ClockThứ Bảy, 27/04/2019 08:18

Đại tướng Lê Đức Anh với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Đại tướng Lê Đức Anh (1920 - 2019) là một trong những vị tướng lĩnh tài năng, nhà lãnh đạo quốc gia dày dạn kinh nghiệm, tầm cỡ, có nhiều cống hiến quan trọng cho sự nghiệp cách mạng dân tộc.

Nguyện vọng của gia đình tổ chức quốc tang cho đại tướng Lê Đức Anh giản dịNhững kỷ niệm sâu nặng với Đại tướng Lê Đức AnhNhớ Đại tướng Lê Đức Anh“Người lính già đầu bạc” ấy chưa bao giờ rời xa đội ngũĐồng chí Lê Đức Anh - Vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắcÔng Phạm Văn Trà nhớ những ngày “nếm mật nằm gai” cùng Đại tướng Lê Đức Anh

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh, trong đó Trung tướng Lê Đức Anh là Phó Tư lệnh cùng với các đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Đinh Đức Thiện và Trung tướng Lê Trọng Tấn. Trong Chiến dịch này, Trung tướng Lê Đức Anh chỉ huy cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam Sài Gòn (đoàn 232), một trong năm cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Ảnh: TTXVN

Sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống yêu nước (Thừa Thiên-Huế), đồng chí Lê Đức Anh sớm giác ngộ và tham gia đấu tranh cách mạng từ năm 1937, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1938. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đồng chí lần lượt giữ nhiều chức vụ chỉ huy quan trọng trên chiến trường miền Nam (chính trị viên tiểu đoàn, trung đoàn, Tham mưu trưởng các khu 7, 8 và Đặc khu Sài Gòn - Gia Định)...

Sau Hiệp định Geneve (7/1954), đồng chí Lê Đức Anh (lúc đó đang là Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam Bộ) tập kết ra miền Bắc. Trước khi lên đường, thực hiện sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ lường định về cuộc chiến tranh có thể nổ ra, đồng chí Lê Đức Anh trực tiếp chỉ đạo các đơn vị thực hiện chôn giấu một số loại vũ khí tốt cùng máy móc công binh xưởng. Những vũ khí, máy móc này về sau trở thành những trang bị đầu tiên rất có giá trị của Quân giải phóng.

Thời gian đầu ra miền Bắc (1954 - 1964), đồng chí Lê Đức Anh được Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy (sau gọi là Quân ủy Trung ương) phong quân hàm Đại tá (1958), bổ nhiệm giữ lần lượt các chức vụ khác nhau: Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh 330, Cục phó Cục Tác chiến, Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Dù trên cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng quân đội ngày càng vững mạnh. Đặc biệt, đồng chí Lê Đức Anh trực tiếp tham gia chỉ đạo việc tuyển chọn lực lượng đầu tiên làm nhiệm vụ mở tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên bộ, trên biển từ Bắc vào Nam, đồng thời cùng cơ quan Bộ Tổng Tham mưu tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ (chủ yếu là con em miền Nam tập kết) tích cực huấn luyện, rèn luyện, chuẩn bị sẵn sàng về Nam chiến đấu.

Đầu năm 1964, khi chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đang đạt đỉnh cao, trước yêu cầu tăng cường công tác chỉ huy trong tình hình mới, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương ra quyết định điều động đồng chí Lê Đức Anh vào chiến trường miền Nam, giữ chức Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền (Quân giải phóng miền Nam). Đây được xem là cơ quan tiền phương của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh ở chiến trường trọng điểm Nam Bộ (B2); chịu sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục miền Nam; có nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động quân sự, các lực lượng vũ trang trên các chiến trường Khu 6, 7, 8, 9 và Sài Gòn - Gia Định.

