ClockThứ Ba, 31/01/2017 07:25

Nhìn “xa” cho đô thị Huế

TTH - Huế có vị trí đặc biệt trong hệ thống đô thị Việt Nam. Nếu phát triển đúng hướng sẽ tạo nên sự cân bằng: Hà Nội - trung tâm chính trị; TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế và Huế là thành phố văn hóa.

Một góc đô thị Huế. Ảnh: Đ.Trà

Kịch bản cho đô thị Huế

Phát triển đô thị Huế là vấn đề tranh cãi và luôn có những ý kiến trái ngược nhau giữa những nhà quản lý và những nhà văn hóa, các nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ… cũng như người dân thành phố. Tranh cãi là lẽ đương nhiên, bởi vì việc này đã xảy ra cả trăm năm nay trong ứng xử với Huế. Những xung đột đó qua quá trình phát triển đô thị Huế dần được nhìn nhận đầy đủ từ Trung ương đến Huế với lời giải ngày càng thỏa đáng. Đó là Kết luận 48 của Bộ Chính trị khi xác định đô thị trung tâm gồm: Huế-Bình Điền-Tứ Hạ-Phú Bài-Thuận An. Huế được mở rộng với chuỗi đô thị mới, vừa tạo động lực phát triển trên diện rộng, vừa giảm áp lực cho đô thị cổ.

Để làm rõ hơn Kết luận 48 của Bộ Chính trị, mới đây, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch này, Huế được mở rộng gần gấp năm lần hiện nay, từ trên 70km2 lên gần 350km2; theo đó, ranh giới phía Đông đến bờ biển Thuận An; phía tây đến Bình Điền; phía bắc đến sông Bồ-Tứ Hạ; phía nam đến đường tránh Huế. Với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Cố đô, xây dựng thành phố có cơ cấu tổ chức không gian quy hoạch hợp lý, bảo vệ quỹ kiến trúc đô thị vô giá, kiến trúc đô thị hài hòa với thiên nhiên; đáp ứng vai trò, chức năng của đô thị có tính đặc thù về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa của quốc gia và có ý nghĩa quốc tế.

Đây là chìa khóa tạo nên bước đột phá chuyển Huế từ một TP “nén” sang một thành phố “mở”; tạo điều kiện cho Huế gọt giũa đô thị cổ, đẩy mạnh việc giãn dân ở nội thành, hạn chế việc phát triển đô thị theo lối lan tỏa, mở rộng mảng xanh đô thị; cũng như giải quyết những bức xúc do quá trình phát triển đô thị mang lại.

Chẳng hạn, Huế đang triển khai dự án cải thiện môi trường nước. Đây là một dự án lớn, trước mắt giải quyết cơ bản vấn đề thoát nước và xử lý nước thải Nam sông Hương. Vấn đề ở đây là cần tính toán để công trình phát huy tác dụng khi thành phố mở rộng. Cũng cần có kế hoạch xây dựng mới các nhà máy xử lý nước thải cho từng đô thị, các khu công nghiệp bảo đảm nước thải phải được xử lý an toàn trước khi ra môi trường.

Đánh thức tiềm lực trong dân

Huế có vị trí đặc biệt trong hệ thống đô thị Việt Nam. Nếu phát triển đúng hướng sẽ tạo nên sự cân bằng: Hà Nội - trung tâm chính trị, thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế và Huế là TP văn hóa. Do chậm phát triển nên Huế có điều kiện thuận lợi trong phát triển; phát triển không chắp vá. Bởi  Huế đã có kịch bản phát triển đô thị, có kịch bản phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường để bảo đảm không phát triển nóng. Vấn đề còn lại là công tác quản lý.

Để đánh thức tiềm năng của Huế có nhiều vấn đề. Ở đây chúng tôi đề cập đến 2 lĩnh vực. Đó là, đánh thức tiềm năng thế mạnh của Huế và đánh thức tiềm lực trong dân. Trong phát triển đô thị, một lỗ hỏng lớn hiện nay là thiết kế đô thị. Thành phố muốn đẹp lên, không mất trật tự, không nham nhở chính là thiết kế đô thị. Sau quy hoạch thiết kế đô thị đòi hỏi phải có đầu tư lớn, ngân sách địa phương khó đáp ứng, nhưng không vì thế mà xem nhẹ công tác này. Ngoài những tuyến phố đã ổn định, thành phố cần có thiết kế đô thị ở những tuyến phố nhạy cảm, đặc biệt khu vực nội thành. Thành phố triển khai dự án nạo vét sông Ngự Hà, chỉnh trang các hồ ở nội thành thì cũng cần song song tiến hành thiết kế các tuyến đường ở đây để phát huy tác dụng. Đường Trịnh Công Sơn, một con đường đẹp ở Huế cũng nên song hành thiết kế đường phố, từng bước biến nơi đây thành “mảnh đất vàng” trong phát triển. Tương tự, những di tích được trùng tu, những công trình văn hóa được xây dựng, những hồ điều hòa trong tương lai… thì nên song hành việc thiết kế đường phố. Thiếu thiết kế đường phố những con đường đẹp ở Huế như: Đặng Thái Thân, Đoàn Thị Điểm, Lê Huân bao quanh Thành nội trở thành phố đồ bành, phố buôn bán xe cũ… Trong lúc đó, lẽ ra đây là nơi sang trọng ở Huế: phố kinh doanh hàng lưu niệm, phát triển công nghiệp giải trí cùng các hoạt động dịch vụ khác…

Mặt khác, cần đánh thức tiềm năng trong dân. Chúng ta coi trọng những nhà đầu tư có tiềm lực, nhưng lại xem nhẹ, không chú ý tiềm lực trong dân. Huế là một thành phố văn hóa. Đã là thành phố văn hóa, trong chừng mực nào đó có sức ỳ của nó. Do vậy, cần có chính sách khuyến khích tạo điều kiện cũng như cơ hội để người dân bung ra làm giàu chính đáng. Đặc biệt khơi dậy trong tuổi trẻ một tinh thần khởi nghiệp. Người trẻ không chịu yên phận, tự tin và tiếp nhận cái mới nhanh, táo bạo và quyết liệt. Hơn ai hết, họ biết làm giàu  trên mảnh đất mình đang sống, đó là sự phát triển bền vững.

Hải Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

TIN MỚI

Mở bán Noble Crystal
Return to top