ClockThứ Bảy, 29/08/2020 21:14

Tội phạm lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo vẫn tiếp diễn

TTH.VN - Mặc dù đã được cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn bị “sập bẫy” của các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cơ quan chức năng, các đối tượng thường lợi dụng tâm lý cả tin, hám lợi, tò mò, hoang mang… của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Bộ Công an gửi thư khen Công an tỉnh vì phá thành công đường dây lừa đảo qua mạngTriệt phá thành công nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạngLợi dụng tâm linh để lừa đảoĐiều tra, làm rõ vụ một phụ nữ bán hàng online bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớnPhá chuyên án chiếm đoạt hàng tỷ đồng từ ví điện tử

Một cô gái trẻ đến trình báo công an vì bị lừa đảo qua mạng xã hội

“Sập bẫy” vì quà lớn

Trước đó, chị Trần Thị L (họ tên đã thay đổi - SN 1990) đến trình báo Công an TP. Huế sự việc: Chị kết bạn với tài khoản Facebook có tên là “Letter Huang”. Người này giới thiệu đang sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ và hứa chuyển cho chị L một món quà.

Sau đó, chị L nhận được tin nhắn từ một số điện thoại lạ với nội dung phải chuyển 800 USD vào một tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn để được nhận một món quà rất giá trị từ nước ngoài gửi về. Nhẹ dạ cả tin, chị L đã vào ngân hàng chuyển hơn 18,5 triệu đồng.

Tiếp đó, chị L nhận được nhiều tin nhắn khác, thông báo, quà đang bị hải quan và an ninh sân bay tạm giữ cần phải chuyển thêm tiền để được nhận quà. Chị L đã nhiều lần chuyển khoản ngân hàng với tổng số tiền hơn 84 triệu đồng. Nghi bị lừa đảo nên chị L đã đến công an trình báo sự việc.

Với thủ đoạn tương tự, chị Nguyễn Thị M (họ tên đã thay đổi - SN 1995) cũng đã đến trình báo công an về việc: Chị kết bạn với một người thông qua mạng xã hội Skype. Người này giới thiệu là người Mỹ, hiện đi lính tại Syria và đang bị thương, dự định sẽ về Việt Nam sinh sống.

Ngày 29/7/2020, chị M nhận được tin nhắn từ tài khoản mạng xã hội của người này với nội dung: Đang gửi 1 bưu phẩm rất có giá trị từ nước ngoài về Việt Nam và nhờ chị nhận giúp. Hiện bưu phẩm nhân viên hải quan đang giữ phải nộp các khoản phí để nhận.

Trong các ngày 29 đến 31/7/2020, chị M đã 6 lần chuyển khoản cho các đối tượng tự xưng là nhân viên hải quan hơn 131 triệu đồng. Sau đó, chị M nghi ngờ bị lừa đảo nên đến trình báo công an.

Mới đây nhất, chị Nguyễn Thị T (SN 2001), trú tại phường An Hòa (TP. Huế) nhận được tin nhắn từ Facebook của chị ruột đang sinh sống ở Nhật Bản với nội dung: Chị gái có một người bạn Việt Nam sống tại Nhật Bản có người nhà đang nằm viện tại Việt Nam và cần tiền gấp. Để chuyển tiền về Việt Nam mất thời gian nên nhờ chị T chuyển giúp 30 triệu đồng cho người nhà bạn của chị có tên là Nguyễn Ngọc Vũ, số tài khoản 2230100687968, ngân hàng MB Bank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.

Khi chị T đến Ngân hàng chuyển khoản 30 triệu đồng thì tin nhắn từ Facebook của chị gái nhờ chuyển tiếp 50 triệu đồng. Trong lúc chị T về nhà lấy tiền để chuyển thì được chị gái từ Nhật Bản thông báo Facebook của chị bị chiếm đoạt quyền sử dụng (hack). Chị T tá hỏa là bị lừa đảo nên đến trình báo công an.

“Hám lợi”, bất chấp

“Mặc dù thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng không mới. Các cơ quan chức năng, phương tiện truyền thông khuyến cáo rất nhiều, nhưng có không ít người vẫn nhẹ dạ, cả tin nên bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vấn đề sâu xa vẫn là do họ quá hám lợi”, một điều tra viên của Công an TP. Huế cho biết.  

Thống kê của Công an TP. Huế cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận 74 đơn trình báo của người bị hại về các đối tượng lừa đảo lợi dụng mạng viễn thông, Internet chiếm đoạt hơn 5,1 tỷ đồng.

Các đối tượng thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của phụ nữ để lừa đảo 

Từ các vụ việc lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo trong thời gian qua, Công an TP. Huế xác định, có 6 thủ đoạn sau để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đó là, nhận được quà giá trị lớn từ người nước ngoài quen qua mạng xã hội gửi về Việt Nam, yêu cầu bị hại đóng các khoản phí để được nhận. 

Giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án thông báo cho những người có liên quan đến các vụ án để hù dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hack (chiếm đoạt) quyền sở hữu tài khoản Facebook, Zalo… để giả mạo người thân quen mượn tiền, nhờ thanh toán các đơn hàng, nộp card điện thoại…

Thông qua các giao dịch mua bán online, chuyển tiền, đổi ngoại tệ các đối tượng yêu cầu bị hại cung cấp mã OTP ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tuyển cộng tác viên, đại lý bán hàng và yêu cầu bị hại đặt cọc tiền để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; gọi điện thoại hoặc nhắn tin thông báo trúng thưởng từ nhà mạng hoặc các công ty, yêu cầu bị nộp card điện thoại, chuyển tiền để làm các thủ tục nhận trúng thưởng.

Công an tỉnh đã phá thành công chuyên án lừa đảo thông qua mạng Internet, bắt 7 người mang quốc tịch Nigeria và 4 người Việt Nam trong một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn này, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 120 tỷ đồng của nhiều nạn nhân tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Để phòng ngừa với loại tội phạm này, Công an TP. Huế nói riêng và Công an tỉnh nói chung khuyến cáo, mọi người dân, nhất là các bạn trẻ, nữ giới phải hết sức nêu cao tinh thần cảnh giác. Khi phát hiện hoặc nghi vấn có đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì nhanh chóng báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý, bắt giữ đối tượng.

Bài, ảnh: Phong Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cao điểm xử lý thanh, thiếu niên càn quấy, vi phạm nồng độ cồn

Ba ngày đầu ra quân (28 đến 31/7) tháng cao điểm xử lý thanh, thiếu niên càn quấy, vi phạm nồng độ cồn, dương tính với ma túy và trấn áp các loại tội phạm, Công an TP. Huế đã lập biên bản 288 trường hợp (61 ô tô, 227 mô tô) vi phạm; trong đó, vi phạm nồng độ cồn 131 trường hợp, tạm giữ 5 ô tô, 135 mô tô.

Cao điểm xử lý thanh, thiếu niên càn quấy, vi phạm nồng độ cồn

TIN MỚI

Return to top