Ngư dân trị trấn Thuận An kiểm tra thiết bị liên lạc
Thay thế ngư cụ lạc hậu
Tại Phú Thuận (huyện Phú Vang), ngư dân đang râm ran chuyện đầu tư máy dò cá ngang, một thiết bị hiện đại có giá khoảng 300 triệu đồng/máy. Đã phổ biến trên các tàu đánh cá xa bờ một số địa phương nhưng ở tỉnh ta, thiết bị này chưa xuất hiện. Lâu nay, ngư dân các địa phương ven biển thường sử dụng máy dò cá dọc, chỉ phát hiện được đàn cá ngay dưới thân tàu nên hiệu quả không cao.
Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, nếu ứng dụng máy dò ngang vào đánh bắt, ít nhất giảm thiểu 50% nhiên liệu trên mỗi chuyến vươn khơi. Với máy dò dọc thì đường kính phát hiện đàn cá khoảng 1km theo chiều dọc, còn máy dò ngang đường kính 3km theo chiều ngang.
“Chúng tôi phối hợp với một doanh nghiệp triển khai thí điểm thiết bị này trên hai tàu cá ở Phú Thuận. Đây là loại thiết bị đã được chứng minh hiệu quả tại các địa phương khác nên hy vọng sẽ giúp ngư dân tăng thêm hiệu quả đánh bắt”, ông Tùy nói.
Trước khi câu chuyện máy dò ngang về với ngư dân vùng biển Phú Thuận, ngư dân địa phương này cũng đã tự đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt. Họ chuyển đổi ngư lưới cụ, thay thế những loại hình đánh bắt kém hiệu quả. Những con tàu bây giờ không chỉ đơn thuần sử dụng lưới bùng nhùng để đánh bắt, mà còn kết hợp cả lưới vây, lưới chụp.
Ngư dân Nguyễn Thanh Bình (xã Phú Thuận) chia sẻ: Ngày trước, khi tàu cá còn công suất nhỏ, quy mô đánh bắt hạn chế, ngư dân chủ yếu sử dụng những loại lưới cụ vừa phải. Nay, càng nhiều tàu cá được đóng mới, công suất trên dưới 1.000 CV thì những ngư lưới cụ đó đã lạc hậu, cần thay thế.
“Lúc trước, để đánh bắt tui đầu tư lưới vây có độ sâu chỉ chừng 50-70 mét thì nay phải đầu tư lưới có độ sâu 200m. Vươn đến những vùng biển xa, độ sâu của con nước thay đổi nên phải bỏ thêm kinh phí để thay đổi ngư lưới cụ”, ông Bình nói.
Sau chuyến đánh bắt tại cảng cá Thuận An
Cập nhật công nghệ viễn thông
Thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) là địa phương có đội hậu cần nghề cá hùng hậu nhất tỉnh. Ngoài cung ứng dịch vụ hầu cần, đội tàu này còn tham gia vào đánh bắt, góp phần nâng cao năng lực khai thác.
Bên cạnh từng bước chuyển đổi khoang cá dự trữ, những dàn đèn công suất lớn được nhiều ngư dân đầu tư. Thông thường, mỗi tàu hậu cần trang bị dàn đèn khoảng 100-150 bóng có công suất 1.000w thì nay họ đầu tư lên đến 400 - 500 bóng đèn.
“Với tàu hậu cần, ngoài việc thu mua, việc nâng cấp dàn đèn là điều quan trọng khi tham gia đánh bắt bởi đây là phương tiện hữu hiệu để dụ cá. Bạn tàu nhờ thế có thêm thu nhập sau chuyến vươn khơi. Chủ tàu cá nâng cấp dàn đèn cũng là cách để giữ bạn tàu”, ngư dân Trần Văn Hải (tổ dân phố Tân Bình, thị trấn Thuận An) cho hay.
Khi mà nguồn hải sản càng ít đi, việc nâng cấp, đóng mới tàu to như một lẽ tất yếu. Bên cạnh bỏ ra một số tiền lớn trên dưới chục tỷ đồng đầu tư, nhiều chủ tàu phải dốc thêm đến hơn cả tỷ đồng đầu tư trang thiết bị.
“Cùng với nâng cấp, đầu tư tàu lớn, riêng việc đầu tư trang thiết bị phục vụ đánh bắt lên đến tiền tỷ. Hàng năm, ngư dân thường đầu tư, nâng cấp hầm bảo quản sản phẩm trên tàu, lắp tời hơi, sào sắt, giàn sắt… phục vụ việc khai thác, đánh bắt hải sản hiệu quả hơn. Hiện nay, địa phương đang vận động ngư dân đầu tư thêm hệ thống thiết bị viễn thông hiện đại”, ông Đặng Tiến Tùy cho biết.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, ngư dân đầu tư trang thiết bị để khai thác thủy hải sản như xu thế tất yếu, tàu công suất càng lớn thiết bị càng hiện đại.
Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thông tin, trước đây, khi vươn khơi, điều khó khăn nhất đối các tàu cá là hệ thống thông tin liên lạc. Nay, bắt kịp xu thế công nghệ, ngư dân sử dụng bộ đàm và các thiết bị thông tin liên lạc tầm xa để nắm bắt tình hình ngư trường, giá cả vật tư, nhiên liệu, giá thu mua sản phẩm để có kế hoạch đánh bắt, thu mua hợp lý.
“Gần đây, công nghệ viễn thông được ngư dân ứng dụng để có thể gọi điện về nhà nếu muốn và có thể đàm thoại, trao đổi thông tin ngay trên ngư trường”, ông Giang thông tin.
“Công nghệ cho tàu cá là rất cần thiết. Muốn đánh bắt hiệu quả, ngư dân cần đầu tư và thực tế ngư dân đã mạnh dạn đầu tư để vươn tới ngư trường xa.
Hiện nay, khi nhiều tàu công suất lớn được ngư dân đầu tư đóng mới, một khó khăn là hạ tầng chưa đáp ứng, quy mô cảng cá nhỏ, chỗ neo đậu tàu thuyền xuống cấp; cửa biển bị bồi lấp. Đây là một trở lực đối với ngư dân trong hành trình bám biển” – ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh chia sẻ.
|
Bài, ảnh: Lê Thọ