ClockThứ Bảy, 29/04/2023 10:23

Nhớ trận Động Tòa

TTH - Giữa những ngày của tháng 4 lịch sử này, theo hẹn tôi đã về Hương Thủy gặp những người tham gia đánh trận Động Tòa năm xưa. Trận đánh đó do 3 tiểu đoàn Đặc công, gồm Tiểu đoàn 1 (Chị Thừa Một), Tiểu đoàn 2 (Chị Thừa Hai ) của Thành đội Huế và Tiểu đoàn 12 của Trung đoàn 6 Quân khu Trị Thiên tham gia, đặt dưới sự chỉ huy của Thành đội trưởng Huế - Thân Trọng Một.

Trung tướng Lê Tự Đồng với chiến dịch giải phóng HuếCốc Bai: Trận vây ép dài nhất ở chiến trường Thừa Thiên Huế - kỳ 1: Đòn đánh bất ngờKhúc bi hùng ở Hà Trữ - kỳ 2: Cần công nhận di tích lịch sử

leftcenterrightdel
 Ba người trực tiếp đánh trận Động Tòa tháng 5/1968: Lê Quang Đăng - Lê Hữu Tòng - Hà Ngọc Chuyên (từ trái sang)

Khi tham gia đánh trận Động Tòa, ông Lê Hữu Tòng (sinh năm 1946, quê Hà Nam) là Trung đội trưởng; Hà Ngọc Chuyên (sinh 1949, quê Bắc Giang) là chiến sĩ. Cả hai ông đều thuộc Đại đội 3 Tiểu đoàn 1 Đặc công Thành đội Huế. Còn ông  Lê Quang Đăng (sinh năm 1942, quê Thừa Thiên Huế) là chiến sĩ Đại đội 1 Tiểu đoàn 12 của Trung đoàn 6 Quân khu Trị Thiên.

Trải theo chiều dài 3km và bề ngang 1,5km (ở vùng gò đồi phường Thủy Châu hiện nay), quân đội Mỹ đã cho xây dựng ở Động Tòa một căn cứ quân sự hỗn hợp. Xung quanh có từ 6-8 lớp kẽm gai, xen kẽ các bãi mìn, bẫy pháo sáng; cách nhau vài chục mét có chòi canh và công sự nửa chìm nửa nổi. Đêm xuống cứ 15 phút lại rọi đèn pha. Bên trong căn cứ, từng toán binh sĩ mang theo chó Becgie tuần tra. Động Tòa lúc này có gần 200 chiến xa của Liên đoàn 7 thiết giáp và 1.500 binh sĩ Mỹ, Nam Hàn và Australia đồn trú; nó được xem là “vành đai sắt” bảo vệ phía nam căn cứ Ấp 5 - Mỹ Thủy (nay là phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy), nơi đóng quân của 3 tiểu đoàn bộ binh Mỹ và Lữ đoàn 3 Sư đoàn 82 Không quân Mỹ. Vào thời điểm này, những đơn vị đồn trú ở Ấp 5 được điều lên A Lưới tham gia chiến dịch “Tìm và Diệt” nên Động Tòa - tuyến phòng ngự ở phía sau bị hở sườn; do vậy Quân khu Trị Thiên quyết định tấn công căn cứ này và giao cho Thành đội Huế phối hợp cùng Trung đoàn 6 thực thi.

leftcenterrightdel
 Hương Thủy hôm nay

Sau khi nghe tình hình, lên sa bàn, thảo luận kế hoạch tác chiến, cuối cùng Chỉ huy trưởng Thân Trọng Một quyết định dùng đặc công luồn sâu vào căn cứ rồi mới từ trong đánh ra (nở hoa trong lòng địch), tức là mật tập. Theo đó, Tiểu đoàn 12 (do Đặng Viết Hồng làm Tiểu đoàn trưởng) đảm nhận hướng tây bắc. Tiểu đoàn 1 (mật danh Chị Thừa 1 do Nguyễn Tấn Thọ làm Tiểu đoàn trưởng) và Tiểu đoàn 2 (mật danh Chị Thừa 2 do Trần Văn Tịnh làm Tiểu đoàn trưởng) đảm nhận hướng tây nam.

Ông Hà Ngọc Chuyên nhớ lại, 16 giờ ngày 20/5/1968, chúng tôi hành quân. Trên người lúc này mỗi người chỉ mặc một chiếc quần đùi; khi cách căn cứ Động Tòa chừng nửa km, mặt trời đã tắt. Hàng trăm gói thuốc nhuộm được phân phát. Màu da chúng tôi hòa trong màu lá và chỉ nhận ra nhau qua giọng nói của mỗi người. Áp sát hàng rào chờ đợi, bất ngờ một loạt đại liên từ căn cứ bắn ra. May mà loạt đạn ấy không trúng ai. Xạ thủ B41 Hùng trườn tới bên tôi nói nhỏ: Ông Một cũng vào trận!

