Bị cáo Phan Văn Chinh tại tòa
Theo cáo trạng của TAND tỉnh, Phan Văn Chinh nguyên là Chủ tịch Chi hội Nghề cá Thuận An. Tháng 7/2014, khi Chính phủ ban hành Nghị định 67 quy định một số chính sách về phát triển thủy sản cho các ngư dân đủ điều kiện vay vốn ưu đãi để đóng mới tàu cá bám biển, nhiều ngư dân ở Phú Vang và TP. Huế mong muốn được làm thủ tục đóng tàu, được vay vốn ưu đãi đóng tàu theo Nghị định 67. Do không nắm bắt được các quy định của Nhà nước về Nghị định 67, nên có nhiều người tìm đến Chinh để nhờ giúp đỡ.
Từ năm 2016- 2018, đã có 4 ngư dân trên địa bàn TP. Huế và huyện Phú Vang tìm đến Chinh nhờ giúp đỡ. Mặc dù biết rõ các ngư dân này không đủ các điều kiện vay vốn ưu đãi đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ, nhưng Chinh vẫn đưa ra nhiều lời nói, thông tin gian dối và hứa hẹn để những người này tin rằng Chinh sẽ có “quan hệ” và xin cho họ vay vốn đóng tàu và họ sắp được vay vốn đóng tàu để nhiều lần đưa tiền cho Chinh.
Tại tòa, bị hại là ông Phạm Văn Đ. (trú thôn An Dương, xã Phú Thuận, Phú Vang) cho biết, thông qua một chủ vựa thu mua cá ở Thuận An, ông Đ. nhờ Chinh vay vốn đóng mới tàu theo Nghị định 67. Lợi dụng sự tin tưởng của ông Đ., Chinh đã yêu cầu ông Đ. cung cấp các loại giấy tờ để làm hồ sơ xin đóng mới tàu cá. Sau đó, Chinh còn đưa ra các thông tin gian dối, yêu cầu ông Đ. đưa tiền chi phí các khoản giao dịch: làm bằng lái, thiết kế tàu, mua quà biếu các “sếp”… Tin lời, ông Đ. đã nhiều lần đưa cho Chinh số tiền gần 540 triệu đồng. Thế nhưng chờ hoài cũng không được vay vốn đóng tàu mới theo Nghị định 67.
Tương tự ông Đ, cả ba ngư dân khác ở Phú Vang và TP. Huế người ít nhất đưa cho Chinh 150 triệu đồng, người đưa cao nhất 540 triệu đồng; tổng số tiền Chinh chiếm đoạt là 1,709 tỷ đồng. Thực tế, sau khi nhận tiền, Chinh không làm thủ tục gì và Chinh cũng không có khả năng xin cho các ngư dân được vay vốn ưu đãi mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền này nhằm sử dụng vào mục đích cá nhân.
Theo Hội đồng xét xử, hành vi của Phan Văn Chinh là lợi dụng chức vụ Chủ tịch Chi hội nghề cá, đưa ra nhiều thông tin gian dối về việc bản thân có khả năng giúp ngư dân xin được vốn vay ưu đãi đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Căn cứ vào các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Phan Văn Chinh 11 năm tù; đồng thời, có trách nhiệm bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
Được biết, trong quá trình giải quyết vụ án này, cơ quan điều tra tiếp nhận thêm 1 đơn tố giác của một giám đốc doanh nghiệp đóng tàu ở Phú Vang tên H., tố giác ông Phan Văn Chinh cấu kết với một nhóm người ở địa phương khác đưa ra các thông tin gian dối và hứa hẹn xin chạy dự án đóng tàu mới phục vụ Cảnh sát Biển Việt Nam hoặc cải hoán tàu thuyền sẵn có của ngư dân vùng biển Việt Nam vừa khai thác thủy, hải sản, vừa là lực lượng bán chuyên trách của Cảnh sát Biển Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Tin tưởng ông Chinh và nhóm người này, ông H. đã nhiều lần chuyển tiền cho nhóm người này và bị chiếm đoạt số tiền gần 4 tỷ đồng.
Theo cơ quan công an, quá trình làm việc với một số người liên quan, Chinh khai báo không có mối quan hệ với nhóm người trên và khẳng định bản thân cũng là nạn nhân của nhóm người này. Bên cạnh đó, do tình hình dịch COVID-19 phức tạp và một số yếu tố khách quan, cơ quan điều tra Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp với lực lượng công an TP. Đà Nẵng tiếp tục điều tra và sẽ tách đơn tố giác này để thụ lý giải quyết theo trình tự giải quyết tin báo tố giác tội phạm là có căn cứ.
Phiên tòa khép lại. Bị cáo được áp giải bước ra chiếc xe bịt bùng chờ sẵn. Chinh nguyên là Chủ tịch Chi hội Nghề cá Thuận An, từng được xem là ngư dân điển hình, người đi đầu thực hiện đầu tư 7,7 tỷ đồng đóng “tàu 67” có công suất 700CV tại Thừa Thiên Huế (năm 2015) với những chuyến tàu vươn khơi bám biển đầy ắp cá tôm. Thế nhưng chỉ vì muốn làm giàu nhanh chóng một cách bất chính, Chinh đã phải trả giá cho những tháng ngày hối hận muộn màng sau song sắt.
Bài, ảnh: Thái Bình