ClockThứ Năm, 09/05/2024 07:06

Thầy giáo mê đỏ đen & cái kết buồn

TTH - Với mong muốn có thể đổi đời bằng trúng xổ số lớn, từ một thầy giáo chân chất, Lê Phương Nam (SN 1982, trú xã Vinh Hưng, Phú Lộc) nguyên là giáo viên một trường tiểu học đã lao vào chơi số như con thiêu thân. Khi thiếu tiền túng quẫn, Nam đã lừa đảo xin việc của 9 người với số tiền gần 2,3 tỷ đồng để nướng vào trò may rủi.

Cựu giáo viên lừa “chạy” việc chiếm đoạt gần 2,3 tỷ đồng để chơi số điện toán

Bị cáo Lê Phương Nam trước tòa 

Sinh ra và lớn lên ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), Lê Phương Nam được học hành bài bản chuyên ngành đại học thể dục thể thao tại Đà Nẵng. Ra trường, Nam xin về công tác tại Trường tiểu học xã Vinh Hưng. Với bản tính cần cù, chịu khó, Nam lọt vào mắt xanh và nên duyên vợ chồng với cô giáo Hoàng Thị P. A. dạy cùng xã. Tình yêu đơm hoa kết trái và họ có với nhau 2 người con.

Bố chị P. A. thấy cuộc sống hạnh phúc của con nên cũng chia cho họ hơn 200m2 đất để xây nhà. Thế nhưng, do muốn nhanh chóng giàu có nên Lê Phương Nam không bằng lòng với hiện tại mà “xây giấc mộng” bằng việc mua vé số điện toán   để nhanh chóng đổi đời. Thế là có bao nhiêu tiền Nam nướng vào xổ số điện toán hằng ngày. Khi không có tiền nữa, Nam nợ nần và nảy sinh ý định lừa đảo để chiếm đoạt tiền của người khác để nuôi ước mơ đổi đời bằng xổ số điện toán.  

Do muốn có tiền để chơi xổ số điện toán và tiêu xài cá nhân, trong khoảng thời gian từ ngày 7/2017 - 8/2018, Lê Phương Nam đã đưa ra thông tin gian dối về việc mình có quen biết với những người có khả năng xin việc làm vào Chi cục Kiểm Ngư tại Đà Nẵng, Chi cục Kiểm ngư tại Phú Quốc, đi học tại trường Trung cấp Cảnh sát và xin chuyển công tác ngành công an… để chiếm đoạt tiền.

“Cơ duyên” đến với Nam khi vào tháng 5/2017, ông Hoàng Bá Kh. (trú huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) thông qua các mối quan hệ bạn bè nghe tin Nam có quen biết với những người có khả năng xin việc vào ngành kiểm ngư và công an nên đã liên lạc và đặt vấn đề thì được Nam Đồng ý. Thế là ông Kh. 2 lần chuyển cho Nam 250 triệu đồng cùng bộ hồ sơ với mong muốn xin cho con trai mình vào làm Chi cục Kiểm ngư Đà Nẵng. Chưa hết, con ông Kh. đang công tác ở một đơn vị cảnh sát cơ động đóng ở Huế còn đưa thêm cho Nam 200 triệu đồng với mong muốn được chuyển công tác ngành dọc công an ra quê Quảng Bình.

Thấy dễ “làm ăn”, Nam tiếp tục nổ có quan hệ và xin được việc làm và đã lừa được thêm 8 trường hợp khác cũng với những chiêu thức trên. Cụ thể, với thủ đoạn trên, Nam lừa của các bị hại xin vào làm việc tại các chi cục kiểm ngư với giá 200-250 triệu đồng; xin chuyển công tác trong lực lượng công an từ 200-450 triệu đồng; xin vào học trường trung cấp cảnh sát 450-700 triệu đồng… Tổng cộng Nam lừa trót lọt gần 2,3 tỷ đồng của 9 người có nhu cầu nhờ Nam xin việc cho người thân.

Khi trực tiếp lấy tiền của các bị hại, Nam đều viết “Giấy mượn tiền” hoặc “Giấy nhận tiền” và thỏa thuận nếu không xin được việc sẽ trả lại tiền để tạo lòng tin. Tuy nhiên, thực tế Nam không liên hệ xin việc cho ai mà dùng số tiền chiếm đoạt được để chơi xổ số điện toán và tiêu xài cá nhân. Khi biết mình không thể xin việc và trả lại tiền cho các bị hại, cuối năm 2018, Nam đã bỏ trốn qua Lào. Sau gần 5 năm sống chui lủi, Nam bị cơ quan công an bắt giữ theo lệnh truy nã quốc tế vào ngày 14/8/2023.

Tại phiên tòa xét xử đầu tháng 5/2024, trời Huế u ám xám xịt kèm theo dông lốc và mưa lớn. Vợ Nam là chị P. A ngồi ở góc “người có liên quan” tại phòng xét xử. Vị chủ tọa hỏi vợ Nam là chị P. A. : “Thế bị cáo Nam nhiều lần lừa đảo lấy tiền của người khác, trong đó có lần có sự chứng kiến và ký tên của vợ vào giấy nhận tiền sao không can ngăn và số tiền lớn như vậy có đưa cho chị mua sắm gì trong gia đình không”? Chị P. A. nghẹn ngào cho biết, đã có can ngăn nhưng chồng chị nói đây là việc riêng nên “anh tự lo được” và những lần sau chị đều không biết.

Còn về khoản tiền lừa đảo của 9 bị hại với số tiền lên đến gần 2,3 tỷ đồng, chị P. A. cho biết chồng chị không mua sắm gì trong nhà và cũng không cho chị đồng nào để nuôi con mà chỉ để tiêu xài cá nhân và mua vé số . “Anh ấy làm thì hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vi phạm của mình. Mong muốn của tôi là cơ quan chức năng không phát mãi căn nhà và diện tích đất hơn 200m2 ở quê nhà để có chỗ 3 mẹ con nương thân khi tôi đang bị những cơn đau do căn bệnh ung thư hoành hành, vì mảnh đất đó là của bố tôi cho tôi chứ không liên quan gì đến anh Nam”- chị P. A. nghẹn ngào.

Hội đồng xét xử xét thấy hành vi lừa đảo của bị cáo Lê Phương Nam là đặc biệt nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội nên cần cách ly ra khỏi xã hội một thời gian. Hội đồng xét xử tuyên phạt Lê Phương Nam 13 năm tù giam, đồng thời buộc hoàn trả lại tất cả số tiền bị cáo đã chiếm đoạt do phạm tội mà có.

Bài, ảnh: THÁI SƠN
ĐÁNH GIÁ
1.8
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mạo danh cán bộ bảo hiểm xã hội gọi điện thoại tặng quà

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đã xảy ra nhiều trường hợp lừa đảo, mạo danh cán bộ cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) để gọi điện tặng quà cho người dân để lừa đảo. BHXH tỉnh cảnh báo, khuyến cáo người dân khi thực hiện các giao dịch cần nâng cao cảnh giác để không bị đối tượng xấu lợi dụng và lừa đảo.

Mạo danh cán bộ bảo hiểm xã hội gọi điện thoại tặng quà
Return to top