Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương
Việc tổ chức đám cưới tập thể với một số tỉnh, thành trên cả nước là không mới, nhưng LĐLĐ Thừa Thiên Huế mới tổ chức lần đầu nên cũng có những đắn đo, trăn trở. Cái khó ở đây là ở nét văn hóa của người Huế. Nhiều người không dễ dàng ủng hộ một đám cưới tập thể như thế. Hơn nữa, trên địa bàn tỉnh, CNLĐ ở các nơi khác đến làm việc rất ít, chủ yếu là lao động tại chỗ nên việc thuyết phục người thân của họ cũng gặp nhiều trở ngại trong định kiến về một đám cưới mang hơi thở “đời sống mới”: Tiết kiệm, giảm thủ tục và lại tổ chức tập thể…
Tuy vậy, qua phân tích, việc tổ chức đám cưới tập thể có nhiều điều có lợi cho đoàn viên và người lao động nên Thường trực, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh và các ban tham mưu, các CĐCS đã ủng hộ, biến sự kiện tổ chức đám cưới tập thể cho đoàn viên, CNLĐ trên địa bàn tỉnh thành hiện thực.
Để có 21 cặp đôi tham gia đám cưới tập thể có lẽ không phải dễ dàng?
Đây là một câu chuyện dài với bao cảm xúc. Có trường hợp cán bộ LĐLĐ tỉnh vận động được cặp đôi tham gia nhưng ông bố cô gái lại không đồng ý dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vậy là người của LĐLĐ tỉnh lại tiếp tục vận động ông bố. Đến khi thuyết phục được ông bố thì tổ chức CĐCS ở đó lại cho rằng sao không nghe nói gì, họ có thể tự giúp được… Cán bộ của LĐLĐ tỉnh, nhất là ở Ban nữ công phải quyết tâm lắm trong công tác tuyên truyền, giải thích thì mới có được nhiều cặp đôi như thế tham gia đám cưới tập thể. Mỗi khi có một cặp đôi đồng ý, niềm vui cứ vỡ òa trong chúng tôi…
Bà có thể cho biết rõ hơn về những cặp đôi được chọn tham gia đám cưới tập thể lần đầu tiên này?
Có khoảng 50% cặp đôi cùng làm công nhân, những cặp đôi còn lại có một người là công nhân, người còn lại làm ở ngoài, cả hai đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và đã đăng ký kết hôn. Đáng nói, có nhiều cặp đôi đã đăng ký kết hôn từ 7-9 năm nhưng chưa có điều kiện để tổ chức đám cưới. Thậm chí có cặp đôi vợ là công nhân, chồng là thợ xây tự do đã đăng ký kết hôn được 16 năm nhưng vì hoàn cảnh nên cô gái vẫn chưa một lần được mặc áo cô dâu. Ngoài ra cũng có những cặp đôi đã có con với nhau...
Có rất nhiều người đang tò mò về cách thức tổ chức đám cưới này?
Theo kịch bản dự kiến, đúng 5 giờ ngày 28/7, tại trụ sở LĐLĐ tỉnh (2 Đống Đa, TP. Huế), các cô dâu, chú rể sẽ được trang điểm và diện trang phục áo dài, khăn đóng, sau đó sẽ bước lên những chiếc xích lô được trang trí với sắc màu xanh- nhận diện tổ chức Công đoàn Việt Nam (kể cả trang phục của đoàn viên thuộc Nghiệp đoàn xích lô). Đoàn xe chở 21 cặp đôi sẽ đi qua một số tuyến đường ở trung tâm TP.Huế, cầu Phú Xuân, Trường Tiền và dừng chân ở địa điểm trung tâm tiệc cưới (Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, 100 Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ). Mỗi cặp đôi sẽ có 3 bàn tiệc để mời họ hàng, bạn thân. Trước ngày tổ chức đám cưới tập thể, LĐLĐ tỉnh tổ chức hội trại công nhân, trong đó có hội thi cắm hoa, làm bánh phu thê. Vì vậy, trong đám cưới này, những giỏ hoa đẹp và những mâm bánh phu thê do chính các công nhân gói sẽ là món quà ý nghĩa, điểm tô thêm cho ngày vui của các cặp đôi.