Dưới ánh hỏa châu, tôi thấy một người cao to, mặc quần dài, tay cầm gậy, hai bên hông đeo 2 khẩu súng ngắn. Đang trao đổi với Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Tiến Thọ thì tiếng của người lính thông tin: A lô! A lô! Cò trắng gọi Tam Đảo, nghe rõ, trả lời?

Sau lần gọi thứ 2, tôi thấy ông Thân Trọng Một dùng cây gậy gõ nhẹ vào vai người lính thông tin và nói dứt khoát: Cò trắng. Cò trắng cái con khỉ! Nói thẳng Thân Trọng Một đã vào tới hàng rào!

Ông Lê Hữu Tòng cho biết, theo phân công, Đại đội 3 chúng tôi là mũi chủ công mật tập. Chừng hơn 23 giờ, trong khi chúng tôi vừa lọt khỏi hàng rào cuối cùng thì bất ngờ bầu trời rực sáng. (Sau này mới biết khi đột nhập vô tình đồng chí Khoát, quê Hà Tây, lính của Đại đội 2 Tiểu đoàn 2 dẫm phải bẫy pháo sáng). Yếu tố bất ngờ không còn. Từ mật tập tất cả chuyển sang cường tập. Qua ánh hỏa châu, tôi thấy hàng rào bị hất tung bởi bộc phá. Hai bên giao chiến.

Ông Lê Quang Đăng kể tiếp, lúc đó các mũi của Tiểu đoàn 12 đã lọt vào căn cứ và chờ đợi giờ “G” thì thấy pháo sáng. Biết là bị lộ nên chúng tôi lập tức nổ súng. B40, B41 hướng nòng về bãi chiếu phim - nơi tụ tập hàng trăm binh sĩ Mỹ để điểm hỏa. Trong tiếng la thét hoảng loạn của binh sĩ Mỹ, 3 Đại đội của Tiểu đoàn 12 nhanh chóng thọc sâu, tìm các mục tiêu được giao để tấn công. Tiếng bộc phá, B40, B41 và tiếng súng của Tiểu liên AK liên tục nổ. Căn cứ quân sự Động Tòa ngập chìm trong khói lửa. Sau khi phá sập chỉ huy sở, ông Lê Quang Đăng dẫn tổ của mình hướng về những dãy xe bọc thép. Sức nóng 4.000 độ của những chai hợp chất C4 đã thiêu rụi nhiều chiếc xe bọc thép.

Ông Lê Hữu Tòng kể tiếp, sau khi lọt vào căn cứ, Tổ hỏa lực B41 gồm tôi - xạ thủ chính và 2 xạ thủ phụ là Hà Ngọc Chuyên, Ngô Lương Viễn nhìn thấy 2 ổ đề kháng của lính Mỹ. Chúng hướng đại liên về phía hàng rào nhả đạn làm đơn vị chúng tôi hy sinh khá nhiều.

Không chần chừ, tôi liền dương nòng B41 nhắm công sự gần nhất, điểm hỏa. Tiếp đó là công sự thứ 2. Đại liên im bặt nhưng chỉ mấy phút sau quân Mỹ lần theo chiến hào chiếm lại; dùng đại liên, trung liên bắn vào đội hình đơn vị chúng tôi đang xung phong. Mặc dù Đại đội trưởng Tuệ bị thương nhưng vẫn lệnh cho tôi dùng hỏa lực bắn vào công sự Mỹ, kiềm chế để đơn vị rút lui.

Trận đánh kéo dài. Lúc này một số đã rút. Chừng 3 giờ sáng ngày 21/5/1968, Mỹ dùng xe tăng và GMC chở quân chạy về hướng chúng tôi.

Phát hiện, Hà Ngọc Chuyên hô to “Có xe tăng” nhưng tôi không nghe rõ.

Đến khi thấy chúng xuất hiện, tôi điểm hỏa. 2 chiếc xe tăng và 2 chiếc GMC bốc cháy. Mấy phút sau thấy xe cứu thương, Hà Ngọc Chuyên hỏi tôi, có bắn không? - Thôi, tha cho nó. Tôi đáp.

Đến lúc này, 10 quả đạn B41 mà Tổ hỏa lực chúng tôi mang theo đã được bắn sạch. Ba chúng tôi chỉ còn thủ pháo và súng AK.

Nhờ có số đạn B41 mà Hà Ngọc Chuyên và Ngô Lương Viễn tìm nhặt ở chỗ đồng đội hy sinh mà tổ chúng tôi tiếp tục chiến đấu. Đại đội trưởng Tuệ và một số anh em được đưa ra an toàn.

