ClockThứ Năm, 23/04/2020 10:32

Di dân Khu vực 1 Kinh thành Huế: Lịch sử và nghĩa tình - kỳ 2: Để Thượng thành trở về với vai trò di sản

TTH.VN - Việc giải tỏa, di dời, trả lại đất cho Kinh thành Huế được tiến hành một cách cẩn trọng. Giấc mơ trả Thượng Thành trở về đúng nghĩa vai trò di sản không thể tách rời trong Quần thể Di tích Cố đô Huế không còn xa.
 

 
 

 
 

“Đây là thời cơ vàng để di dời dân cư ở khu Thượng Thành, Eo Bầu cũng như một số di tích bên trong Thành nội. Nếu làm được sẽ góp phần rất lớn cả ba mặt” – nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh khẳng định.

Ba mặt, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, thứ nhất là khôi phục được giá trị di tích của Kinh thành Huế. Thứ hai, góp phần hình thành khu dân cư mới, tạo sinh kế cho hàng ngàn người dân. Cuối cùng, dự án giúp chỉnh trang lại không gian đô thị Huế ở khu vực nội thành.

 

 

“Người dân di dời, bàn giao đất tới đâu thì phải bắt tay ngay vào việc điều tra lại thực trạng, từ các bậc thang, đến các pháo đài, pháo xưởng… Hình thành ngay dự án hoặc từng tiểu dự án. Giải tỏa đến đâu phải chỉnh trang ngay đến đó, đừng để tình trạng hoang hóa, nhếch nhác”, ông Hoa nhấn mạnh.

 

 

Phân viện Trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế - TS. Trần Đình Hằng cũng cho rằng, Thượng Thành – Eo Bầu sau khi di dân sẽ để lại một mặt bằng rộng, lại ngổn ngang những hầm vệ sinh, bê tông dãi hạ, thì việc dọn sạch và “xanh hóa” khu vực này là cấp thiết, ưu tiên hàng đầu. Tiếp đến, kế hoạch tiếp nhận, phương án trùng tu, phục hồi di tích và cảnh quan gắn liền với những tường thành, ụ pháo hay điểm canh, cổng thành... là chiến lược dài hơi.

 

Về phương án phục hồi, theo TS. Trần Đình Hằng, cần thông qua việc trùng tu thí điểm những công trình quan trọng, gắn liền với những không gian cụ thể để rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng mô hình và phương thức trùng tu, tôn tạo.

“Giữ truyền thống và thổi hồn cho di sản sẽ giúp tiếp tục đem lại sức sống đặc trưng cho khu vực Thượng Thành, vốn là cấu phần quan trọng của Kinh thành Huế”, TS. Hằng nêu quan điểm cho rằng đã đến lúc cần phải thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc nghiên cứu, trùng tu và phát huy giá trị di tích gắn liền du lịch trong vai trò là xây dựng những không gian, những điểm đến đặc hữu Huế.

 

 

TS. Hằng hiến kế,  Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - UBND TP. Huế -các doanh nghiệp sẽ là “tam giác vàng” gắn kết mọi nguồn lực để biến di sản Thượng Thành thành những không gian,  điểm đến đích thực hấp dẫn.  

“Trong quy hoạch tổng thể Thượng Thành, có những phân khúc cụ thể để tái hiện những dấu ấn lịch sử và trước mắt, tái tạo cảnh quan, đặc biệt là thảm cây xanh, hoa và rau quả, những lối đi thuần “sinh thái” dành cho xe điện, xe đạp, người đi bộ... sẽ là những hình ảnh đặc chất Huế, làm tiền đề cho việc tái tạo những công trình cụ thể đặc trưng – TS. Hằng đặt vấn đề – Một khi làm được điều đó, Thượng Thành sẽ trở thành một bảo tàng sống, một điểm đến có một không hai, hấp dẫn người Huế và níu chân du khách khi đến Huế”.