Trên cương vị công tác mới, do thấm nhuần đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, cùng với kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm gắn bó với chiến trường miền Nam, đồng chí Lê Đức Anh chủ động đề xuất với Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền một số chủ trương, biện pháp quan trọng: Một là, mở rộng vùng giải phóng miền Đông Nam Bộ ra phía Đông (khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu) nhằm tận dụng khai thác nhân lực, vật lực, tiếp nhận sự chi viện vật chất bằng đường Hồ Chí Minh trên biển từ miền Bắc; hai là, tập trung xây dựng lực lượng tại chỗ, cả bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, lực lượng vũ trang nội đô (biệt động thành), đẩy mạnh tác chiến hỗ trợ tích cực phong trào đấu tranh chính trị đô thị; ba là, tăng cường huấn luyện cho bộ đội, nhất là các chiến thuật phục kích, tập kích, đánh địch cả trong và ngoài công sự, tập trung lực lượng sẵn sàng chủ động mở những chiến dịch tiến công có hiệu suất tiêu diệt cao.

Những đề xuất trên được cơ quan chỉ đạo chiến lược thông qua, ra nghị quyết thực hiện. Trên cơ sở đó, mùa khô 1964 - 1965, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đã lãnh đạo quân dân Nam Bộ mở đợt hoạt động tiến công rộng lớn, trong đó có những chiến dịch giành thắng lợi lớn, như: Chiến dịch Bình Giã (2/12/1964 - 3/1/1965), chiến dịch Đồng Xoài (10/5 - 22/7/1965), góp phần cùng toàn miền đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Đầu năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh, quân một số nước đồng minh cùng nhiều loại phương tiện, trang bị vũ khí hiện đại vào trực tiếp tham chiến tại miền Nam, đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc Việt Nam, chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Quân viễn chinh Mỹ có mặt tại miền Nam không ngừng tăng lên: 81.000 (1965), 376.000 (1966), 480.000 (1967) và đạt 543.000 (1968). Dựa vào ưu thế về quân đông, hỏa lực mạnh, sức cơ động nhanh, Mỹ - chính quyền Sài Gòn liên tiếp mở những cuộc phản công chiến lược trong hai mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 trên khắp chiến trường miền Nam, trọng điểm vào miền Đông Nam Bộ, nhằm “chụp bắt” các cơ quan chỉ đạo chiến lược cách mạng.

Ngay từ những ngày đầu quân Mỹ vào miền Nam, đồng chí Lê Đức Anh cùng Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đã họp và sớm nhận định: Địch sẽ tổ chức các cuộc hành quân “tìm diệt” quy mô lớn để tiêu diệt cơ quan đầu não và chủ lực Quân giải phóng. Do vậy, ta cần phải di chuyển cơ quan và chủ động lập kế hoạch đối phó. Theo đó, bộ đội chủ lực sẽ bố trí ở vòng ngoài, khi xuất hiện thời cơ thì tổ chức đánh tập kích. Lực lượng tại chỗ sẽ phối hợp đánh địch bằng một phương thức mới là “bám trụ và bung ra đánh”. Trong hoàn cảnh trên địa bàn tác chiến thưa dân (hoặc không có dân) thì lấy cán bộ, nhân viên ở các cơ quan tổ chức thành nhiều đội du kích xã, ấp để chiến đấu. Bộ Chỉ huy Miền giao đồng chí Lê Đức Anh trực tiếp chỉ huy đánh địch tại chỗ. Sau khi rà soát lực lượng, nghiên cứu địa bàn, nắm bắt ý đồ chiến lược của phía Mỹ, đồng chí Lê Đức Anh trực tiếp giao nhiệm vụ cho các cán bộ đầu ngành của các cơ quan Bộ Chỉ huy Miền và Trung ương Cục. Mỗi ngành tổ chức thành một “huyện đội" (hành chính) do đồng chí chủ nhiệm ngành làm “huyện đội trưởng”, triển khai đứng chân và xây dựng trận địa chiến đấu trong một địa bàn huyện với các “xã chiến đấu”, “ấp chiến đấu” có chiều sâu và chiều rộng phòng ngự liên hoàn.

