ClockThứ Ba, 24/06/2014 11:08

Nỗ lực và thách thức

TTH - "Kéo" lại độ chênh bình đẳng giới (BĐG), phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh thời gian qua tuy đã đạt nhiều kết quả đáng chi nhận, nhưng để tiến tới mục tiêu bình đẳng giới vẫn còn đó nhiều khó khăn, thử thách...

Nỗ lực

Nâng cao nhận thức bình đẳng giới thông qua các hội thi

Trong 60 thành viên của 2 câu lạc bộ (CLB) Vì sự tiến bộ của phụ nữ xã Thủy Tân, thị xã Hương Thủy mỗi chị có một hoàn cảnh khác nhau. Chị Nguyễn Thị Quyên, thôn Tô Đa 1, có hai con chăm ngoan học giỏi, chồng chăm chỉ làm ăn và luôn yêu thương vợ con, chia sẻ: “Tham gia câu lạc bộ không chỉ để chia sẻ kinh nghiệm của mình trong xây dựng gia đình hạnh phúc, mà còn rút được kinh nghiệm từ những nguyên nhân xảy ra xung đột từ những cặp vợ chồng khác để tránh không xảy ra với gia đình mình”. Ngược lại, chị Ngô Thị Phú, thôn Tô Đa 2, trước đây mỗi khi bị chồng đánh đập chị luôn giấu mọi người, với tâm lý “tốt khoe, xấu che”. Từ khi tham gia CLB, mỗi khi bị chồng đánh đập, chị nhờ các thành viên can ngăn kịp thời, khuyên bảo chồng chị, nên không còn xảy ra bạo lực. Chị Phú chia sẻ: “Tui cảm thấy may mắn khi được tham gia CLB, ở đây tui được động viên, giúp đỡ mỗi khi có chuyện chẳng hay trong gia đình”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thủy Tân cho biết: Với những hoàn cảnh trái ngược nhau, các chị đã chia sẻ buồn vui, trao đổi kinh nghiệm xây dựng gia đình êm ấm, chống bạo lực gia đình và các chị cũng là những tuyên truyền viên tích cực để xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đổi xử với nữ giới, nhờ vậy tình trạng bạo lực trên địa bàn xã đã giảm đi trông thấy
Không chỉ ở Thủy Tân, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập các CLB Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Hiện nay, toàn tỉnh có 288 CLB, thu hút hàng ngàn hội viên tham gia.
Bên cạnh đó, Hội lồng ghép tuyên truyền BĐG trong quá trình thực hiện cuộc vận động lớn của Trung ương Hội về xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” (không nghèo đói, không bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ em suy dinh dưỡng, không có trẻ em bỏ học) và đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”. Qua đó, không chỉ nâng cao nhận thức cho các bà mẹ, mà còn vận động các ông bố cùng tích cực tham gia trong xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con tốt.
Riêng hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, nơi có nguy cơ cao về bạo lực gia đình, Hội đã phối hợp với tổ chức Conemund - Tây Ban Nha tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức về BĐG, phòng chống bạo lực gia đình cho hội viên.
Bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh đánh giá: So với các vùng, miền khác, phụ nữ Thừa Thiên Huế ít tự tin, đặc biệt là trước đám đông, đây là một hạn chế của chị em, cần phải quan tâm, hỗ trợ. Thông qua đề án giáo dục phẩm chất đạo đức của người phụ nữ hiện nay: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, các cấp hội chú trọng tập huấn hỗ trợ các kỹ năng đem đến sự tự tin cho chị em, để họ phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Những khó khăn, thách thức
Khảo sát thực tế của các cấp hội cho thấy, hiện vẫn tồn tại bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, giữa trẻ em gái và trẻ em trai. Sự bất bình đẳng xuất phát từ ngay trong mỗi gia đình và từ nhiều góc độ của xã hội. Ảnh hưởng nặng nề bởi quan niệm từ thời xa xưa, người phụ nữ bị “mặc định” vai trò chính là nội trợ, quán xuyến việc nhà, chăm sóc con cái, biết phục tùng, hi sinh; nam giới là người kiếm tiền, trụ cột gia đình, thích hợp với công việc lãnh đạo, quản lý…
Trong bất bình đẳng giới thì bạo lực gia đình là vấn nạn nhức nhối, tồn tại dai dẳng. Cũng do quan niệm sợ “vạch áo cho người xem lưng”, “xấu chàng hổ ai” nên người phụ nữ dù bị chồng bạo hành vẫn cắn răng chịu đựng. Tuy các cấp hội đã xây dựng được gần 100 địa chỉ tin cậy cộng đồng, nhưng nhiều chị khi bị chồng gây bạo lực vẫn né tránh không tới vì e ngại, xấu hổ.
 Bà Phạm Thị Lan cho biết: “Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nhân rộng những mô hình những cách làm hay về BĐG; tập trung tuyên truyền trong nhóm nhỏ cho cả các ông bố và bà mẹ, trong sinh hoạt của các câu lạc bộ; phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tổ chức các hội thi BĐG, hội thi tuyên truyền viên về BĐG. Đồng thời, Hội sẽ có những kiến nghị đề xuất với chính quyền các cấp, tạo điều kiện cho phụ nữ trong quản lý Nhà nước, trong tham gia lãnh đạo các cấp…”.
Hải Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang cơ hội thay đổi đến cho phụ nữ, trẻ em vùng cao

Dự án (DA) 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Sau 3 năm triển khai tại 18 xã, 71 thôn đặc biệt khó khăn tại địa bàn các huyện: A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. DA đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em.

Mang cơ hội thay đổi đến cho phụ nữ, trẻ em vùng cao
Phụ nữ sống xanh

Để phong trào “Chủ nhật xanh” thực sự “bám rễ”, hình thành thói quen bảo vệ môi trường, sống xanh, sạch, đẹp đối với từng hội viên phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã cụ thể phong trào bằng những mô hình thiết thực, hiệu quả như: Tuyến đường hoa, Điểm xanh văn hóa, Mỗi hố rác một cây xanh, Biến rác thành tiền, Ngõ xanh, 60 phút sạch nhà đẹp ngõ... Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân về tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) tại khu dân cư ngày càng được nâng cao.

Phụ nữ sống xanh
Nhiều mô hình hay

Bằng những cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền đã huy động được sự vào cuộc, tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.

Nhiều mô hình hay
Return to top