|
Giới thiệu các giải pháp công nghệ số tại sự kiện |
Sự kiện được kỳ vọng mang lại những thông tin, kinh nghiệm, giải pháp hữu ích về kiến tạo và khai thác dữ liệu số, thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp trong công tác CĐS, khai thác dữ liệu số tạo đột phá phát triển KT-XH ở Huế nói riêng và toàn vùng kinh tế miền Trung.
Quản trị, khai thác dữ liệu số
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, Thừa Thiên Huế nhiều năm qua luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số Chuyển đổi số (DTI).
Thời gian qua, tỉnh đã triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh và quản lý, khai thác hiệu quả các nguồn dữ liệu đa lĩnh vực được công bố trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh. Qua đó, hoạt động bộ máy hành chính nhà nước được nâng cao hiệu lực; chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Ngoài điểm sáng là xây dựng và phát triển dịch vụ đô thị thông minh, tỉnh đã quan tâm đến việc xây dựng, khai thác dữ liệu và đưa vào vận hành Hệ thống dữ liệu mở nhằm mục tiêu thu thập, chia sẻ các bộ dữ liệu, kết nối liên thông với các hệ thống dùng chung của tỉnh, liên thông Cổng dữ liệu Quốc gia; hướng đến sự minh bạch và phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.
|
Toạ đàm, trao đổi về kiến tạo và khai thác dữ liệu, thúc đẩy liên kết vùng |
Hệ thống này được xây dựng và vận hành trước cả thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước. Đến nay, đã có 115 bộ dữ liệu của 32 cơ quan, đơn vị công bố trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh thuộc các lĩnh vực như: Văn hoá, Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải...
“Với việc quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn dữ liệu đã đem lại cho tỉnh nhiều lợi ích thiết thực”, Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thanh Bình nói. Người dân, doanh nghiệp được tiếp cận dễ dàng các nguồn thông tin như bản đồ địa chính, quy hoạch, dữ liệu sức khoẻ cá nhân, thông tin thời tiết.... thông qua ứng dụng Hue-S; các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiết kiệm thời gian khi tìm kiếm thông tin về chỉ số KT-XH; hệ thống di sản, văn hoá được số hóa giúp việc lưu trữ khoa học hơn, đồng thời phục vụ đắc lực cho công tác trùng tu, tôn tạo và đem lại những sản phẩm du lịch mới, trải nghiệm mới cho du khách.
Thúc đẩy liên kết vùng
Trong Phiên toàn thể với chủ đề “Kiến tạo dữ liệu số - thúc đẩy liên kết vùng”, các chuyên gia nêu thực trạng của liên kết phát triển các vùng kinh tế nói chung và miền Trung nói riêng còn lỏng lẻo, chưa tận dụng, khai thác được lợi thế của từng địa phương. Vùng kinh tế miền Trung có nhiều tiềm năng, lợi thế hợp tác phát triển nhưng việc liên kết, phát triển hiện gặp nhiều khó khăn trong tất cả các ngành, lĩnh vực.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đề xuất dữ liệu số cần phải đóng vai trò tiên phong trong việc liên kết, liên thông, làm công cụ, nền tảng cho việc thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực khác liên kết và phát triển.
Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế cần nhanh chóng xây dựng chiến lược về dữ liệu địa phương kết hợp trí tuệ nhân tạo; áp dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động điều hành, phục vụ người dân, đồng thời xây dựng hạ tầng tính toán đáp ứng xử lý hệ thống dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong thời gian tới. Đặc biệt, nhằm thúc đẩy liên kết vùng, Thừa Thiên Huế có thể lựa chọn các địa phương lân cận để xây dựng dữ liệu giao thông hoặc y tế giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ trong quá trình làm việc.
|
Trao chứng nhận cho nhà đầu tư tại chương trình |
“Hiệp hội sẽ đồng hành cùng tỉnh Thừa Thiên Huế lấy “giấc mơ” kiến tạo hạnh phúc để đem lại giá trị, phục vụ người dân; giúp các doanh nghiệp có cơ hội phát triển tốt nhất trong môi trường khoa học, công nghệ và cùng chính quyền, nhân dân địa phương xử lý hạ tầng dữ liệu, xây dựng hệ thống chính quyền số hướng đến mục tiêu đáp ứng công nghệ tốt nhất”, Chủ tịch VINASA khẳng định.
Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2023 với hơn 20 hoạt động phong phú diễn ra trong tháng 12/2023, trong đó, các hoạt động trọng tâm và nổi bật nhất diễn ra trong ngày 14/12. Sự kiện thu hút hơn 2.000 lượt khách tham dự đại diện các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp hội, các tổ chức, tập đoàn doanh nghiệp uy tín trên cả nước. Hơn 50 chuyên gia, diễn giả hàng đầu về CĐS, lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp chia sẻ và thảo luận trong 4 phiên chuyên đề: Phiên toàn thể với chủ đề Kiến tạo dữ liệu số - thúc đẩy liên kết vùng; Chuyên đề 1: Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp; Chuyên đề 2: Kiến tạo và Khai thác Dữ liệu số - tạo đột phá phát triển Du lịch Văn hoá và Chuyên đề 3: Quản trị và khai thác dữ liệu số ngành Y tế.