Nhờ triển khai thế trận đó, ta đã lần lượt đánh bại những cuộc hành quân tìm diệt quy mô lớn của địch, trong đó lớn nhất là cuộc hành quân Junction City đầu năm 1967 có 45.000 quân tham gia. Đây chính là một nét độc đáo về nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, được đồng chí Lê Đức Anh tổ chức thực hiện rất thành công, sau được áp dụng rộng rãi trên các chiến trường.

Cuối năm 1967, đầu năm 1968, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến nhanh chóng theo hướng ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho Mỹ, Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam, trọng điểm nhằm vào các đô thị nhằm buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán rút quân về nước, tạo bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy bắt đầu diễn ra vào dịp Tết Mậu Thân 1968, chia làm 3 đợt (30/1 - 25/2; 4/5 - 18/6; 17/8 - 23/9). Quân và dân miền Nam bất ngờ, đồng loạt tiến công, nổi dậy ở 4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm quận lị, thị trấn; tập trung đánh vào nội thành và các cơ quan đầu não địch (dinh Độc Lập, tòa đại sứ Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tổng nha Cảnh sát, Đài phát thanh Sài Gòn...), các căn cứ hậu cần, sân bay, bến cảng lớn, nhiều sở chỉ huy cấp quân khu, quân đoàn, sư đoàn của địch. Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng đề ra, đồng chí Lê Đức Anh vừa cùng Bộ Chỉ huy Miền xây dựng kế hoạch, chỉ đạo chiến trường, vừa trực tiếp chỉ huy bộ đội ở hướng Tây Sài Gòn, từ Long An đánh vào Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát đô thành, có mũi đánh thọc sâu vào áp sát Quận 6, gần tới Phú Lâm, phối hợp chặt chẽ với các hướng tiến công khác trên toàn miền.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã đánh sập ý chí xâm lược, buộc phía Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Đó là bước ngoặt lớn của chiến tranh. Tuy nhiên, do mắc một số sai lầm, khuyết điểm (chủ quan đánh giá tình hình địch-ta; tư tưởng chỉ đạo nóng vội; chậm nắm bắt diễn biến, chỉ đạo thiếu kiên quyết, chưa kịp thời,...), nên cách mạng miền Nam cũng chịu tổn thất to lớn. Địch tổ chức nhiều cuộc phản công, càn quét đánh phá dữ dội. Quân giải phóng dần bị đẩy lùi ra khỏi thành phố và ven đô. Nhiều vùng nông thôn của ta trước đây bị địch chiếm lại.

Từ năm 1969, Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, chủ trương rút dần quân viễn chinh về nước, đồng thời phát triển lực lượng quân đội Sài Gòn để gánh vác chiến tranh, thực chất là thực hiện chính sách “dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam”. Biện pháp cơ bản của địch là: Thỏa hiệp với một số nước lớn xã hội chủ nghĩa nhằm cô lập cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam; tiến công đánh phá tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn của ta; đẩy mạnh chương trình “bình định” nhằm chiếm đất, giành dân với cách mạng, trọng điểm là địa bàn Quân khu 9 (Tây Nam Bộ).

Đầu năm 1969, đồng chí Lê Đức Anh được điều động giữ chức Tư lệnh Quân khu 9. Đây thực sự là một thử thách rất to lớn, bởi lúc này, địch đã bình định, lấn chiếm gần hết vùng giải phóng, chỉ còn lại căn cứ U Minh và Cà Mau. Lực lượng chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương tổn thất nặng, mất sức chiến đấu. Chính trong hoàn cảnh lịch sử ngặt nghèo đó, đồng chí Lê Đức Anh cùng Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức nhiều cuộc họp tìm cách tháo gỡ, cuối cùng đi đến thống nhất: Sử dụng tất cả lực lượng hiện có kiên trì bám trụ, tiêu hao, tiêu diệt quân địch, ngăn chặn từng bước và đánh bại âm mưu bình định lấn chiếm của chúng, kiên quyết bảo vệ vùng giải phóng còn lại; trên cơ sở đó tạo điều kiện để khôi phục vùng địch mới lấn chiếm; chuẩn bị những điều kiện cơ bản để giành lại địa bàn đông dân nhiều của ở phía trước.

