|
Phiên tòa giả định được tổ chức tại Trường THCS Vinh Lộc, huyện Phú Lộc |
Một buổi tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về ma túy vừa được Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) huyện phối hợp TAND huyện A Lưới thực hiện tại xã A Roàng (A Lưới) dưới hình thức PTGĐ. Phiên tòa được dựng lại đúng quy trình tố tụng một vụ án hình sự về tội: "Tổ chức sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy". Với sự tham dự của hàng trăm người, PTGĐ nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức cảnh giác cho người dân vùng biên giới trước thủ đoạn của tội phạm ma túy.
Tại đây, người tham dự PTGĐ còn tham gia trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ án và được tặng quà. Qua đó, giúp người dân củng cố kiến thức pháp luật liên quan đến tội danh được xét xử. Thay vì tiếp cận những điều khoản, quy định của pháp luật một cách khô khan, những PTGĐ như thế này với các tình tiết chân thật, cụ thể đã giúp người dân và đoàn viên, thanh niên dễ tiếp thu, nắm bắt các nội dung và nâng cao nhận thức pháp luật khi trực tiếp chứng kiến toàn bộ quá trình xét xử theo quy định.
Anh A Pát Trọng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia một PTGĐ. Tình huống giả định được diễn rất chân thật, nội dung phiên tòa giúp tôi hiểu rõ hơn về quy trình tổ chức một phiên tòa và các chế tài pháp luật liên quan đến ma túy. Đặc biệt, tôi thấy các kiến thức về pháp luật tại PTGĐ rất dễ hiểu, từ đó tôi có thể nắm bắt và tuyên truyền với người thân và gia đình tránh xa ma túy”.
Một PTGĐ khác được Viện KSND huyện Phú Lộc phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tại Trường THPT Vinh Lộc đầu tháng 4/2024, nhằm tuyên truyền pháp luật cho học sinh cũng mang lại những hiệu quả thiết thực.
PTGĐ được thực hiện với đầy đủ thành phần tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng và diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Thông qua việc mô phỏng lại diễn biến của một vụ “Cố ý gây thương tích” và quá trình giải quyết vụ án đã mang lại cho các em học sinh có một cái nhìn trực quan sinh động hơn, nhận thức rõ hơn về một hành vi vi phạm pháp luật, một loại tội phạm. Đồng thời, qua PTGĐ, các em học sinh cũng có cơ hội để tiếp xúc với mô hình, vai trò, vị trí, chức năng của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xét xử vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
PTGĐ giúp các em học sinh tiếp thu được những kiến thức bổ ích, nhận diện được các hành vi vi phạm pháp luật, các yếu tố cấu thành tội phạm, mức hình phạt, cũng như chính sách hình sự của Nhà nước ta về xử lý đối với người phạm tội. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các em, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm, tội phạm có thể phát sinh trong học đường và giới trẻ.
Lãnh đạo Trường THPT Vinh Lộc cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan nội chính tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức tổ chức các PTGĐ hoặc linh động những hoạt động ngoại khóa bổ ích khác để nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh và giáo viên toàn trường”.
Viện trưởng Viện KSND huyện A Lưới Nguyễn Văn Luận đánh giá: PTGĐ là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật được đơn vị và các đơn vị bạn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức trong thời gian qua và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đây là hình thức tuyên truyền pháp luật sinh động, thu hút sự quan tâm theo dõi của các tầng lớp nhân dân, nhất là đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên. Các vụ việc được tái hiện trong PTGĐ vừa có tác dụng răn đe, vừa giúp người tham dự hiểu thêm các quy định pháp luật, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là các em học sinh.
Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Nhơn Vượng cho biết: Để tuyên truyền, giáo dục pháp luật người dân, thời gian qua chúng tôi đã chỉ đạo Viện KSND 2 cấp có nhiều cách, nhiều mô hình tuyên truyền phát luật như: qua mạng xã hội, zalo, facebook, lồng ghép các buổi sinh hoạt đoàn và đặc biệt là tổ chức các PTGĐ tại các trường học, khu dân cư. Thông qua các hoạt động này, giúp người dân tiếp cận pháp luật một cách trực quan, sinh động để hiểu thêm về pháp luật. Chúng tôi tiếp tục thực hiện tuyên truyền pháp luật bằng hình thức PTGĐ tại các khu dân cư, trường học với những tình tiết, nội dung phù hợp với từng vùng miền, độ tuổi.
Việc nhân rộng các PTGĐ được xem là cách làm thiết thực mang lại hiệu quả giáo dục, răn đe cao đối với thanh, thiếu niên. Đây cũng là công cụ để ngành chức năng tuyên truyền hiệu quả pháp luật trong tình hình hiện nay. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong giới trẻ, góp phần xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.