ClockThứ Tư, 17/01/2024 11:53

“Lên đời” cho nghề ve chai

TTH - Vòng quay xe đạp nặng nhọc của những người phụ nữ làm nghề thu mua chai bao trên địa bàn thành phố không còn đơn độc. Bởi từ khi những tổ hợp tác (THT) ve chai ra đời, những hội viên phụ nữ làm nghề chai bao được đồng hành cùng nhau, giúp đỡ nhau trên chặng đường mưu sinh và được sự “trợ lực” của hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp.

Trĩu nặng đời... ve chaiTôn vinh phụ nữ làm nghề ve chaiMua ve chai chung

 Thành viên tổ hợp tác nghề ve chai, thu gom phế liệu cùng nhau thu mua, phân loại chất thải rắn

Suốt ngày rong ruổi khắp những con đường, ngõ nhỏ của thành phố, rời khỏi nhà từ sáng sớm, trở về khi trời đã tối sầm nên chị Đặng Thị Thương, hội viên Hội LHPN phường An Đông, làm nghề chai bao chẳng mấy khi có thời gian tham gia hoạt động hội. Từ khi được vận động tham gia THT ve chai phế liệu của Hội LHPN phường, chị tích cực hơn trong các hoạt động của hội và giành nhiều thời gian cho bản thân hơn bằng việc tham gia các hoạt động vui chơi, sinh hoạt cùng chị em phụ nữ.

“Từ khi tham gia THT, được trang bị đồng phục, gang tay, đồ bảo hộ và tập huấn các nội dung an toàn lao động cho bản thân khi đi làm nghề, chúng tôi rất vui. Bởi, suốt mấy chục năm đi làm nghề, tôi không nghĩ “nghề mọn” của mình nay được địa phương, các tổ chức quan tâm, hỗ trợ như thế. Khi THT được thành lập, những người làm nghề ve chai như chúng tôi có nơi để sinh hoạt, chia sẻ về công việc và kịp thời giúp đỡ nhau khi khó khăn.

Trở về sau một ngày làm việc chung cùng các thành viên THT, chị Trương Thị Xuân Mai, phường An Đông phấn khởi: Ngày ni thu mua cũng được kha khá, số tiền lời trong ngày chúng tôi sẽ trích lại 20% vào tổ, dù cũng chẳng nhiều nhặn gì nhưng siêng nhặt chặt bị, đây là nguồn quỹ để chị em trong THT giúp đỡ nhau khi khó khăn. Vui vẻ chia sẻ về sự đoàn kết của 11 thành viên trong THT, chị Mai tâm sự: Hoàn cảnh khó khăn, chẳng có việc làm ổn định nên tôi mới gắn bó với nghề ve chai này, đơn giản chỉ là mưu sinh, kiếm sống qua ngày. Nhưng từ khi được tham gia THT, được trang bị thêm nhiều kiến thức, tôi mới biết nghề ve chai của mình cũng góp phần bảo vệ môi trường khi trực tiếp tham gia vào các hoạt động phân loại rác tái chế.

Định bụng Chủ nhật này sẽ nghỉ làm, nhưng khi được tổ trưởng phân công đi thu mua chai bao theo đơn đặt hàng, chị Huỳnh Thị Hiên, THT nghề ve chai, thu gom phế liệu phường Hương Sơ vui vẻ nhận đơn hàng. Bởi với chị Hiên, những ngày đi làm chung cùng các thành viên trong tổ là những ngày thật vui và ý nghĩa. “Cùng nhau mang những chiếc áo đồng phục, cùng thông điệp chung tay bảo vệ môi trường rong ruổi trên các con phố, tôi thấy nghề của mình như được trân trọng hơn. Hơn nữa, với những đơn hàng thu mua qua tổ, chúng tôi cũng đã góp một phần nhỏ vào mô hình giúp đỡ phụ nữ, trẻ em nghèo trên địa bàn”, chị Hiên chia sẻ.

Để giúp đỡ, đồng hành cùng  hội viên phụ nữ làm nghề ve chai, thu mua phế liệu, Hội LHPN TP. Huế đã phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Việt Nam triển khai chương trình “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong quản lý chất thải rắn, xử lý rác hữu cơ và giảm thiểu rác thải nhựa“, và hỗ trợ “Cải thiện sinh kế, điều kiện và môi trường lao động cho nhóm phụ nữ yếu thế trong ngành tái chế phế liệu khối phi chính thức tại TP. Huế”.