Thực hiện chủ trương mới đề ra, Bộ Tư lệnh Quân khu yêu cầu: Các lực lượng vũ trang phải tích cực bám dân, sống trong dân, làm chỗ dựa cho dân, cùng với dân hình thành lực lượng tổng hợp đánh địch. Bộ đội chủ lực phối hợp chặt chẽ bộ đội địa phương và dân quân du kích khắc phục khó khăn thường xuyên tổ chức tiến công địch; xây dựng, phát triển lực lượng, nhất là củng cố xây dựng bộ đội chủ lực tạo điều kiện thực hành phản công, phá thế tiến công của địch. Nhờ những chủ trương, biện pháp đúng đắn đó, quân dân Khu 9 liên tiếp đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét bình định quy mô lớn của địch, giữ vững căn cứ U Minh, Cà Mau (1969-1970), từng bước đưa phong trào cách mạng trên địa bàn Quân khu lên bước phát triển mới trong những năm 1971-1972.

Do chịu thất bại liên tiếp trên khắp các chiến trường, đồng thời phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân trong nước và thế giới dâng cao mạnh mẽ, ngày 27/1/1973, chính phủ Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, Mỹ vẫn viện trợ kinh tế, quân sự cho chính quyền, quân đội Sài Gòn hòng tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh tại miền Nam. Chúng huy động hầu như toàn bộ lực lượng mở những chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, bình định lấn chiếm vùng giải phóng.

Về phía ta, trong thời gian đầu, do nhấn mạnh đến hòa bình, hòa hợp; chưa thấy hết âm mưu và hành động của địch; buông tư tưởng chiến lược tiến công nên một số địa phương ta mất đất, mất dân. Riêng tại Quân khu 9, do đánh giá đúng âm mưu, hành động của địch, đồng thời bám sát yêu cầu thực tiễn chiến trường, đồng chí Lê Đức Anh cùng Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chủ trương: Giữ vững tư tưởng cách mạng tiến công, kiên quyết đánh bại kế hoạch bình định, buộc địch phải thực hiện Hiệp định Paris. Phương châm trước mắt cần thực hiện là “đấu tranh quân sự và chính trị kết hợp với pháp lý của Hiệp định”, tư tưởng chỉ đạo cơ bản vẫn là “tiến công địch để giành dân, giành quyền làm chủ; giành dân, giành quyền làm chủ để tiến công địch”.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh chủ trương, biện pháp của Quân khu 9 là hoàn toàn đúng đắn. Chiến thắng tiêu biểu nhất là ta đã đánh bại cuộc hành quân bình định lấn chiếm của 75 lượt tiểu đoàn địch tại khu vực Chương Thiện (Hậu Giang) trong năm 1973. Với chiến thắng Chương Thiện, ta đã giữ vững địa bàn trọng điểm, tạo được thế và lực mới, xây dựng và củng cố lực lượng về mọi mặt, rút ra những bài học kinh nghiệm tốt cho các chiến trường bạn, đồng thời làm cơ sở lý luận và thực tiễn để Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 (7/1973) khẳng định: Bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi cơ bản của cách mạng Việt Nam cũng là con đường bạo lực, do đó phải nắm vững chiến lược tiến công, kiên quyết đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, nhằm tiến lên thực hành phản công để giành toàn thắng.

Sang năm 1974, cục diện chiến trường miền Nam có sự chuyển biến nhanh chóng, cách mạng phát huy quyền chủ động mở những đợt hoạt động rộng khắp, đẩy quân đội Sài Gòn ngày càng lún sâu vào thế bị động. Đồng chí Lê Đức Anh được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương điều động về giữ chức Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền, phụ trách công tác lập kế hoạch tác chiến và được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Theo đề xuất của đồng chí Lê Đức Anh, các đơn vị chủ lực của Miền cần huấn luyện theo hướng mới, tập trung vào khả năng đánh công kiên, lấy chi khu quân sự Đồng Xoài của địch làm mục tiêu, đối tượng để luyện tập theo cả ba cấp: Đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn. Nhờ luyện tập thuần thục chiến thuật này (trong vòng 3 tháng), nên trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long (13/12/1974 - 6/1/1975), ta đã nhanh chóng đánh chiếm các chi khu Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Xoài... giành thắng lợi. Đây là đòn trinh sát có ý nghĩa chiến lược, vừa cho thấy sự suy yếu của quân đội Sài Gòn, khả năng can thiệp rất hạn chế của Mỹ, đồng thời tạo thêm cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đầu năm 1975, chớp thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên (4/3 - 3/4/1975), tiếp theo là chiến dịch Trị Thiên - Huế (5 - 26/3/1975), chiến dịch Đà Nẵng (26 - 29/3/1975) và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26 - 30/4/1975). Trong đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, đồng chí Lê Đức Anh được cử giữ chức Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh cánh quân Tây - Tây Nam, Chỉ huy Đoàn 232 (tương đương cấp quân đoàn) tiến công vào Sài Gòn.

Vào hồi 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, cũng chính là thời khắc báo hiệu sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm, đồng thời kết thúc vẻ vang chặng đường 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975). Sau năm 1975, đồng chí Lê Đức Anh tiếp tục giữ nhiều cương vị, trọng trách khác nhau trong Quân đội, được phong quân hàm Thượng tướng (1980), Đại tướng (1984) và trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Nhiều thập kỉ đã trôi qua, song những đóng góp của Đại tướng Lê Đức Anh đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) sẽ mãi được lịch sử ghi nhận. Dù trên cương vị chỉ huy nào, Đại tướng cũng thể hiện được tầm nhìn sâu rộng, tư duy sắc sảo, thể hiện bản lĩnh quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm, xứng đáng được vinh danh là một trong những vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỷ niệm 113 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2024)
Mảnh đất hun đúc ý chí ra đi tìm đường cứu nước của Người

Thừa Thiên Huế vinh dự và tự hào là mảnh đất đã có những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình Người sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước trong khoảng gần 10 năm, trải qua hai giai đoạn (1895 - 1901) và (1906 - 1909).

Mảnh đất hun đúc ý chí ra đi tìm đường cứu nước của Người
Dâng hương tại Nhà Văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh

Sáng 24/7, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây, Đoàn Thanh niên xã Lộc Vĩnh và Trường THPT Thừa Lưu (huyện Phú Lộc) đến thăm và dâng hương tại Nhà Văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Dâng hương tại Nhà Văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh
KỶ NIỆM 112 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (5/6/1911 – 5/6/2023)
Nguyễn Ái Quốc với chí sĩ Phan Chu Trinh trên bước đường cứu nước

Lâu nay, giới học giả và báo chí nói rất nhiều về mối quan hệ giữa chí sĩ Phan Chu Trinh với nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc trong thời gian Người tìm đường cứu nước, đặc biệt là thời gian ở Pháp. Vậy, mối quan hệ đó như thế nào, bắt nguồn từ đâu và chí sĩ Phan Chu Trinh đã giúp đỡ những gì cho Nguyễn Ái Quốc…?

Nguyễn Ái Quốc với chí sĩ Phan Chu Trinh trên bước đường cứu nước
Niềm tự hào của quê hương Thừa Thiên Huế

Nhân kỷ niệm 3 năm ngày mất Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh (22/4/2019 - 22/4/2022), Nhà xuất bản Thuận Hóa tổ chức biên soạn và ấn hành cuốn “Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh niềm tự hào quê hương Thừa Thiên Huế”.

Niềm tự hào của quê hương Thừa Thiên Huế
Return to top