Đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu trước Quốc hội sáng 25/10
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải hoàn toàn thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi, bổ sung BLTTHS và thực hiện theo quy trình thủ tục rút gọn, đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật một cách thống nhất, đồng bộ; bảo đảm thực hiện các cam kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; đồng bộ với Luật Công an nhân dân (CAND) năm 2018 và những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Về các điều khoản của Bộ luật, đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 là phù hợp với quy định của Luật CAND năm 2018. Hiện nay, Bộ Công an đã tổ chức triển khai thực hiện Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã đến tất cả các địa bàn cấp xã. Theo đó, công an xã chính quy hiện nay được dự thảo Luật bổ sung thêm trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ nguồn tin về tội phạm như đối với công an phường, thị trấn, đồn công an. Việc giao thêm trách nhiệm là phù hợp với trình độ, năng lực và để phát huy nguồn lực của lực lượng công an xã hiện nay. Đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục những khó khăn do tình hình diễn biễn phức tạp của dịch bệnh COVID-19, kịp thời xử lý các vụ việc tại địa bàn cơ sở ngay khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Tuy nhiên, theo đại biểu, khi sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 BLTTHS thì Điều 44 Luật tổ chức cơ quan Điều tra hình sự năm 2015 không quy định Công an xã có trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm. Vì vậy, phải sửa đổi, bổ sung Điều 44 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự nhằm bảo đảm sự thống nhất với nội dung sửa đổi tại khoản 3 Điều 146 BLTTHS về trách nhiệm của Công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm trong lần này. Đồng thời, bổ sung về kiểm sát việc tiếp nhận, trực tiếp kiểm sát, kiểm sát việc kiểm tra xác minh và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm của công an xã và đồn công an. Vì đa số tin báo tội phạm đều do lực lượng này tiếp nhận và xác minh ban đầu.
Đối với lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh tại các khoản 2, 5, 6 Điều 1 của dự án Luật, đại biểu nhất trí việc bổ sung một số điểm để làm căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; tạm đình chỉ điều tra, truy tố để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng gây ra.
Tuy nhiên, việc sửa đổi để tạm đình chỉ đối với Điều 229, Điều 247 trong giai đoạn điều tra, truy tố khi có thiên tai, dịch bệnh đối với các vụ án ít nghiêm trọng; nghiêm trọng là phù hợp, cần thiết. Còn việc tạm đình chỉ điều tra, truy tố đối với những vụ án phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà bị can có nhân thân xấu; người nước ngoài không rõ lai lịch, quốc tịch đang bị tạm giam mà việc tạm đình chỉ điều tra, truy tố sẽ dẫn đến phải hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với các đối tượng này sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự (bị can có thể tiếp tục phạm tội mới; trả thù người làm chứng, người bị hại hoặc bỏ trốn…) nên cần có quy định, hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp này vào trong Thông tư liên tịch quy định chi tiết về tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”.
Tại khoản 3 và khoản 4 Điều 1 của dự án Luật, xuất phát từ mục đích xây dựng dự án Luật là bảo đảm cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tại điểm g khoản 6 Điều 18.77 Hiệp định CPTPP quy định, cho phép khởi tố vụ án hình sự không theo yêu cầu bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu, không quy định đối với chỉ dẫn địa lý. Dự án Luật sửa đổi lần này áp dụng đối với cả hành vi xâm phạm về chỉ dẫn địa lý. Đại biểu hoàn toàn thống nhất với quy định này...
Thái Bình (ghi)