Theo đánh giá của Tổng Cục thống kê, những tháng đầu năm 2023, kinh tế trong nước đã có nhiều điểm sáng. Tổng sản phẩm trong nước quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước... Song trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến phục hồi và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung và trong nước nói riêng.
Khó khăn nổi lên trong thời gian qua mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt là chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, đơn đặt hàng giảm do một số nước phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để ưu tiên chống lạm phát...
Sự khó khăn của doanh nghiệp không chỉ ảnh hưởng vào mức tăng trưởng chung của cả nước mà còn ảnh hưởng đến việc làm, an sinh xã hội. Đơn cử như lĩnh vực chế biến và xuất khẩu đồ gỗ. Do đơn hàng giảm nên sản xuất bị hạn chế, kéo theo giá trị rừng nguyên liệu của người dân bị xuống thấp. Trước đây, gỗ keo được doanh nghiệp thu mua với giá trên dưới 1,8 triệu đồng/tấn thì nay chỉ dao động ở mức trên dưới 1 triệu đồng/tấn. Rừng trồng không tiêu thụ được còn ảnh hưởng đến việc làm của người dân. Một cán bộ ở lâm trường cho biết, trước đây, mỗi khi vào vụ khai thác, có hàng trăm người dân ở các xã vùng đồi núi làm nghề bóc vỏ keo, thu nhập 500 ngàn đồng/ngày, thì nay bị mất nguồn thu nhập này...
Một con số được Tổng Cục thống kê công bố cũng rất đáng quan tâm là trong ba tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 42,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 12,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 4,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Như vậy, bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường...
Sự rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp, ngoài những nguyên nhân chung còn có nguyên nhân về vốn, cơ chế chính sách. Một chủ doanh nghiệp nhỏ đã tạm ngừng kinh doanh từ đầu năm đến nay tâm sự: Đa số các hợp đồng gói thầu, thường phải thanh toán sau mỗi lần nghiệm thu với giá trị tương ứng với khối lượng công việc đã thực hiện. Để có kinh phí thực hiện, doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng. Trong thời điểm lãi suất ngân hàng cao, hoạch toán lại thì doanh nghiệp không có lãi... Đây là thực tế, một trong những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 238/CĐ-TTg về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải tích cực chủ động chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền về pháp lý, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, điều kiện kinh doanh, thanh khoản ngân hàng, nợ và thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ doanh nghiệp; chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, tiêu cực để sớm thúc đẩy sản xuất kinh doanh...
Tại cuộc họp bàn cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và hệ thống ngân hàng trên địa bàn, được tổ chức gần đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương khẳng định, tỉnh cam kết chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, doanh nhân phát triển...
Với sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ, sự chủ động tích cực của chính quyền các địa phương... những khó khăn của doanh nghiệp từng bước sẽ được tháo gỡ, ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự tăng trưởng chung của đất nước, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.