đường vào nên rất khó để đi vào bãi rác của phường vì vậy thời gian cả đi và về mất gần 2h đồng hồ/ chuyến (trước chỉ mất 45 phút). Mặc khác, xe vận chuyển rác cũng chỉ là xe nhỏ, không phải là xe chuyên dụng nên lực ép yếu, số lượng rác vận chuyển được không nhiều.
* Tại huyện Phú Lộc, mực nước đo được tại hồ Truồi đến 10 giờ ngày 8/11 là +38m, nước qua tràn 2m, giảm 0,4m so với chiều tối 7/11.Hiện mức nước ở các sông đang tiếp tục xuống, người dân đang tranh thủ dọn dẹp sau lũ.
Người dân xã Lộc Bổn dọn dẹp nhà sau lũ. Ảnh: Đức Quang
Dù vậy, ở một số điểm thấp trũng vẫn còn ngập cục bộ, tính đến 7 giờ ngày 8/11 trên toàn huyện vẫn còn 2.773 nhà bị ngập nước từ 0,1-0,3m (xã Lộc Bổn 878 nhà; Lộc An 800 nhà; Lộc Trì 650 nhà; Lộc Thủy 250 nhà; Thị trấn Phú Lộc 120 nhà; Lộc Tiến 75 nhà).
Ngoài những thiệt hại trước đó, tại vị trí đường về thôn Hải Bình (xã Lộc Bình) bị sạt lở khoảng 300m; một nhà cấp 4 ở xã Xuân Lộc bị tốc mái 70%.
* A Lưới chăm lo đời sống người dân sau bão lũ:
Xã Hồng Thủy của huyện A Lưới là địa phương chịu thiệt hại nặng nền nhất trong các mùa bão lũ. Do yếu tố địa hình, lũ lụt thường chia cắt, cô lập, nên địa bàn Hồng Thủy rất khó tiếp cận khi bão lũ xảy ra. Trong đợt ảnh hưởng cơn bão số 12 này, các cơn lũ đã hoành hành gây sạc lở, chia cắt các tuyến đường giao thông làm cô lập địa bàn, địa phương phải di chuyển hơn 20 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở. Nhiều diện tích sản xuất, vật nuôi của người dân bị lũ cuốn trôi trước nỗi xót xa của các gia đình. Con đường vào thôn Par Ay (khu tái định cư cho các hộ dân di dời do sạt lở trong các mùa bão lũ trước) cũng bị sạt lở nghiêm trọng, địa phương phải vận động người dân đào đất đá để mở đường thông xe máy. Các công trình phúc lợi, hệ thống nước sinh hoạt trên địa bàn bị hư hỏng đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con.
Giúp dân Hồng Thủy khai thông đường vào thôn Par Ay. Ảnh: Bá Trí
Sau cơn bão, chính quyền địa phương cùng các lực lượng, các ban, ngành tích cực hỗ trợ giúp dân ổn định lại cuộc sống. Xã còn tổ chức thành lập các đội xung kích do dân quân tự vệ làm nòng cốt, tích cực giúp dân dọn dẹp vệ sinh, sửa sang nhà cửa, dựng lại chuồng trại.
Chính quyền xã Hồng Thủy hỗ trợ bà con bị thiệt hại do bão ổn định đời sống ban đầu. Ảnh: Bá Trí
Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy Bùi Viết Dũng cho biết: Ngoài hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại về nhu yếu phẩm, gạo, mỳ tôm…, địa phương tích cực vận động từng gia đình, từng cộng đồng, thôn, bản tiến hành kiểm tra, giúp nhau giằng chống nhà cửa, san sẻ lẫn nhau nhằm không để ai bị thiếu đói, bị rét trong mưa bão. Về lâu dài, xã sẽ có phương án đưa các gia đình bị thiệt hại nặng vào danh sách các hộ diện hỗ trợ phát triển sản xuất trong chương trình giảm nghèo bền vững.
Theo Văn phòng UBND huyện A Lưới, với chủ trương không để dân đói, dân rét, UBND huyện đã tiến hành dự trữ tại chỗ hơn 10 tấn gạo cho các xã khó khăn, bị chia cắt như Hồng Thủy, Hồng Vân, Hương Nguyên, Hồng Hạ, A Roàng… để khi có tình huống sẽ kịp thời phân phát về với dân trong thời gian sơ tán và ổn định đời sống ban đầu sau bão lũ.
* Thuỷ điện Bình Điền hiện chỉ còn xả 01 cửa với lưu lượng ko lớn.
Tranh thủ thời gian thuỷ điện Bình Điền hạn chế xả nước, tiến hành khắc phục, gia cố chỗ bị xói lở do những ngày có lượng nước xa lớn gây ra. Dự Kiến trong hôm nay sẽ hoàn thành.
Thủy điện Bình Điền xả 1 cửa. Ảnh: Quang Vinh
Gia cố chỗ bị xói lở do mưa lũ. Ảnh: Quang Vinh
Nhóm PV - CTV (Thực hiện)