Trao sổ BHXH cho người lao động
Quyền lợi của người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng khi hàng ngàn DN lớn, bé trên toàn tỉnh nợ BHXH trên 130 tỷ đồng. Có nhiều cách để thu hồi nợ, như kiểm tra, xử phạt, tính lãi ở các đơn vị nợ BHXH dây dưa, kéo dài… nhưng không ăn thua. Biện pháp cuối là giao quyền cho công đoàn khởi kiện, song rốt cuộc tổ chức này gặp nhiều khó khăn do quy định khởi kiện vẫn chưa sát với tình hình thực tế.
Hơn 60 bộ hồ sơ hoàn tất được chuyển sang tổ chức công đoàn để tiến hành các bước khởi kiện. Nhiều đơn vị cam kết lộ trình trả nợ và nộp trên 30 tỷ đồng để chốt sổ BHXH cho NLĐ. Tuy nhiên, sau khi vụ việc lắng xuống, các DN trên lại tiếp tục nợ và đâu lại vào đây khi số tiền nợ lên đến trên 53 tỷ đồng. Điển hình như Công ty TNHH TM DV Hoàng Đức, nộp 700 triệu đồng để BHXH TP. Huế chốt sổ cho 31 lao động sau khi Tòa án Nhân dân TP. Huế thụ lý vụ án. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, công ty này vẫn nợ BHXH trên 1,5 tỷ đồng.
Luật BHXH có hiệu lực hơn 2 năm, nhưng từ đó đến nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh vẫn chưa khởi kiện được DN nào. Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, Trần Quang Vinh, cho biết: Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về pháp lý, một số quy định của pháp luật còn bất cập... Trước khi chuyển hồ sơ khởi kiện cho TAND, phải tiến hành hòa giải tranh chấp lao động. Khi cơ quan BHXH kiện doanh nghiệp nợ BHXH chỉ cần dựa vào số nợ, thời gian nợ. Còn khi tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH thì công đoàn cơ sở phải đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên.
Cái khó là công đoàn cơ sở không dám khởi kiện cũng không muốn ủy quyền để kiện DN. Không ít chủ tịch công đoàn cơ sở than phiền, họ cũng là người làm thuê và nhận tiền lương của DN nên việc đứng ra kiện chính ông chủ của mình là rất khó khăn, dễ mất việc làm. Người lao động cũng chưa rõ về quyền lợi, cũng như thủ tục của pháp luật về vấn đề này để có sự phối hợp tốt với tổ chức công đoàn.
Sau khi được lao động ủy quyền, tổ chức công đoàn phải xin xác nhận của UBND xã, phường hoặc cơ quan công chứng làm thủ tục, đóng lệ phí 130.000 đồng/người. Với những DN có hàng ngàn người bị vi phạm quyền lợi BHXH, sự uỷ quyền với công đoàn sẽ phức tạp. Khi đó, việc tranh chấp được xem là tranh chấp cá nhân. Toà án sẽ phải xử từng vụ một và có nghĩa là phải thụ lý hàng ngàn vụ án nhỏ. Đây là điều bất khả thi.
Một số DN khi biết tổ chức công đoàn thực hiện các thủ tục để khởi kiện đã không hợp tác để cung cấp hồ sơ, trong khi đó hồ sơ khởi kiện của tòa án bắt buộc phải có các loại giấy tờ này. Thậm chí, có DN khi công đoàn phối hợp với cơ quan BHXH tiến hành thanh tra, kiểm tra xác định số nợ, đơn vị đóng thêm một ít tiền khiến các thủ tục lại phải làm lại từ đầu. Đây là cách DN lách luật để công đoàn không thể khởi kiện.
Thực tế cho thấy, nếu chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, việc triển khai giải quyết nợ BHXH khó thực hiện. Chỉ khi khởi kiện ra tòa các DN làm trái pháp luật mới đủ sức răn đe. Thế nên, ngoài việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, cần chú trọng nâng cao trình độ, năng lực, kiến thức pháp luật về khởi kiện và tranh tụng tại tòa của cán bộ công đoàn, góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng cho NLĐ.
Luật BHXH 2014 cho phép BHXH thanh kiểm tra và xử phạt DN nợ BHXH, không cho phép BHXH khởi kiện dân sự. Nhiều ý kiến đề xuất, cần sửa đổi các quy định pháp luật, để thủ tục khởi kiện DN của tổ chức công đoàn thực hiện đơn giản, thuận lợi hơn; đồng thời, cho phép thêm cơ quan BHXH được khởi kiện DN nợ BHXH.
Cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề trên vẫn là cần phải sửa đổi Bộ Luật Lao động và Luật Tố tụng Dân sự. Theo đó, nên giao cho công đoàn cấp trên là đối tượng được quyền thay mặt cho lao động và công đoàn cơ sở thực hiện việc khởi kiện. Đồng thời, BHXH là cơ quan có chức năng hỗ trợ thông tin và cùng bám sát việc thu hồi nợ BHXH từ các DN để các quy định về công tác khởi kiện của công đoàn được đồng bộ, thống nhất. Điều quan trọng hơn, mỗi lao động cần mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các đơn vị, DN vi phạm về BHXH, nhằm đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho mình.
Bài, ảnh: Huế Thu