ClockThứ Năm, 17/03/2016 16:00

Gian nan cuộc chiến bảo vệ rừng

TTH - Mặc dù Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã đã tăng cường lực lượng, bố trí thêm nhiều chốt kiểm lâm ở các điểm “nóng” để bảo vệ rừng nhưng tình trạng “lâm tặc” tàn phá rừng ở VQG Bạch Mã vẫn đang ở mức báo động. Chỉ trong một thời gian ngắn đã xảy ra nhiều vụ lâm tặc tấn công, đe dọa lực lượng kiểm lâm để “giải cứu” hoặc cướp lại gỗ rừng khi bị bắt.

Chống người thi hành công vụ

Lúc 11 giờ ngày 2/3, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng VQG Bạch Mã, tổ kiểm lâm của Trạm Kiểm lâm Hương Lộc, Hạt Kiểm lâm VQG Bạch Mã đã bị nhóm lâm tặc truy sát, tấn công khiến nhiều người bị thương, trong đó có một người bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu. Kiểm lâm viên Lê Anh Tuấn (28 tuổi, trú ở thị trấn Phú Lộc)- nạn nhân của vụ việc kể lại, vào khoảng 9 giờ 45, tổ công tác gồm 5 người thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng thuộc tiểu khu 412, VQG Bạch Mã thì phát hiện 5 đối tượng đang cưa, đốn hạ 2 cây gỗ gõ (loại gỗ quý hiếm thuộc nhóm 1) nên các anh đã lấy máy quay ghi lại hình ảnh, đồng thời áp sát bắt giữ các đối tượng. Khi tổ công tác ập đến thì các đối tượng bỏ lại máy cưa trốn vào rừng. Tổ tuần tra bắt giữ được 1 đối tượng thì 4 đối tượng khác quay trở lại dùng đá, cành cây và rựa tấn công giải cứu đối tượng bị bắt.

Kiểm lâm Hương Lộc tuần tra tại một điểm nghi vấn phá rừng

Thống kê trong 5 tháng gần đây, kiểm lâm Hương Lộc đã gần 20 lần bị lâm tặc tấn công. Ông Nguyễn Văn Trung (Trạm trưởng) cũng từng bị đánh phải vào viện cấp cứu trong lúc làm nhiệm vụ.

Trước sự manh động của các đối tượng lâm tặc, tổ tuần tra buộc phải rút lui, nhưng lại bị các đối tượng này dùng hung khí đuổi theo truy sát. Kiểm lâm viên Lê Anh Tuấn trượt chân ngã liền bị các đối tượng lao đến dùng cành cây tấn công và đấm, đá dã man khiến anh bất tỉnh. Những tên lâm tặc này còn hung hăng, khống chế và đe dọa giết anh Tuấn để bắt tổ tuần tra phải xóa đoạn video ghi hình và trả lại máy cưa... Tổ kiểm lâm đồng ý với các yêu sách trên thì chúng mới thả anh Tuấn và tẩu thoát. Sau đó, kiểm lâm Tuấn được đưa về bệnh viện cấp cứu với tình trạng nguy kịch... Sau thời gian điều tra, đến ngày 10/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Nam Đông đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng: Trương Vọng (27 tuổi), Trương Triển (26 tuổi), Cao Văn Lăng (22 tuổi), Trần Thỏ (48 tuổi) và Nguyễn Ban (28 tuổi, cùng trú xã Hương Lộc) về tội chống người thi hành công vụ.

Trước đó, kiểm lâm Hương Lộc đã nhiều lần bị lâm tặc tấn công, cướp gỗ và giải thoát cho đồng bọn. Cụ thể, vào ngày 4/12/2015, tổ kiểm lâm Hương Lộc tuần tra ở Tiểu khu rừng 416 thì phát hiện 3 đối tượng đang tập kết 3 bè gỗ chuẩn bị vận chuyển ra khỏi rừng. Khi lực lượng kiểm lâm tiến đến bao vây bắt giữ thì bất ngờ xuất hiện một nhóm gần 20 đối tượng kéo đến ném đá và dùng gậy gộc uy hiếp. Lực lượng kiểm lâm đã nổ súng chỉ thiên song các đối tượng rất manh động, hung hãn bao vây kiểm lâm để 3 đối tượng trên vận chuyển số gỗ đi nơi khác. Hay mới đây, nhận tin báo có lâm tặc tập kết gỗ ở Tiểu khu 413 nên trạm kiểm lâm Hương Lộc tức tốc cắt cử 8 người mang theo công cụ hỗ trợ đến vây bắt thì bị 15 đối tượng dùng đá và gậy lao vào tấn công nhóm kiểm lâm giải cứu lâm tặc và tang vật vi phạm.

