Hành quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh trên đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu
Năm 1959, trong tình hình cuộc chiến ác liệt, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch quyết định thành lập tuyến giao liên vận tải chiến lược để chi viện cho miền Nam đánh Mỹ và đặt tên là đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.
Đúng ngày sinh nhật Bác, lệnh mở đường được phát. Đoàn 559 được lĩnh trọng trách thiêng liêng này. Địa điểm Khe Hó, một thung lũng phía tây nam Vĩnh Linh - Quảng Trị được chọn làm điểm xuất phát đầu tiên của con đường lịch sử. Bằng cách “xẻ núi, băng rừng”, “anh phá núi, em mở đường”... của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... lớp thanh niên thời hoa lửa, đất nước ta đã có tuyến đường mòn Hồ Chí Minh dài lên tới 20.000 km, xuyên qua 20 tỉnh từ Bắc vào Nam; từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn; qua nước bạn Lào và Campuchia, từ Tây Nguyên trải dài xuống miền Đông, miền Tây Nam Bộ, vươn tới tất cả các chiến trường.
Đúng là “Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng”. Đó là con đường sáng tạo, là một kỳ tích vĩ đại, là kết tinh của lòng quả cảm của biết bao cô gái, chàng trai… cùng sự bảo vệ, chở che của Nhân dân, sự ủng hộ, sẻ chia của bạn bè quốc tế. Đó là “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa tới đó như chưa hiểu mình”. Đó là nơi ác liệt vì bom đạn quân thù, thời tiết khắc nghiệt và thiếu thốn mọi bề. Lực lượng nào, đơn vị nào cũng có những sự tích anh hùng; con đường nào, địa điểm nào cũng là mảnh đất thiêng liêng rực lửa.
Trong 16 năm (1959-1975), đế quốc Mỹ đã ném xuống đường Trường Sơn hàng triệu quả bom mìn các loại. Chúng ta vừa san lấp hố bom, vừa phá bom mìn, vừa đào đắp hàng triệu mét khối đất, xây dựng được đường ôtô đi, đường ống xăng dầu, đường dây thông tin; khôi phục và sửa chữa hàng trăm cây cầu... để đưa quân vào các chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển vũ khí, lương thực,thực phẩm vào Nam. Đã có hàng triệu lượt người con quê hương đến với Trường Sơn. Đã có nhiều sáng kiến để làm nên kỳ tích đó. Và khó khăn, gian khổ không làm nao núng những con người đã dành trọn cho niềm tin đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước với tinh thần“trái tim có thể ngừng đập nhưng con đường giao thông huyết mạch không thể tắc” và “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”...
Trong mưa bom bão đạn, nắng cháy da, rét cắt thịt, nhưng lòng người không nản, bước chân không lùi. Có bao người con đất Việt trong lực lượng mở đường đã anh dũng hy sinh. Văn bia trên Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn khắc đậm dòng chữ: “Năm tháng sẽ trôi qua, những đóng góp của bộ đội đường Hồ Chí Minh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vào cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi mãi được ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất tử...”.
Các sử gia trên thế giới khi so sánh đường Trường Sơn với những con đường vận tải chiến lược từ thời cổ đại đến nay đều công nhận, chưa có con đường vận tải quân sự chiến lược nào vượt qua đường Trường Sơn về độ dài, thời gian sử dụng, sự gian khổ cũng như tính ác liệt và cả hiệu quả to lớn mà nó đem lại.
Đường Trường Sơn - con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - do bàn tay và khối óc cả dân tộc Việt Nam sáng tạo đã đi vào lịch sử dân tộc như một “kỳ công, kỳ tích, kỳ quan” và hôm nay đang thể hiện khát vọng tạo nên kỳ tịch mới trong hòa bình.
Hơn 20 năm sau ngày đất nước thống nhất, chính từ con đường mòn trong chiến tranh, tháng 5/2000, đường Hồ Chí Minh của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa được phát lệnh khởi công.
Trên con đường mòn ngày xưa toàn cỏ dại, suối sâu, đèo cao và mây mù, nay một con đường mới được các thế hệ lớn lên sau chiến tranh xây dựng rộng dài hơn, hiện đại hơn, uốn lượn qua từng dãy núi phía Tây của Tổ quốc, nối dài đất nước, nối liền tình hữu nghị Việt - Lào - Campuchia. Đó là trục đường kinh tế - quốc phòng quan trọng, mở ra hướng khai thác mới về tiềm năng kinh tế - xã hội phía tây của Tổ quốc, phục vụ cho sự phát triển kinh tế đất nước và củng cố an ninh - quốc phòng.
Nguyên Anh