|
|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (ở giữa) giải đáp các câu hỏi từ ĐVTN |
Xây dựng văn hóa Huế trên nền tảng số
Mở đầu buổi đối thoại, chị Lê Thị Kim Hằng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho rằng, với tốc độ phát triển như hiện nay mạng xã hội đóng vai trò rất lớn trong việc quảng bá thương hiệu. Lãnh đạo tỉnh có kế hoạch gì để xây dựng bộ nhận diện văn hóa Huế trên nền tảng số?
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nguyễn Thiên Bình thông tin, đơn vị đã trình UBND tỉnh ban hành đề án Công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành Văn hóa - Thể thao. Hiện, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đang tập trung phối hợp với các bên liên quan tiến hành số hóa tất cả các di sản vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Bên cạnh đó, bộ nhận diện về nón lá, áo dài và các nghề truyền thống, như: dệt zèng, đúc đồng, đan lát… cũng đang được gấp rút xây dựng và sẽ sớm hoàn thành trong thời gian tới.
Với những nỗ lực trên, đặc trưng văn hóa Huế sẽ xuất hiện nhiều hơn trên nền tảng số, đặc biệt là các trang mạng xã hội. Từ đó, tăng độ nhận diện và quảng bá văn hóa Huế đến đông đảo du khách. Bên cạnh đó, xây dựng nền ẩm thực Huế theo hướng chuẩn hóa trên nền tảng văn hóa Huế là vấn đề được một số ĐVTN đặc biệt quan tâm.
Ông Hoàng Phước Nhật, Phó Giám đốc Sở du lịch cho biết, ngành du lịch đang tập trung xây dựng Đề án “Kinh đô ẩm thực”. Cùng với Đề án “Kinh đô áo dài”, đây sẽ là một trong những nội dung xương sống nhằm phát triển ngành du lịch thời gian tới.
Hai năm qua, Sở Du lịch cũng đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và chuẩn hóa các món ăn Huế như: Phối hợp thống kê và ban hành bộ sách “Nữ công thường thức”, hướng dẫn nấu các món ăn Huế… Ngoài ra, việc số hóa dữ liệu về các món ăn Huế cũng dần được hoàn thiện, qua đó giúp du khách có thể dễ dàng tra cứu trên nhiều nền tảng ứng dụng khác nhau.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số
Đó là vấn đề Bí thư Đoàn xã Hồng Kim (huyện A Lưới) Trần Mai Hiểu nêu lên tại buổi đối thoại và nhận được đông đảo sự quan tâm.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, Thừa Thiên Huế có hai huyện vùng cao A Lưới và Nam Đông với đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đây cũng là một lợi thế dưới góc nhìn du lịch khi mà tỉnh nhà có nền văn hóa đa dạng và độc đáo. Tuy nhiên, điều kiện phát triển văn hóa - du lịch tại vùng cao còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, các cấp chính quyền đã nỗ lực hỗ trợ người dân tại đây xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống. Đây cũng là cơ hội để người dân quan tâm hơn đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng.
Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục nỗ lực phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số thông qua việc hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa đặc trưng và xây dựng các sản phẩm du lịch. Hy vọng, những động thái tích cực trên sẽ góp phần nâng cao đời sống, tạo điều kiện để người dân vùng cao phát triển du lịch, dịch vụ thông qua bản sắc văn hóa độc đáo.
Phát huy vai trò của người trẻ
Về Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vục Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Bí thư Đoàn xã Phú Hồ (huyện Phú Vang) Dương Đức Quý mong muốn các cấp bộ Đoàn có định hướng cụ thể nhằm phát huy vai trò của ĐVTN.
|
|
Tour du lịch 0 đồng “Dạo bước Bao Vinh” hướng dẫn miễn phí cho du khách |
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hoài chia sẻ, thời gian qua, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã có nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa nhằm phát huy vai trò của ĐVTN trong việc xây dựng tỉnh nhà trở thành một trong những trung tâm về văn hóa, du lịch. Nổi bật trong số đó phải kể đến, như: Tour 0 đồng “Dạo bước bao vinh” do Đoàn phường Hương Vinh và sinh viên Khoa Quốc tế (Đại học Huế) triển khai; các sản phẩm quảng bá du lịch, hình ảnh về Huế trên nền tảng số do sinh viên Khoa Du lịch (Đại học Huế) thực hiện…
Thời gian tới, các cấp bộ Đoàn tiếp tục tập trung vào công tác giáo dục, khơi dậy niềm tự hào và yêu quê hương của ĐVTN. Từ đó, kêu gọi mỗi người trẻ là một đại sứ du lịch quảng bá cho Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, phong trào khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp từ những sản phẩm văn hóa sẽ được Đoàn Thanh niên đồng hành trợ lực thông qua việc hỗ trợ nguồn vốn, định hướng hoạt động.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng thông tin thêm, phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã, đang và sẽ được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. Đặc biệt với ĐVTN, con đường khởi nghiệp sẽ được chính quyền địa phương đồng hành trợ lực thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Tại buổi đối thoại, các ĐVTN còn mạnh dạn chia sẻ, đề xuất những ý kiến, nguyện vọng liên quan đến vấn đề tuổi trẻ tham gia xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hoá du lịch, góp phần quảng bá nét văn hoá đặc sắc của Cố đô Huế trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của ĐVTN. Thông qua buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các bạn trẻ tiếp tục duy trì, nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu quê hương thông qua những hoạt động đóng góp cho gia đình và cộng đồng.
Về phía các sở, ban, ngành, cần tiếp tục quan tâm đến các vấn đề được ĐVTN nêu lên tại buổi đối thoại. Từ đó, có những chỉ đạo cụ thể hơn góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Trong khuôn khổ hội nghị đối thoại còn diễn ra Lễ ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa UBND tỉnh và Ban chấp hành Đoàn TNCS HCM tỉnh giai đoạn 2023 -2027. Dịp này, 15 thanh niên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội cũng được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng.