ClockThứ Hai, 08/04/2013 06:08

Chủ động phòng dịch

TTH - Thông tin về dịch cúm H7N9 bùng phát ở Trung Quốc làm tử vong 6 người; phát hiện virus cúm gia cầm H7N9 ở các mẫu phẩm chim bồ câu lấy từ một khu chợ bán nông sản tại Thượng Hải; việc buôn lậu gia cầm qua biên giới ở phía Bắc diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi... đã gây lo ngại cho các cơ quan chức năng nói riêng và người dân nước ta nói chung.

Những năm gần đây, đại dịch cúm như cơn gió độc. Hết cúm A H1N1 ở lợn, H5N1 ở gia cầm, nay lại xuất hiện cúm H7N9 với mức độ nguy hiểm hơn và hiện vẫn chưa có vắc-xin điều trị. Dịch cúm không chỉ gây cái chết cho nhiều người, mà còn làm người chăn nuôi lao đao, người tiêu dùng khốn khó, gây xáo trộn cuộc sống của hàng tỷ người trên trái đất. Ông bà ta xưa nay vẫn dạy, đừng để nước đến chân mới nhảy. Đối với dịch bệnh cũng vậy, ngăn ngừa dịch bệnh vẫn dễ hơn, hiệu quả hơn, ít tốn kém hơn khi dập dịch.

Trước diễn biến phức tạp của cúm H7N9, nước ta đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống nhằm giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời ổ dịch cúm trên gia cầm tại các địa phương; đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Tuy nhiên, để phòng dịch hiệu quả, vấn đề có ý nghĩa quyết định vẫn là ý thức phòng dịch của các cấp chính quyền và người dân. Thực tế ở nước ta, chính quyền một số địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc; người dân thì chủ quan cho rằng, dịch ở nước khác, tỉnh khác chẳng liên quan gì đến mình; hoặc chưa có dịch chẳng việc gì phải tiêm phòng cho tốn kém. Một số nơi khi mới phát hiện dịch bệnh, người dân sợ ảnh hưởng đến việc chăn nuôi, tranh thủ bán tháo gia súc, gia cầm; chính quyền sợ trách nhiệm… nên họ cố tình giấu nhẹm thông tin, không công bố dịch theo quy định về thú y. Chưa hết, một số người dân chưa thực hiện đúng quy định và hướng dẫn về tiêu hủy bắt buộc đối với gia súc, gia cầm mắc bệnh; thậm chí vứt bừa bãi xác gia súc, gia cầm xuống các dòng sông. Với cách suy nghĩ lệch lạc và hành xử ích kỷ đó, dịch bệnh càng có cơ hội bùng phát, lây lan nhanh… Chuyện hàng nghìn con heo chết, hàng chục nghìn gia cầm bị bệnh vứt bừa bãi xuống các dòng sông ở Trung Quốc trước khi dịch cúm H7N9 xuất hiện là một bài học.

Ở tỉnh ta, tuy chưa phát hiện bệnh ở gia súc, gia cầm, nhưng hiện đang là thời điểm giao mùa, rất thuận lợi cho dịch bệnh xuất hiện, lây lan. Hơn lúc nào hết, công tác tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm phải cần được tăng cường. Cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cấp trong phòng, chống dịch xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ra quân xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường

Ngày 5/5, đồng loạt các địa phương ra quân triển khai Phong trào Ngày Chủ nhật xanh. Trong các hoạt động, đáng chú ý đó là nhiều lực lượng đã tập trung xử lý các điểm ô nhiễm tại các kênh, rạch, dòng sông.

Ra quân xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường
Return to top