ClockThứ Sáu, 05/05/2017 05:51

Nước sạch về vùng xa

TTH - Nếu nhanh, đến cuối năm 2018, hệ thống nước máy sẽ được nối mạng khắp toàn tỉnh. Chênh lệch về tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch ở vùng đô thị và nông thôn sẽ được rút ngắn, phấn đấu đến năm 2020, 85% dân số nông thôn sẽ tiếp cận được nguồn nước sạch.

Nối mạng nước sạch về vùng sâu, vùng xa

Rút ngắn khoảng cách

Mùa hè, người dân ở các vùng ven biển như Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh An (Phú Vang) và một số xã phía đông phá Tam Giang của huyện Phú Lộc lại thiếu nước sinh hoạt do nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn.

Toàn tỉnh hiện còn 16 xã và một số thôn rải rác ở vùng sâu vùng xa chưa tiếp cận được nguồn nước sạch, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của trên 17.800 người.

Rút ngắn tỷ lệ người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWaco) đang gấp rút triển khai công tác giải ngân vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), phấn đấu chậm nhất đến cuối năm 2017 sẽ lắp đặt hệ thống đưa nước máy về các xã Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh An.

Theo quy hoạch cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thời gian qua, nhiều công trình cấp nước ở khu vực nông thôn được đầu tư xây mới, nâng cấp.

Người dân vùng cao A Lưới sử dụng nguồn nước máy

Những năm gần đây, các công trình cấp nước tập trung được chuyển giao cho HueWaco quản lý vận hành, góp phần phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân. Sau khi nhận chuyển giao các công trình cấp nước tập trung vùng nông thôn, HueWaco đã đầu tư cải tạo, nâng cấp mở rộng và bổ sung công nghệ xử lý nước đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Đến nay, có 10 công trình cấp nước tập trung ở khu vực đô thị và 52 công trình khu vực nông thôn. Trong đó, 33 công trình do HueWaco quản lý, 3 công trình do HTX quản lý; 2 công trình do thôn quản lý và 24 công trình do UBND xã quản lý.

Tuy nhiên, trong số 29 công trình cấp nước do địa phương quản lý (chủ yếu ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới) vẫn trong tình trạng hoạt động cầm chừng. Để đảm bảo vận hành, quản lý cũng như cung cấp nguồn nước đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong thời gian tới, những công trình này sẽ từng bước chuyển giao cho HueWaco.

Nối mạng nước sạch trong năm 2018

Đến nay, 136/152 phường, xã tiếp cận được nguồn nước sạch có chất lượng tốt và ổn định lâu dài. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96% và sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia của Bộ Y tế đạt 76%. Nếu so với mặt bằng chung, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tỷ lệ cấp nước sạch cho cả khu vực đô thị và nông thôn nằm trong “top” cao của cả nước.

Theo lộ trình, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nối mạng nước máy đô thị về nông thôn, chuyển giao các hình thức quản lý công trình cấp nước tập trung sang HueWaco quản lý khai thác vận hành, đảm bảo cấp nước an toàn, bền vững đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc Quốc gia về chất lượng nước ăn uống của Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Tài Lâm, Phó Trưởng phòng Quản lý công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn- Chi cục Thủy lợi cho biết, theo kế hoạch, trong năm 2017, HueWaco sẽ thi công xây mới nhà máy cấp nước sạch Thượng Long để cấp nước cho 5 xã vùng cao: Thượng Nhật, Hương Giang, Hương Hữu, Thượng Long, Thượng Quảng của huyện Nam Đông, với tổng mức đầu tư dự kiến 54 tỷ đồng. Cũng trong năm nay, nhà máy cấp nước sạch Lộc Bổn (Phú Lộc) được xây dựng để bổ sung cấp nước cho các xã phía đông phá Tam Giang, với tổng mức đầu tư dự kiến 35 tỷ đồng và nhà máy cấp nước sạch xã Hương Nguyên (A Lưới) để cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân.

Để đạt mục tiêu phủ sóng mạng nước sạch 100% xã, phường, trong năm 2018, ở A Lưới sẽ được đầu tư xây dựng 3 nhà máy cấp nước sạch: Hồng Trung- Hồng Vân, A Đớt- Hương Lâm và Hương Phong- Hồng Thượng với kinh phí dự kiến mỗi nhà máy khoảng 30 tỷ đồng. Như vậy, đến cuối năm 2020, thông qua lồng ghép các chương trình, dự án, tỉnh sẽ nâng cấp mở rộng quy mô các nhà máy cấp nước hiện có 210 nghìn m3/ngày đêm lên 350 nghìn m3/ngày đêm, đạt mục tiêu 100% xã được tiếp cận nguồn nước sạch.

Trong 3 năm từ 2014- 2016, qua nhiều kênh, với nguồn vốn trên 636,5 tỷ đồng, nhiều công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được thực hiện. Trong đó, HueWaco đã đóng góp 260 tỷ đồng, chiếm 41% tổng nguồn vốn để thực hiện nối mạng nước máy nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch tăng lên 76%.

Bài, ảnh: Hoài Thương

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao

A Lưới là huyện miền núi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhờ vào lợi thế về đất đai và điều kiện tự nhiên. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cụ thể từ tỉnh và huyện đã giúp người dân nơi đây áp dụng các mô hình kinh tế bền vững, từ đó cải thiện đáng kể đời sống.

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao
Kết nối tiêu thụ nông sản từ phiên chợ vùng cao

Phiên chợ vùng cao lần thứ nhất năm 2024, do Hội Nông dân (HND) tỉnh tổ chức vừa diễn ra tại thành phố Huế - cũng là nơi trưng bày, quảng bá sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD). Phiên chợ được bố trí các gian hàng hợp lý, thuận lợi cho người dân đến tham quan, mua bán các sản phẩm OCOP, nông sản, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, giới thiệu nghề truyền thống, văn hóa dân tộc các địa phương trong tỉnh.

Kết nối tiêu thụ nông sản từ phiên chợ vùng cao
Tín hiệu vui từ phiên chợ vùng cao

Không chỉ tôi mà những người tham gia kháng chiến trước đây đều biết những rẫy lúa của bà con Tà Ôi và ít nhiều đã được ăn cơm gạo mới.

Tín hiệu vui từ phiên chợ vùng cao

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top