Giữa khi Đồng Nai, Bình Phước – 2 tỉnh sát nách và cung cấp đến 50% lượng thịt lợn cho TP. Hồ Chí Minh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi; tiếp sau đó, địa phương miền Tây đầu tiên là Hậu Giang cũng xuất hiện dịch (ngày 13/5) thì dịch bệnh này trên đàn lợn ở Thừa Thiên Huế đã được khống chế. Thông tin này được xác lập ở điểm cầu tại UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì. Cụ thể là từ khoảng thời gian có dịch 16/3 đến 14/4 ở 3 thôn thuộc xã Phong Sơn (Phong Điền) đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh ổ dịch mới.
Đặt trong tương quan chung, vùng dịch tả lợn châu Phi của Thừa Thiên Huế chỉ là 1 điểm rất nhỏ so với 2.296 xã thuộc 204 huyện của 29 tỉnh, thành trên cả nước. Song điều đó vẫn có tác động tiêu cực đến việc phát triển đàn lợn thịt, người chăn nuôi và ảnh hưởng đến tất cả các dịch vụ khác có liên quan đến việc sử dụng thịt lợn khi người tiêu dùng cân nhắc, e dè và hạn chế lượng mua. Thậm chí là có không ít người đã quay lưng với thịt lợn trong một thời gian và mới chỉ sử dụng rất dè chừng trong những ngày gần đây.
Vấn đề cần thấy ở đây là Thừa Thiên Huế đã có sự ứng phó khẩn cấp và đưa ra được những biện pháp để khoanh vùng, không cho nó lây lan bao gồm các việc tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc, khử trùng và lập/quản lý chặt chẽ các điểm kiểm soát tại vùng có dịch và không chỉ ở vùng có dịch. Đó là căn nguyên của việc không phát sinh thêm ổ dịch mới trên địa bàn trong khi ở một vài tỉnh, thành khác có hiện tượng tái phát.
Tuy nhiên, tinh thần không chủ quan, tiếp tục theo dõi để ứng phó kịp thời dịch bệnh trên đàn lợn là điều đã được lãnh đạo tỉnh khẳng định và giao cho các đơn vị liên quan, cũng như các địa phương sở tại. Đây cũng là việc cần được quản lý thường xuyên trên tinh thần chủ động phòng, ứng phó và đối phó khi dịch bệnh có khả năng quay lại.
Có lẽ, câu chuyện ở đây còn là vai trò chủ động của người chăn nuôi, nhất là ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hay các hộ gia đình. Điều này thể hiện ở việc quyết định tái đàn và các biện pháp phòng tránh rủi ro, không chỉ cho chính cơ sở/gia đình mình mà còn ngăn chặn sự lây lan ở diện rộng hơn khi xử lý, báo cáo để có sự khoanh vùng và các biện pháp hỗ trợ khác.
Thực ra, không ai muốn có hậu quả xấu, song đôi khi dịch bệnh đến từ việc sốt ruột hoặc có khi là cả sự tiếc nuối nữa. Thế nên, việc không được chủ quan là yếu tố quan trọng, nhất là đối với dịch bệnh trên gia súc, gia cầm khi chưa thể kiểm soát được rủi ro.
Nguyễn An Lê