|
Chị Trần Thị Thắm, điển hình trong phong trào vận động phụ nữ làm kinh tế |
Chị Thắm tự nhận, mình không quen nói trước người lạ nhưng lại có tài vận động hội viên tham gia các phong trào. Mình vừa làm, vừa rủ họ cùng làm, thấy mình làm hiệu quả, mọi người cũng làm theo. Nhớ ngày trước, ở Hương Sơn, nhà nào cũng có đất vườn mênh mông nhưng toàn là cỏ mọc um tùm, cây cối không đem lại giá trị kinh tế. Năm 2018, Hội Phụ nữ xã Hương Sơn đăng ký xây dựng mô hình giúp nhau cải tạo vườn tạp. Chị Thắm cứ thủ thỉ với chị em, nhà nào có cây ăn quả có giá trị thì nên tặng những hội viên có nhiều diện tích đất vườn, nhưng chưa biết tận dụng, khai thác. Lúc đó, dứa và chuối vẫn là đặc sản nổi tiếng của Hương Sơn. Nhất là dứa Kaien có trái to đến 5kg/trái, mắt cạn và thơm ngon.
Có con giống, chị Thắm huy động chị em ủng hộ ngày công cải tạo đất. Những hộ nghèo, khó khăn, được hội hỗ trợ tiền phân bón ban đầu. Riêng chị Thắm đã giúp được 8 chị cải tạo vườn để trồng dứa, chuối, cam với số tiền mua cây giống trên 30 triệu đồng. Cái khó của Hương Sơn lúc đó là người dân vẫn chưa nắm rõ kỹ thuật trồng và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Thế nên, tổ liên kết trồng và tiêu thụ chuối, dứa sạch ở Hương Sơn do Hội LHPN xã, mà người đứng mũi chịu sào là chị Trần Thị Thắm đảm nhận. Năm 2019, có 24 chị tham gia với tổng diện tích 10ha. Chị em được tập huấn xoay quanh kỹ thuật trồng đúng cách và tiêu thụ sản phẩm. Chị Thắm bảo, bản thân mình cũng được “hưởng lợi” khi với 0,3ha dứa, có thu nhập trên chục triệu đồng/vụ.
Phụ nữ vùng cao thiếu tự tin, tư tưởng an phận nên gặp thách thức từ định kiến giới đến hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực và thị trường. Thế nên, chị Thắm phải thuyết phục, vận động và hơn thế, phải tập cho các chị xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất và kinh doanh. Chị Thắm biết người dân tộc thiểu số khó khăn trong cân đối chi tiêu nên chị phát động phong trào “Tiết kiệm mùa vụ”, thu hút đông đảo chị em tham gia. Chị Thắm về từng chi, tổ hội để hướng dẫn cho hội viên cách dành dụm, tiết kiệm và chi tiêu hợp lý. Các chi hội đều trích tiền quỹ tặng cho mỗi chị một con heo đất và quy định ít nhất mỗi ngày tiết kiệm 2.000 đồng, khuyến khích các chị tăng tiền tiết kiệm trong dịp thu hoạch mùa vụ. Cuối năm, hội tổ chức lễ hội đập heo tiết kiệm, biểu dương các chị thực hiện tiết kiệm tốt. Có chị tiết kiệm được 15 triệu đồng/năm, những chị khó khăn cũng tiết kiệm được 6-7 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, nhiều phụ nữ làm việc tại Công ty may Kimsora, chị vận động tham gia ngành nghề dịch vụ buôn bán khác tạo ra thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chị em. Do vậy thu nhập bình quân đầu người, của gia đình hội viên tăng lên rõ rệt đạt 46 triệu đồng năm 2022, hội viên là hộ nghèo so với những năm trước giảm đáng kể, hiện nay còn 10 hộ (trong đó có 7 hội viên) xuống còn 2,64% trên toàn xã.
Kinh nghiệm đúc kết làm kinh tế của chị Thắm khá đơn giản, phải miệng nói, tay làm và tham gia trải nghiệm cùng chị em mới kịp thời điều chỉnh những khó khăn vướng mắc. Từ đó, tập hợp hội viên tham gia hoạt động hiệu quả hơn.