Ngoài hỗ trợ 63 bàn tiệc/21 cặp đôi, LĐLĐ tỉnh sẽ tặng mỗi cặp vợ chồng 1 cặp nhẫn cưới với giá trị 1 chỉ vàng và các chi phí khác như: bánh kem, rượu cưới, áo cưới, trang điểm, phương tiện đưa đón… LĐLĐ tỉnh sẽ mời các doanh nghiệp đã ký chương trình phúc lợi cho đoàn viên cùng tham gia; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp cùng tặng quà cưới cho các cặp đôi trong dịp này… Chúng tôi ước tính chi phí tổ chức đám cưới cho mỗi cặp đôi khoảng 20 triệu đồng, rất thấp so với một đám cưới bình thường hiện nay nhưng vẫn đầy đủ nghi lễ và trang trọng.
Bà có thể cho biết rõ hơn việc huy động kinh phí như thế nào khi phải chi một khoản khá lớn cho đám cưới tập thể sắp tới?
Như đã trao đổi, chúng tôi muốn tất cả các doanh nghiệp cùng chung tay với hoạt động ý nghĩa này, bằng cách chúng tôi gửi thư mời tham gia chương trình cho các doanh nghiệp (bằng tiền hoặc hiện vật) đến tại đám cưới để trao cho các cặp đôi. Họ có thể tặng bánh kem, rượu cưới, tặng suất ăn cho các bàn tiệc, hỗ trợ trang điểm, thuê trang phục áo cưới, chụp ảnh cưới hay những món quà khác phục vụ đời sống sinh hoạt cho các cặp đôi,… Chúng tôi trân trọng tất cả và cam kết nhận trao tận tay các cặp đôi.
Còn hơn một tháng nữa đám cưới tập thể mới chính thức bắt đầu, ngoài kế hoạch trên, LĐLĐ còn có những dự định gì khác để đám cưới này thêm ý nghĩa?
Chúng tôi từng có ý tưởng, trước ngày cưới sẽ cho các cặp đôi diện trang phục veston, soa-rê để chụp ảnh ở một vài địa điểm có phong cảnh đẹp, bởi ngoài trang phục áo dài, khăn đóng truyền thống, cô dâu nào cũng mơ ước được khoác trên mình chiếc soa-rê trắng dài lộng lẫy. Chúng tôi cũng có ý tưởng sẽ giúp các tân lang, tân nương có được một buổi tối tân hôn thật hạnh phúc tại những căn phòng được trang trí rất riêng, mang màu sắc công nhân ở khách sạn Sông Hương của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tuy vậy, kinh phí hiện nay để tổ chức được những việc đó đang khó. Rất mong có sự chung tay của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để đám cưới tập thể lần này được diễn ra thật tuyệt vời và phù hợp với văn hóa Huế.
Và thưa bà, nếu thành công, những đám cưới tập thể như thế này có sẽ được LĐLĐ tỉnh nghiên cứu tổ chức định kỳ hàng năm?
Việc tổ chức đám cưới tập thể là nhằm thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân viên chức lao động; đồng thời, tôn vinh, giữ gìn nét đẹp lễ cưới truyền thống của dân tộc Việt Nam và hỗ trợ những cặp vợ chồng công nhân viên chức lao động là đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn. Với ý nghĩa ấy, nếu thành công và nhận được sự ủng hộ của mọi người, LĐLĐ tỉnh sẽ cố gắng tổ chức thường xuyên nếu đoàn viên và người lao động có nhu cầu.
Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Trong số 21 cặp đôi tham gia đám cưới tập thể, có 10 cặp đôi ở Công ty HbI Phú Bài (TX. Hương Thủy); 5 cặp đôi ở Công ty May Giã Trân (TP.Huế); 3 cặp đôi ở Công ty cổ phần Da giày Huế; 2 cặp đôi ở Công ty Hữu hạn Xi măng Luks Việt Nam (TX.Hương Trà)… |
BÍCH THÙY – HÀO VŨ (thực hiện)