Nguy hiểm cho thuyền du lịch
Khu vực bãi bồi Lương Quán cũng là “cái eo” trên tuyến đường thủy nội địa để thuyền rồng du lịch từ các bến thủy nội địa trong TP. Huế đưa du khách lên tham quan các điểm di tích cố định trên thượng nguồn sông Hương.
Việc khai thác cát ảnh hưởng đến hoạt động của thuyền rồng du lịch
Trong nhiều ngày, PV đã có mặt tại khu vực bãi bồi Lương Quán phía hữu và tả ngạn sông, chứng kiến nhiều thuyền đôi, thuyền đơn du lịch phải “lần mò” qua đoạn sông này để lên với thượng nguồn. Nguyên nhân, các tàu cát sau khi nhận phiếu xuất kho tại các chủ mỏ, đều ra giữa lòng sông để “ăn” cát. Trong đó, có nhiều phương tiện lén lút hút cát nằm ngoài phạm vi chỉ giới của mỏ được cấp phép, “lấn” qua bên bờ của sông Hương thuộc địa phận phường Hương Hồ (Hương Trà), khiến các phương tiện thuyền rồng đi lại khó khăn.
Tại các mỏ này, theo quan sát, chỉ trên bờ các chủ mỏ tiến hành cắm cờ để xác định ranh giới mỏ, phía dưới nước, không thấy phao chỉ dấu phạm vi mỏ, khiến các phương tiện “vô tư” ra vào khu vực này lấy cát; các phương tiện thuyền rồng du lịch cũng “tuy nghi di tản” qua khu vực này.
Khu vực tổ 8, phường Hương Hồ, hiện tại mực nước gần sát bờ sông khu vực này đã sâu từ 10-20m. Nguyên nhân do các tàu cát không chỉ hút cát trong mỏ mà nhiều lần “lấn” qua bên này bờ sông để hút cát “chui” gây nên tình trạng sạt lở tại khu vực này.
“Hàng ngày, có khá đông thuyền du lịch đi qua khu vực này. Mỗi lúc qua đây các thuyền rồng đều phải di chuyển chậm bởi có các thuyền cát “chắn ngang” trên sông. Nếu xảy ra va chạm sẽ rất nguy hiểm cho du khách trên thuyền”, bà Nguyễn Thị Liên (khu vực 8, phương Hương Hồ), cho biết.
Ông Huỳnh Quang, đại diện chủ mỏ thuộc thuộc Công ty CP Châu Thành Phát cho rằng, để giảm lưu lượng phương tiện ra, vào lấy cát gây mất ATGT đường thủy ở bãi bồi Lương Quán, chủ mỏ đã thay đổi phương thức khai thác. Nếu trước đây cho mỗi lần từ 15-20 thuyền ra lấy cát từ các máy hút thì nay phân bố đều ra, chỉ mỗi lần 2-3 phương tiện ra lấy cát đã được hút sẵn lên thuyền lớn. Chủ mỏ yêu cầu các phương tiện ra lấy cát phải đậu thuyền dọc theo lòng sông, tránh ra ngoài phạm vi mỏ.
“Chúng tôi có sử dụng can nhựa kết nối dây cắm cờ phía trên để làm ranh giới phạm vi mỏ; ban đêm, bố trí đèn tín hiệu cảnh báo ở mui và lái thuyền nhằm cảnh báo các phương tiện qua lại tại đây”, ông Quang khẳng định. Theo quan sát của PV nhiều ngày đều không thấy phao và cờ chỉ phạm vi mỏ. Ông Quang cho rằng “thuyền ra vào làm đứt dây và gió thổi gãy cờ, đơn vị phải thay nhiều lần”.