 

Ở góc độ đơn vị tiếp nhận mặt bằng Khu vực 1 Kinh thành Huế sau khi giải tỏa dân cư, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định, sẽ tổ chức phương án quản lý, bảo vệ để tránh tuyệt đối tình trạng tái lấn chiếm, đồng thời tổ chức nghiên cứu, lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị toàn bộ di tích Kinh thành Huế làm cơ sở để đề xuất triển khai thực hiện các dự án thành phần sau khi được phê duyệt.

 

 

Tuy nhiên, theo ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, sẽ gặp một vài khó khăn sau khi tiếp nhận mặt bằng bởi ít nhiều công trình đã bị hư hỏng do tác động dân sinh trong nhiều năm lên di tích. Quy mô công trình lớn, trải dài gần 12km, đồng nghĩa đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Bên cạnh đó, vật liệu phục vụ trùng tu ngày càng khan hiếm như gạch vồ nung thủ công, đá gan gà… trong khi một số ngành nghề phục hồi chưa được chuẩn hóa.  

Một khó khăn khác, hồ sơ dữ liệu công trình để nghiên cứu không còn đầy đủ, chủ yếu là dựa vào hiện trạng và kết quả thám sát, khảo cổ công trình. Giải pháp tu bổ, gia cố phải đảm bảo đồng bộ, đặc biệt  với các đoạn kè cần  tu bổ phục hồi lại hoàn toàn. “Quá trình trùng tu, phục hồi, sẽ ưu tiên những hạng mục hư hỏng nặng trước rồi đến những hạng mục có khả năng phát huy giá trị, phục vụ du lịch, chỉnh trang cảnh quan đô thị”, ông Nhật phân tích.

 

 

Bài toán đặt ra cho Kinh thành Huế sau giải tỏa dân cư là di sản sẽ được phục hồi, “thổi hồn” như thế nào để tạo sức sống riêng, hấp dẫn du khách, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, gắn bảo tồn với phát huy giá trị.

 

 

Trả lời câu hỏi về phương án khai thác hiệu quả trong tương lai khi đề án di dân khu vực I Kinh thành Huế hoàn thành, người đứng đầu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng, đây là việc lớn, đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu đánh giá cụ thể. Phải xây dựng nhiều phương án tổ chức khai thác, kiến tạo thêm nhiều sản phẩm phục vụ khách tham quan du lịch, phải tổ chức nhiều hội thảo để tiếp thu ý kiến các cơ quan đơn vị quản lý, các tổ chức cá nhân, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu… để tạo sự đồng thuận cao trong việc lựa chọn phương án khả thi để tổ chức thực hiện.

“Theo tôi, cho dù là thực hiện theo phương án nào thì cũng phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kêu gọi hợp tác đầu tư để đảm bảo tính hiệu quả và cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ giá trị di sản được bền lâu”, ông Võ Lê Nhật bày tỏ.

 

>> Di dân Khu vực 1 Kinh thành Huế: Lịch sử và nghĩa tình - kỳ 1: Trả lại đất cho di sản

Nội dung: PHAN THÀNH

Hình ảnh: PHAN THÀNH-THANH TOÀN-MINH HIỀN

Video: THANH TOÀN

Thiết kế: MINH QUÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kinh tế thế giới đi lên từ suy thoái đến phục hồi

Suy thoái kinh tế được nhận định là một thách thức to lớn và thường xuyên xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử. Từ cuộc đại suy thoái đến đại dịch COVID-19 gần đây, các quốc gia đã phải đối mặt với những giai đoạn khó khăn khi định hình lại các cấu trúc và đòi hỏi phải can thiệp chính sách chiến lược.

Kinh tế thế giới đi lên từ suy thoái đến phục hồi
Thảo luận Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi):
Phân cấp, phân quyền tạo ra hiệu quả cao trong trùng tu di sản

Tại phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) chiều 23/10, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nguyễn Thị Sửu đã dẫn chứng về công tác bảo tồn, trùng tu di sản Huế để góp ý cho dự thảo.

Phân cấp, phân quyền tạo ra hiệu quả cao trong trùng tu di sản
Return to top