ClockThứ Tư, 10/07/2013 05:21

“Cứu” lúa cho nhà nông

TTH - Tại Đồng bằng sông Cửu Long – một trong hai vựa lứa lớn nhất của cả nước, giá lúa đang giảm mạnh và hiện thương lái chỉ thu mua với giá 3.800 – 4000đồng/kg loại đã được phơi khô. Theo Cafef.vn (Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam) từ ngày 15/6, ngày thực hiện chương trình thu mua tạm trữ - cho đến nay, nông dân ĐBSCL vẫn như đang ngồi trên lửa khi giá lúa chỉ “tăng cho có”, lên được 50 – 100 đồng/kg rồi giậm chân tại chỗ. Nhiều thông tin khác cho hay cũng tại khu vực này, hơn 3kg lúa mới bằng giá 1kg ốc bươu vàng (15.000đ/kg), một loại sinh vật vốn từng được xem là rác sinh học.

Việc giá lúa rớt mạnh đã làm cho cuộc sống của người nông dân gặp rất khó khăn khi chi phí thực tế, bao gồm công cán, thuốc trừ sâu, phân bón đầu vụ nào cũng tăng từ 5% - 10%. Tại nhiều địa phương như ở Cần Thơ,Hậu Giang, Đồng Tháp,Vĩnh Long... đã xuất hiện tình trạng người dân treo biển ruộng, đất nông nghiệp để trả nợ do sản xuất không hiệu quả.

Không rộ lên như ở Đồng bằng sông Cửu Long về mọi phương diện, hiệu quả của việc triển khai cánh đồng mẫu lớn và việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp ở các vùng trồng lúa trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã được thấy rõ, song do sức tăng của chi phí sản xuất, sự sụt giảm về giá cả cũng như tác động của tình hình chung, hoạt động sản xuất nông nghiệp của chúng ta cũng gặp không ít khó khăn. Có thể là hiện tượng cá biệt, nhưng theo như ông Hoàng Văn Giải, Bí thư Huyện uỷ Phú Lộc thì đã có 90ha đất lúa ở vùng Chân Mây – Lăng Cô và Lộc Điền bị bỏ hoang.  Việc người nông dân bán lúa sau thu hoạch và mua gạo bao về ăn là chuyện đã diễn ra khi chất lượng hạt gạo không cao.
 
Theo công bố của Bộ Công thương tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đấy sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo và thuỷ sản vừa được tổ chức ngày 5/7 tại Cần Thơ thì đến hết tháng 6, xuất khẩu gạo của cả nước ước đạt gần 3,5 triệu tấn, giá FOB xuất khẩu bình quân là 431,45 USD/tấn, giảm 20,23 USD/tấn. Tổng lượng gạo tồn kho chờ xuất khẩu của doanh nghiệp còn gần 1,7 triệu tấn. Trả lời câu hỏi của Sài Gòn tiếp thị, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, trong vài năm trở lại, giá nông sản thế giới không ổn định mà biến động theo chiều hướng giảm dần và hiện đang trong tình trạng khủng hoảng thừa lương thực. Bên cạnh đó là một số nước từ chỗ nhập khẩu lương thực lại tập trung đầu tư sản xuất để giảm dần tỷ lệ nhập khẩu; một số nước khác như Campuchia, Myanmar lại có sản lượng ngày một tăng và giá bán vô cùng thấp đã dẫn đến sự cạnh tranh trên thị trường lúa gạo...
 
Rà soát lại quy hoạch sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp, đồng thời phải có thông tin về thị trường, cân đối cung cầu, dự báo cho các địa phương để có sự tái cơ cấu phù hợp, nghiên cứu thành lập thí điểm quỹ hỗ trợ sản xuất kinh doanh...là những vấn đề đã được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tại hội nghị này như những giải pháp quan trọng để “cứu” lúa không chỉ cho người nông dân, cho các vùng trồng lúa mà còn là vấn đề sống còn để bảo đảm an ninh lưong thực quốc gia.
 
Tại Thừa Thiên Huế, vấn đề được xác định là cần phải nghiên cứu và tăng chất lượng hạt gạo; tiến hành quy hoạch và xác định lại quy mô của các vùng sản xuất và chuyển đổi sản phẩm trên đất đổi với những vùng đất xấu để sản xuất nông nghiệp có chất lượng hơn...
Nhi Lê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ra quân xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường

Ngày 5/5, đồng loạt các địa phương ra quân triển khai Phong trào Ngày Chủ nhật xanh. Trong các hoạt động, đáng chú ý đó là nhiều lực lượng đã tập trung xử lý các điểm ô nhiễm tại các kênh, rạch, dòng sông.

Ra quân xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường

TIN MỚI

Return to top