Do Ngô Lương Viễn bị thương nên tổ chỉ còn tôi và Hà Ngọc Chuyên. Yểm trợ chúng tôi vừa có thêm Tiểu đoàn phó Bão. Hai chúng tôi chứng kiến hình ảnh bi hùng khi thủ trưởng của mình vừa dương nòng khẩu B40 (nhặt của đồng chí Tế vừa hy sinh) thì bất ngờ bị một viên đạn găm vào đầu. Tiểu đoàn phó Bão hy sinh tại chỗ.

Trời hửng sáng, khẩu B41 của Lê Hữu Tòng hết đạn.

Ông Hà Ngọc Chuyên xác quyết, trong trận đánh căn cứ Động Tòa, xạ thủ chính Lê Hữu Tòng đã bắn tất cả 18 quả B41, vượt nhiều lần sức chịu đựng của một con người. (Có lẽ vì kỷ lục này mà khẩu B41 do Lê Hữu Tòng sử dụng trong trận đánh Động Tòa được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân đội).

Đã 5 giờ sáng nhưng tổ của Đại đội phó Đãi luồn sâu trước đó vẫn chưa thấy rút, sốt ruột, Lê Hữu Tòng đành nói với Hà Ngọc Chuyên: “Trong hai thằng mình phải có một thằng sống”. Và Lê Hữu Tòng là người lính cuối cùng rút khỏi căn cứ Động Tòa. Trong khi đó ở hướng tấn công do Tiểu đoàn 12 đảm nhận, trận đánh vào căn cứ Động Tòa thu được thắng lợi giòn giã.

Ông Lê Quang Đăng nhớ lại, anh em chúng tôi mừng vui chưa được bao lâu thì tin buồn ập đến: Chính trị viên Tiểu đoàn Trần Tiến Lực, trong khi đang kiểm tra trận địa, tổ chức đưa thương binh, tử sĩ lui về hậu cứ thì dẫm phải mìn và đã hy sinh (Chính trị viên Trần Tiến Lực, quê xã Lộc An, huyện Phú Lộc. Năm 1969 được phong tặng Anh hùng LLVTND).

Còn Lê Hữu Tòng khi về lại căn cứ ở Mỏ Tàu, điểm lại quân số “khi đi Đại đội 3 có hơn 100 người, nhưng khi về chỉ còn đúng 16 người. Tổ thọc sâu 8 người do Đại đội phó Đãi dẫn đầu toàn bộ hy sinh. Nhìn hàng chục chiếc ba lô vắng chủ tôi đã khóc, thương cho đồng đội của mình - những người đã cùng tôi chiến đấu ở Hạ Lào và chiến dịch Huế Xuân 1968”.

Mặc dù đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.200 binh sĩ Mỹ và phá hủy gần 100 xe quân sự, trong đó có 50 xe tăng của Mỹ, căn cứ Động Tòa vẫn không dứt điểm được, nhưng nó đã mở ra cục diện: Quân giải phóng có đủ khả năng tổ chức các trận đánh lớn trên chiến trường Thừa Thiên Huế trong thời điểm Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam nhằm “Tìm và Diệt” Quân giải phóng...

Bài: Phạm Hữu Thu

Ảnh: Hữu Thu - Võ Nhân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sắc màu "Chợ quê ngày hội"

Sau lễ cung nghinh bà Trần Thị Đạo - người có công lớn trong xây dựng cầu ngói Thanh Toàn, Lễ hội “Chợ quê ngày hội” hưởng ứng Festival Huế 2024 chính thức khai mạc tối 27/6 tại Điểm du lịch cộng đồng Cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh). Đông đảo người dân địa phương, du khách gần xa đã đến dự.

Sắc màu Chợ quê ngày hội
Giới thiệu việc làm & mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP tại “Chợ quê ngày hội”

Sàn giao dịch việc làm, tuyển sinh học nghề và quảng bá, trưng bày các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản làng nghề và sản phẩm OCOP năm 2024 do TX. Hương Thủy tổ chức khai mạc ngày 27/6 tại Điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh). Cùng với giao lưu trình diễn bài chòi giành cho học sinh, việc lồng ghép hoạt động này vào “Chợ quê ngày hội” là nét mới so với các kỳ tổ chức trước đây.

Giới thiệu việc làm  mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP tại “Chợ quê ngày hội”
Lan tỏa những nét đặc sắc của đất & người Hương Thủy

Triển lãm ảnh “Nét đẹp chợ quê, cầu ngói Thanh Toàn” khai mạc sáng 27/6 tại Nhà trưng bày nông cụ xã Thủy Thanh. Đây là hoạt động mở đầu của chương trình “Chợ quê ngày hội” hưởng ứng Festival Huế 2024 tại Điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh).

Lan tỏa những nét đặc sắc của đất  người Hương Thủy
Return to top