ClockThứ Hai, 06/02/2023 14:11

Chỉ thị số 03: Góp sức trồng 1 tỷ cây xanh, vì một Việt Nam xanh

Để chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng, cả nước đã và đang chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025.

Trồng cây tạo nguồn gỗ quý để trùng tu di tíchCông an tỉnh phát động “Tết trồng cây Xuân Quý Mão 2023”Bộ CHQS tỉnh phát động tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”

Đoàn viên thanh niên lực lượng Công an tỉnh Ninh Thuận trồng cây tại Lễ phát động. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn, mặn đã gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản nhân dân.

Thực tiễn này đang đặt ra yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng quyết liệt hơn, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài.

Để chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng, cả nước đã và đang chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025.

Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện hiệu quả Tết trồng cây, kế hoạch trồng rừng, chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Việc trồng cây, tốn kém ít, lợi ích nhiều

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân." Đảng, Nhà nước đã có nhiều chương trình trồng, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Hàng triệu héc ta rừng, hàng trăm triệu cây xanh đã được trồng trên khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đóng góp tích cực vào việc giảm nhẹ thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Nhân Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Quý Mão 2023, tại Lễ phát động Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ ở Khu Di tích K9-Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Quốc phòng và thành phố Hà Nội tổ chức, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước, các cháu học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, người Việt Nam và các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam hãy hăng hái tham gia trồng cây ngay từ những ngày đầu Xuân và cả năm; vì một Việt Nam xanh, an toàn, phát triển bền vững.

Theo Thủ tướng, việc trồng cây không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học mà còn là một ngành kinh tế quan trọng, mang lại nguồn lợi to lớn cho nước ta ở hiện tại và tương lai. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nước chế biến và xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu thế giới, xuất khẩu sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá trị đạt trên 10 tỷ USD/năm. Do đó, việc thực hiện Chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững, Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu từ năm 1992. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 26 (COP26), Việt Nam cam kết thực hiện lộ trình đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Đây là hoạt động cấp quốc gia mở đầu cho lễ phát động đồng loạt Tết trồng cây trong cả nước nhằm triển khai thực hiện chương trình "Vì một Việt Nam xanh" trong năm 2023 với mục tiêu trồng mới 22,5 triệu cây xanh.

Tuyên Quang là tỉnh đi đầu cả nước về bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Diện tích đất lâm nghiệp chiếm 76% diện tích tự nhiên, trong đó diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chiếm 37,8%. Tỉnh thực hiện tốt quy hoạch phân 3 loại rừng; triển khai rất tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng; trồng mới trên 11 nghìn ha hằng năm; hình thành vùng rừng nguyên liệu với gần 200 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%; duy trì hệ sinh thái đa dạng, bền vững, góp phần quan trọng bảo tồn nguồn gen và tạo nguồn sinh thủy; chủ động phòng, chống một cách hiệu quả lụt bão, hạn hán, sạt lở… cho vùng trung du Bắc Bộ.

Tại thôn Trường Sơn, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, trong Lễ phát động thi đua và Tết trồng cây năm 2023 do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang tổ chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Quý Mão năm 2023 của tỉnh đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng nước Việt xanh tươi, phát triển bền vững.

Việc trồng cây xanh được triển khai thường xuyên, liên tục và rộng khắp, tạo thành phong trào ngày càng thực chất, hiệu quả trên nhiều địa phương trên cả nước. Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch, ban hành chỉ thị hoặc văn bản chỉ đạo tổ chức Tết trồng cây tại địa phương. Theo đó, các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ phát động trồng cây vào dịp đầu Xuân; còn các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ phát động trồng cây vào dịp sinh nhật Bác Hồ (19/5), phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương.

Năm 2022, Hưng Yên trồng được gần 17.600 cây, tại 70 tuyến đường, đạt 160% kế hoạch. Các huyện, thị xã, thành phố đã trồng vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, điển hình là huyện Ân Thi trồng hơn 4.500 cây, thị xã Mỹ Hào trồng hơn 1.900 cây, huyện Phù Cừ trồng được gần 1.500 cây. Đến nay, cây xanh trồng năm 2022 cơ bản đều sinh trưởng và phát triển tốt, tạo cảnh quan, bóng mát, góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.

Năm 2023, Hưng Yên có kế hoạch trồng 33.800 cây, tăng 192% so với năm 2022, trong đó tập trung trồng các loại cây chính, gồm ban Tây Bắc, bàng Đài Loan, kèn hồng, bằng lăng...

Tại xã Thạch Yên, huyện Cao Phong (Hòa Bình), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Quý Mão năm 2023. Tỉnh thời gian tới tăng cường quản lý bảo vệ và phát triển rừng, phấn đấu năm 2023 toàn tỉnh hoàn thành vượt mức kế hoạch trồng trên 5.500ha rừng tập trung, hơn 900.000 cây phân tán các loại, phấn đấu đưa tỉnh Hòa Bình trở thành một trong các tỉnh điển hình về sản xuất nông, lâm kết hợp hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Việc phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" vào mỗi dịp Xuân sang trở thành truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đất Tổ, góp phần làm đẹp cảnh quan, môi trường, đem lại hiệu quả lớn về kinh tế-xã hội. Định hướng phát triển của tỉnh Phú Thọ trong những năm tới xác định phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội; hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. Tỉnh Phú Thọ phấn đấu từ ngày 26/1-26/2, trồng mới 9.000ha rừng tập trung, 2 triệu cây phân tán; chăm sóc trên 29.000 ha rừng trồng, bảo vệ trên 37.000 ha rừng…

Hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh

Đến hết năm 2025, cả nước phấn đấu trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Đây là mục tiêu của Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Đề án, phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của mọi người dân, tránh thực hiện phô trương, hình thức; là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đề án nêu rõ nhiệm vụ là trồng thành công một tỷ cây xanh phù hợp với điều kiện sinh thái, quy hoạch và quỹ đất hiện có của từng địa phương, trong đó, trồng 690 triệu cây cây xanh phân tán (khu vực đô thị và nông thôn), bình quân trồng 138 triệu cây/năm.

Chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể; ưu tiên trồng cây bản địa, thân gỗ, đa mục đích, có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ cao, cây quý, hiếm, mang bản sắc văn hóa địa phương/vùng/miền.

Tại khu vực đô thị, cây xanh được trồng trên vỉa hè đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng, vườn nhà và các công trình công cộng khác.

Tại khu vực nông thôn, cây xanh được trồng trên đất vườn nhà, hành lang giao thông, ven sông, kênh, mương, bờ vùng, bờ thửa, nương rẫy; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng và các công trình công cộng khác; kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp và các mảnh đất nhỏ phân tán; các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đất bị suy thoái, sa mạc hóa, bãi thải khai thác khoáng sản và đất chưa sử dụng khác.

Cũng theo Đề án, trồng cây xanh trong rừng tập trung. Cụ thể, trồng 180.000ha rừng trồng tập trung, tương đương khoảng 310 triệu cây (bình quân trồng 36.000ha rừng/năm, tương đương 62 triệu cây/năm), gồm trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 30.000 ha, tương đương 70 triệu cây (bình quân 6.000 ha/năm, tương đương 14 triệu cây/năm); trồng mới rừng sản xuất 150.000 ha, tương đương 240 triệu cây (bình quân 30.000 ha/năm, tương đương 48 triệu cây/năm).

Đối với rừng đặc dụng, trồng các loài cây bản địa có phân bố tự nhiên trong hệ sinh thái của rừng đặc dụng đó; đối với rừng phòng hộ, trồng các loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt; đối với rừng sản xuất, trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom, kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày.

Về địa điểm trồng, với đất rừng phòng hộ, diện tích đất quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ, trong đó đặc biệt ưu tiên trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và trồng rừng phòng hộ vùng ven biển.

Với đất rừng đặc dụng, diện tích đất chưa có rừng, chưa đủ tiêu chí thành rừng trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ, hành chính của rừng đặc dụng là vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan; diện tích đất được quy hoạch trồng mới rừng sản xuất.

Năm 2021, mặc dù có nhiều diễn biến phức tạp về thiên tai, dịch COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống người dân; nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, nhưng thực hiện Chương trình "Trồng 1 tỷ cây xanh," cả nước đã trồng được 277.000ha rừng tập trung và gần 100 triệu cây phân tán (vượt 10% so với kế hoạch). Đến nay, độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng từ 28% vào năm 1990 lên trên 42% vào năm 2022; hấp thụ được trên 70 triệu tấn CO2.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để nâng cao chất lượng rừng, giai đoạn tới, cần rà soát, đánh giá diện tích đất lâm nghiệp và rừng để bố trí hài hòa các loại rừng; đánh giá, lựa chọn, lập danh mục cơ cấu loài và giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất cao, phù hợp với từng điều kiện lập địa, đáp ứng yêu cầu của thị trường để đưa vào trồng rừng; nghiên cứu chọn tạo giống mới, khảo nghiệm các giống cây trồng lâm nghiệp đã được công nhận theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu kinh doanh gỗ lớn và thúc đẩy hoạt động chuyển giao những giống mới vào sản xuất; nghiên cứu xây dựng kỹ thuật tối ưu về chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng cung cấp gỗ lớn, trồng lại rừng sau khai thác, trồng rừng mới theo hướng thâm canh...

Việc trồng cây không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học mà còn là một ngành kinh tế quan trọng, mang lại nguồn lợi to lớn cho Việt Nam ở hiện tại và tương lai.

Điều này, thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và suy giảm các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh.

Theo TTXVN/Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Động lực góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, Đảng ủy xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền) có nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhất là công tác huy động sức dân tham gia hưởng ứng các phong trào, hoạt động ở địa phương. Qua đó, phát huy được sức mạnh đoàn kết, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, xuất hiện nhiều điển hình trên các lĩnh vực.

Động lực góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp
Góp sức xây dựng quê hương

Trở về cuộc sống đời thường sau những tháng năm vào sinh ra tử, cống hiến sức trẻ, tuổi xuân cho độc lập dân tộc, các thế hệ cựu chiến binh (CCB) thị xã Hương Trà hôm nay không chỉ gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động phong trào của địa phương mà còn luôn kề vai, sát cánh trên mặt trận kinh tế.

Góp sức xây dựng quê hương
Góp sức để Festival Huế an toàn, mến khách

Những ngày này, lực lượng công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã và đang chủ động bám nắm địa bàn, triển khai các phương án để đảm bảo an toàn trước, trong và sau kỳ Festival Huế 2022.

Góp sức để Festival Huế an toàn, mến khách

TIN MỚI

cây giáng hương công trình chất lượng Cây phong linh Giống hoa vàng
Return to top