Việc thu gom, phân loại và tái chế chất thải rắn cũng là một công đoạn không kém phần quan trọng, giúp giảm ra môi trường một lượng rác lớn. Để có cơ sở triển khai thực hiện, Hội LHPN TP. Huế tổ chức rà soát thông tin về số lượng phụ nữ làm nghề thu mua ve chai cũng như số lượng các cơ sở thu mua tái chế phế liệu tại 36 phường/xã trên địa bàn để có phương án hỗ trợ phù hợp. Từ đó, Hội LHPN thành phố cùng với WWF thực hiện các mô hình như hỗ trợ cải thiện sinh kế, điều kiện và môi trường lao động cho nhóm phụ nữ yếu thế trong ngành tái chế phế liệu, tiến hành tập huấn kiến thức liên quan về bảo hộ lao động. Đồng thời, nhân rộng mô hình và thành lập các tổ hợp tác ve chai như ở phường Hương Sơ, An Đông, Thủy Vân...

Bà Đặng Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội LHPN TP. Huế cho biết: Hiện, trên địa bàn TP. Huế có hơn 500 hội viên phụ nữ làm nghề thu mua ve chai. Hầu hết đời sống của các hội viên còn nhiều khó khăn. Nghề ve chai cũng là một nghề vất vả, do phải thường xuyên tiếp xúc với rác thải. Tuy nhiên, từ một công việc mưu sinh hàng ngày, những hội viên phụ nữ làm nghề ve chai đã có những đóng góp thầm lặng trong việc bảo vệ môi trường. Đó là việc thu gom, phân loại rác tái chế theo đúng quy trình, để giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường. Để kết nối các thành viên cùng ngành nghề, môi trường lao động, việc Hội LHPN thành phố đã hướng dẫn thành lập các THT thu gom ve chai và các thành viên THT ve chai được các dự án hỗ trợ trang cấp đồng phục, giày, găng tay bảo hộ, mũ chống nắng, cân đo khối lượng... Sau khi thành lập, các THT xây dựng  quy chế hoạt động trong việc phối hợp thu mua các đơn hàng, tạo quỹ, giúp đỡ, hỗ trợ nhau để có thêm nguồn vốn kinh doanh và tổ chức sinh hoạt theo định kỳ, tạo mối quan hệ đoàn kết gắn bó và chia sẻ những khó khăn trong công việc.

Để giúp đỡ hội viên phụ nữ khó khăn đang làm nghề thu gom ve chai, tái chế phế liệu có thêm nguồn vốn để kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình và cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn lao động, bảo vệ môi trường theo hướng bền vững…, dự án đã phối hợp hỗ trợ nguồn quỹ vốn xoay vòng hỗ trợ phát triển sinh kế cho phụ nữ làm nghề thu gom, tái chế phế liệu tại thành phố Huế với số tiền 650 triệu đồng. Đến nay, đã giải ngân cho 90 hội viên phụ nữ vay vốn với tổng số tiền 565 triệu đồng.

Bài, ảnh: Thảo Vy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguồn học liệu quý cho trẻ mầm non

Những tác phẩm từ cuộc thi sáng tác lời mới trên làn điệu dân ca Huế, tranh vẽ về văn hóa Huế, sưu tầm văn hóa dân gian do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức là nguồn học liệu quý trong thực hiện chương trình giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non.

Nguồn học liệu quý cho trẻ mầm non
Vinh danh người tặng hiện vật cho bảo tàng

Một chiếc thuyền độc mộc được nhóm thợ lặn tìm thấy và trục vớt ở lưu vực sông Bồ. Chiếc thuyền này sau đó đã được nhóm người này quyết định tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế để nghiên cứu, phát huy giá trị.

Vinh danh người tặng hiện vật cho bảo tàng
“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp

Không ngừng học hỏi và đổi mới cách làm, Ngô Thị Tuyết, cô gái 9X ở xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) đã biến những phụ phẩm nông nghiệp của quê hương thành sản phẩm dầu gội chất lượng.

“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp
Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững

Huy động nhiều nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở TX. Hương Trà không ngừng giúp người nghèo cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.

Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

TIN MỚI

Return to top