Vượt qua 53 ý tưởng, dự án ở vòng sơ tuyển và 25 ý tưởng, dự án vào vòng chung kết, ý tưởng, dự án “Bánh ép Thuận An - Pizza Giòn chinh phục thế giới” của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên TP SEAFOOD vừa đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021.
Cùng với sự xướng danh, chắc hẳn nhiều người Huế đang háo hức chờ đợi được một lần nhìn thấy, trải nghiệm, thưởng thức, khám phá món đặc sản bánh ép Thuận An đã được thừa kế, sáng tạo như thế nào. Sâu xa hơn, sau vinh danh, “Bánh ép Thuận An - Pizza Giòn chinh phục thế giới” liệu có trở thành thương hiệu đặc sản nổi tiếng cả thế giới đang là một khát vọng lớn.
Không riêng bánh ép Thuận An, làm gì để bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị, vươn ra thế giới... đang là khát vọng lớn, trọng trách lớn của ẩm thực Huế.
Từ mạch nguồn Thuận Hóa - Phú Xuân, Huế là nơi hội tụ tinh hoa ẩm thực với hơn 1.700 món nấu theo lối Huế đã được ghi nhận. Đây cũng là một trong những lợi thế cạnh tranh bậc nhất về du lịch. Quyết tâm phát huy giá trị tinh hoa ẩm thực, xây dựng Huế trở thành “Kinh đô ẩm thực Việt” cũng đã được tỉnh khởi động, ít nhất là từ ý tưởng cho các bước đi.
Mới đây, Quốc hội chính thức thông qua nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Thừa Thiên Huế, nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ tỉnh khai thác các tiềm năng, thế mạnh, giá trị đặc sắc riêng có để phát triển, trên hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đón nhận cơ hội lớn này của Huế, GS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật cho rằng, Huế vốn là trung tâm, Kinh đô của cả nước. Thế mạnh của Thừa Thiên Huế là văn hóa và di sản. Với cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua, Huế sẽ có cơ hội lớn để bảo tồn và phát huy di sản. Nhưng cơ chế đặc thù lần này chủ yếu thiên về kinh tế nên chính quyền lẫn người dân Huế phải chung tay sản xuất, phát triển kinh tế. Chúng ta không có những doanh nghiệp lớn, cực lớn như các địa phương khác để đóng góp nguồn thu vào ngân sách nhưng chúng ta phải đảm bảo bài toán kinh tế. Và chúng ta phát triển dựa trên nền tảng văn hóa là thế mạnh, cho dù điều ấy không hề dễ. Hơn lúc nào hết, người dân cần chung tay. Mỗi người dân cần đánh thức mình. Chính quyền cũng cần có những chính sách cụ thể để khơi dậy những tiềm năng chưa phát huy hết.
Không riêng lãnh địa ẩm thực, đánh thức, khơi dậy sức dân trong phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của Huế từ “cú hích” cơ chế đặc thù, đang là vấn đề đặt ra với Huế.
Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, kích thích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, mỗi người dân... mạnh dạn, sáng tạo, khởi nghiệp là một trong những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế. Là “chìa khóa” khơi dậy sức dân, để tìm kiếm những tài năng, những dự án, mô hình kinh doanh mới đem lại những giải pháp thiết thực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Để khơi dậy sức dân, để mỗi người dân tự đánh thức mình, thiết nghĩ, Huế cũng cần xây dựng cơ chế đặc thù, để định hướng, kích thích, làm “bà đỡ” cho những ý tưởng, dự án sáng tạo từ nhân dân, mà “Bánh ép Thuận An - Pizza Giòn chinh phục thế giới” hay phát huy lợi thế cạnh tranh bậc nhất của ẩm thực gắn với du lịch chỉ là gợi ý khai mở.
Khi di sản, từ ẩm thực, trang phục, kiến trúc, cảnh quan, lối sống... Huế đã hòa quyện vào từng con phố, từng nếp nhà... thì mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố di sản, lẽ tất yếu, mọi cơ chế, chính sách phát triển phải gắn chặt với mục tiêu khơi dậy sức dân, gắn với trách nhiệm, quyền lợi của từng người dân. Đó chính là sức mạnh “mềm” đặc biệt mà Huế cần tập trung đầu tư, khai thác trên lộ trình bảo tồn, phát triển.
Kim Oanh