Xử nghiêm để răn đe

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Hương Lộc, lợi dụng tuyến đường độc đạo 14C và nhiều khe suối nên lâm tặc hoạt động rất liều lĩnh, gây ra nhiều vụ khai thác gỗ rừng trái phép. Sau khi hạ cây, lâm tặc xẻ thành từng phách lớn, kết thành bè rồi thả theo dòng suối. Sau đó dùng xe máy tự chế chở gỗ về tập kết bán cho đầu nậu. Nếu phát hiện có lực lượng kiểm lâm tuần tra thì lâm tặc bỏ gỗ, bỏ xe rồi trốn vào rừng. Trước thực trạng khai thác lâm sản trái phép có chiều hướng gia tăng, vườn đã bố trí thêm chốt công vụ gần 10 kiểm lâm túc trực 24/24h tại khu vực trọng điểm. Ngoài ra, luôn cắt cử người theo dõi, hễ phát hiện có gỗ tập kết là triển khai lực lượng bao vây bắt. Nhưng bắt giữ “gỗ chết” (gỗ đã bị lâm tặc xẻ thành phách) còn khó hơn bảo vệ “cây đứng” ở trong rừng. Bởi thời gian qua, không ít trường hợp anh em đơn vị bị lâm tặc hành hung... giải cứu gỗ. Do đó, cần tăng cường hỗ trợ, trang bị phương tiện cho lực lượng kiểm lâm nhằm kịp thời đủ sức đối phó lâm tặc liều lĩnh manh động.

Đại tá Lê Khánh Hà, Trưởng Công an huyện Nam Đông cho biết, đối với những vụ chống người thi hành công vụ và đánh đập kiểm lâm sẽ khẩn trương điều tra để đưa ra xét xử công khai tại địa phương nhằm răn đe. Hằng năm, đơn vị luôn cắt cử lực lượng phối hợp với kiểm lâm để tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng. Tuy nhiên do xung đột về lợi ích kinh tế khi VQG Bạch Mã tăng cường lực lượng bảo vệ rừng khiến lâm tặc không còn đất hoạt động, dẫn đến xảy ra không ít vụ lực lượng kiểm lâm bị đánh, hành hung. Một số lâm tặc bị cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hành chính nhiều lần về hành vi khai thác lâm sản trái phép nhưng vì lợi nhuận quá lớn nên các đối tượng vẫn cố tình tái phạm. Chúng tôi đề xuất với VQG Bạch Mã và UBND huyện Nam Đông tổ chức các lớp dạy nghề, tạo kế sinh nhai cho người dân vùng đệm VQG, qua đó góp phần hạn chế vụ việc khai thác lâm sản từ VQG và các hành vi vi phạm pháp luật khác” - đại tá Lê Khánh Hà cho hay.

VQG Bạch Mã có diện tích 37.487ha, với khoảng 1.493 loài động vật và trên 2.100 loài thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Chính vì thế mà “lâm tặc” thường xuyên tìm đến để khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã trái phép. “Nóng” nhất là những cánh rừng nằm ở tiểu khu 412, 413 và 416 thuộc địa bàn xã Hương Lộc (Nam Đông).

Bài, Ảnh: THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

CA HUẾ TRÊN SÔNG HƯƠNG: Gian nan chấn chỉnh, quản lý

Tình trạng mất trật tự ở lối dẫn vào bến thuyền, vấn nạn “cò” vé, xung đột giữa đơn vị bán vé du lịch với bán vé phục vụ ca Huế… ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Huế nói chung và hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương nói riêng. Dù đã có quy chế quản lý cũng như những biện pháp xử lý, nhưng hiện tượng vi phạm đó vẫn tồn tại.

CA HUẾ TRÊN SÔNG HƯƠNG Gian nan chấn chỉnh, quản lý
Ma túy, “cuộc chiến” không ngưng nghỉ

Dù đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, hướng đến mục tiêu vì một TP. Huế “không ma túy, không trộm cắp, không cướp giật tài sản”, nhưng thực tế, ma túy vẫn len lỏi vào đời sống xã hội, nhất là giới trẻ.

Ma túy, “cuộc chiến” không ngưng nghỉ
Return to top