Cần có giải pháp tối ưu
Ông Nguyễn Khoa Dục, Trưởng bộ phận kế hoạch Ban quản lý Bến xe, Bến thuyền TP. Huế cho biết, hiện có 128 phương tiện thuyền rồng du lịch (trong đó có 77 thuyền đơn) do 12 DN, HTX quản lý hoạt động trên 3 bến thủy nội địa gồm bến số 5 Lê Lợi, Tòa Khâm và Thiên Mụ. Đơn vị chỉ chịu trách nhiệm quản lý các phương tiện trong khu vực bến thuộc vùng nước nội thủy và kiểm tra các giấy phép về an toàn kỹ thuật, chứng chỉ lái thuyền, danh sách thuyền viên..., còn khi các phương tiện lưu thông bên ngoài không thuộc trách nhiệm của mình.
Ông Lê Viết Trà, Trưởng phòng Kỹ thuật - Đoạn quản lý đường thủy nội địa tỉnh (Sở GTVT) thông tin, theo quy định, khoảng cách từ 500-700m đều có gắn các biển báo hiệu hướng dẫn luồng đi gần bờ cho các phương tiện tàu thuyền trên sông. Ở khu vực bãi bồi Lương Quán hiện nay qua rà soát đều có các biển này. Mới đây, Đoạn quản lý đường thủy nội địa tỉnh đã tổ chức kiểm tra, rà soát luồng tuyến trên sông, nhận thấy sự bất cập, mất ATGT đường thủy ở khu vực này nên đã có báo cáo tham mưu cho Sở GTVT và Công an tỉnh để có phương án xử lý. “Nếu các tàu du lịch đi theo luồng tuyến phía bên kia bờ thuộc phường Hương Hồ, các tàu cát gây cản trở giao thông thì trách nhiệm xử lý thuộc lực lượng CSGT, TTGT”, ông Trà nói.
Theo thống kê của Phòng CS đường thủy, Công an tỉnh từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã tiến hành xử lý 12 trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép, tiến hành xử lý hành chính 24 triệu đồng; trong đó, có các phương tiện khai thác cát trái phép ngoài phạm vi mỏ tại khu vực bãi bồi Lương Quán.
Trung tá Dương Chí Hiếu, Phó Trưởng phòng CS đường thủy, Công an tỉnh cho rằng, việc xác định phạm vi mỏ được cấp phép của các DN tại bãi bồi Lương Quán thuộc trách nhiệm của Sở TN&MT. Gần khu vực bãi bồi Lương Quán chúng tôi có bố trí chốt tuần lưu ở đó. Trong thời gian qua, lực lượng CS đường thủy cũng đã tiến hành tuần tra, xử lý nhiều trường hợp các tàu thuyền khai thác cát trái phép ngoài phạm vi mỏ khi các phương tiện này “lấn” sang phía bên bờ sông Hương thuộc địa phận phường Hương Hồ. “Do không có phao định vị nên việc xác định phạm vi mỏ chủ yếu quan sát bằng mắt thường”, Trung tá Hiếu khẳng định.
Trung tá Lê Hồng Hà, Trưởng phòng CS đường thủy, Công an tỉnh thông tin, các tàu thuyền lớn vi phạm ngoài mỏ chủ yếu của DN đang được cấp phép khai thác tại bãi bồi Lương Quán. “Báo chí viết, chúng tôi xử lý nhiều cũng “nản” luôn, nhiều lúc vi phạm lại đổ cho thuyền của dân nhưng DN mới là đối tượng vi phạm nhiều cần phải xử lý”, Trung tá Hà nói.
Tại khu vực bãi bồi Lương Quán được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường với diện tích 6,3 ha cho các đơn vị gồm: Công ty CP thương mại và dịch vụ Hồng Phát (2,07ha), Công ty CP Châu Thành Phát (2,1ha) và Công ty CP XD 939 (2,1 ha). Mục đích của dự án nhằm khai thác cát, sỏi để cung cấp nguyên liệu phục vụ xây dựng các công trình dân sinh trên địa bàn tỉnh, kết hợp khơi thông dòng chảy. |
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh