ClockThứ Tư, 06/07/2016 14:05

Chớ để mất bò mới lo...

TTH - Hơn cả lo lắng. Đó là điều có thể nhận thấy xung quanh thông tin hướng dẫn viên (HDV) người Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam cho khách Trung Quốc khi vào tham quan tại Việt Nam. Đây là một thực tế mới được chính các HDV tiếng Trung tại Đà Nẵng phản ảnh tại buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp với lãnh đạo thành phố này (có clip, hình ảnh, băng ghi âm kèm theo). Nguồn tin này cũng cho hay, HDV người Trung Quốc còn xuyên tạc lịch sử của Cố đô Huế khi giới thiệu với khách Trung Quốc là “Cố đô Huế giống kiến trúc TQ vì trước đây khu vực này là của Trung Hoa”. Bên cạnh đó còn là tình trạng không dùng tiền Việt Nam mà chỉ dùng đồng Nhân dân tệ khi mua hàng hóa...

Cũng theo phản ảnh trên thì các HDV người Trung Quốc đều là HDV “chui”. Trong khi đó, đi theo các đoàn có HDV người Việt nhưng họ chỉ là những bức bình phong, là “giải pháp tình thế” để đối phó với thanh tra chuyên ngành nếu có.

Mặc dù tiếng Trung (cùng với tiếng Anh và tiếng Pháp) được xếp vào ngoại ngữ thông dụng, song không thể nói rằng, tình trạng không đáp ứng được HDV tiếng Trung là do sự gia tăng khách Trung Quốc vào Việt Nam khi hơn 100 HDV tiếng Trung tại Đà Nẵng đã cùng nhau lên tiếng về tình trạng các đoàn khách từ Trung Quốc không yêu cầu và không sử dụng họ. Và cũng cần phải hiểu rằng, sự lên tiếng của các HDV tiếng Trung người Việt ở đây không chỉ vì họ bị cạnh tranh không lành mạnh mà còn bị cảm thấy xúc phạm trước sự lộng ngôn và bịa đặt, xúc phạm lịch sử của dân tộc. Câu hỏi đặt ra ở đây là việc quản lý các công ty lữ hành từ Trung Quốc, hoặc các công ty lữ hành đón khách từ Trung Quốc sang và các HDV người Trung Quốc, HDV tiếng Trung lâu nay đã được thực hiện như thế nào? Vấn nạn như đã đề cập ở trên đã phát xuất từ đâu và vì sao lại có những HDV người Việt chịu làm bình phong cho HDV Trung Quốc lộng ngôn tại các điểm du lịch thuộc lãnh thổ Việt Nam chỉ vì lệ phí được trả? Chế tài nào để xử lý các vấn nạn này?

Lâu nay, chúng ta vẫn nói nhiều về tình trạng thiếu hụt HDV ở một số ngoại ngữ không phổ biến dẫn đến độ vênh giữa cung và cầu, và từ đó dẫn đến tình trạng không quản lý được nội dung mà các HDV nước ngoài giới thiệu và hướng dẫn cho du khách của họ. Việc thiếu cán bộ am hiểu ngoại ngữ trong các sở văn hóa, thể thao và du lịch và các sở du lịch (mới tách) cũng là một thực trạng đã nhiều lần được đề cập, như một cách lý giải về nguyên nhân khách quan và chủ quan. Rõ ràng là đây là điều cần được chấn chỉnh trên cơ sở có kế hoạch đào tạo một cách bài bản hơn, nhưng điều cơ bản là trong lĩnh vực này, việc quản lý cũng chưa đạt được tính kỷ cương  như yêu cầu đã đặt ra. Và như vậy, việc đối phó với tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” sẽ còn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ và không đi được đến cùng của vấn đề là quản lý và chế tài đủ mạnh để lập lại trật tự trên lĩnh vực hoạt động này.

Ngày 2/7 mới đây, Tổng Cục Du lịch đã có công văn yêu cầu sở du lịch, sở VH-TT-DL các tỉnh, thành tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh lữ hành và hoạt động hướng dẫn du lịch. Yêu cầu các DN kinh doanh lữ hành quốc tế phải sử dụng HDV du lịch quốc tế. Trên cơ sở đó, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các lao động nước ngoài hành nghề trái phép trên địa bàn để báo cáo Tổng cục Du lịch thu hồi giấy phép kinh doanh cũng như thu hồi thẻ HDV du lịch đối với các trường hợp vi phạm một trong những nội dung quy định của Luật Du lịch...

Nguyễn An Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Có đáng để câu view?

Có lẽ, chuyện sẽ chẳng đáng để ồn ào đến vậy, nếu hướng dẫn viên ấy nói bên lề về một giai thoại.

Có đáng để câu view
Hai mặt của du lịch công nghệ số

Trong suốt hành trình từ Tokyo bay qua thành phố Montreal, Canada những ngày vừa qua, sự thay đổi của ngành hàng không, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển công cộng làm tôi choáng ngợp… Nếu chúng ta đang làm du lịch, hãy chấp nhận và nhanh chóng hòa nhập với sự thay đổi này… Đó là thời đại của công nghệ số.

Hai mặt của du lịch công nghệ số
Return to top