ClockThứ Ba, 30/04/2019 07:01

Ký ức ngày 30/4

TTH - Ngày 30/4/1975, cả nước cùng hát vang những lời ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác nay đã giành chiến thắng huy hoàng...”. Ký ức của những ngày tháng 4 lịch sử hào hùng ấy bỗng ùa về trong lòng những người lính năm xưa.

Khắc ghi sự hy sinh to lớn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh: tuyengiao.vn

Nhớ những ngày xưa ấy

Tháng 4 về, chúng tôi lại có dịp được gặp một số cựu chiến binh, những đặc công, biệt động thành năm xưa - những người đã từng vào sinh ra tử để góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng vẻ vang 30/4/1975.

“Năm 1965, Thành đội Huế ra đời đã củng cố, thôi thúc lực lượng đặc công, biệt động thành ngày càng lớn mạnh. Ngay sau đó, lực lượng đặc công, biệt động đã tổ chức đánh bại Tiểu đoàn quân ngụy ở cầu An Cựu – Huế và giành thắng lợi hoàn toàn. Năm 1966, dưới sự chỉ huy của các ông Nguyễn Như Văn và Hoàng Thế Sự, một bộ phận của lực lượng biệt động đã cải trang hợp pháp thành những binh sĩ ngụy để qua mặt địch, rồi bất ngờ nổ súng tiêu diệt đoàn binh địch của ngụy khoảng 120 tên tại Hương Hồ (Hương Trà)”, bà Nguyễn Thị Sương – một trong những nữ biệt động thành mở đầu câu chuyện. 

Trưa 25/3/1975, sau những trận đánh quyết định của biệt động thành và các lực lượng chiến đấu, đối phương lần lượt tan rã. Nhận lệnh cấp trên, ông Nguyễn Huy Ngọc, cựu Chính trị viên Biệt động Thành cánh Bắc Huế, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy quay lại Hương Trà cùng hai cơ sở cách mạng khác dẫn đường đón các đơn vị bộ đội chủ lực tiến quân vào tiếp quản nội đô.

Ông Nguyễn Huy Ngọc cho biết, ngày 23 và 24/3/1975, một trung đoàn địch bỏ tuyến Khe Trái về phòng thủ từ Hòn Vượn qua dốc Dẽ về đồi 365. Đội biệt động thành được giao nhiệm vụ đánh đồi 365. Cuộc giao tranh ác liệt diễn ra, thương vong rất lớn, nhưng đội của ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chiến dịch năm 1975, Đội biệt động Thành Nội đánh địch ở Hương Trà, đánh vào chi khu của Ngụy ở Hương Sơ, đánh chiếm trục đường Trần Hưng Đạo, Huỳnh Thúc Kháng. Đại đội 2 và 3 đặc công đánh chiếm dinh Tỉnh trưởng, Đài Phát thanh của Sư đoàn Bộ binh ngụy, chiếm Nhà máy nước Huế...

Ông Nguyễn Đức Pha, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 xúc động: “Huế được giải phóng mang một ý nghĩa to lớn, góp phần quan trọng vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong chiến dịch giải phóng Huế, những người lính Trung đoàn 6 – Đoàn Phú Xuân anh hùng vinh dự được giao nhiệm vụ cắm cờ Mặt trận Giải phóng lên đỉnh Kỳ Đài Huế và đã góp công lớn trong việc vừa giải phóng vừa bảo tồn nguyên vẹn TP. Huế”.

Những chiến sĩ đặc công, biệt động năm xưa ôn lại thời hoa lửa. Ảnh: ANH PHONG

Vui sao nước mắt lại trào

Ông Nguyễn Đô - một người dân TP. Huế nhớ lại: “Cách đây 44 năm, tôi cùng ba mẹ đang ở trong hầm trú ẩn thì nghe tin Giải phóng quân đã tiến vào TP. Huế. Thế là cả nhà hối hả leo lên khỏi hầm trú ẩn, ùa ra đường chào đón các chiến sĩ”.  

“Từ cơ quan Tuyên huấn Tỉnh ủy, tôi được tăng cường về làm cán bộ tổng hợp rồi được đề bạt Chánh Văn phòng Huyện ủy Hương Thủy, được bổ sung vào Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Để chuẩn bị cho Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1975, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cơ quan Huyện ủy đã chuyển lên đóng gần điểm cao 843 (khu vực miền Tây TP. Huế).

44 năm trôi qua kể từ mùa Xuân năm 1975, quê hương Thừa Thiên Huế được giải phóng, giờ tôi vẫn còn nhớ như in những cảm xúc khó tả khi từ trên cao nhìn xuống thấy ánh điện và ánh đèn dầu le lói ở đồng bằng. Trải qua những giây phút căng thẳng khi vượt sông Hương đoạn Hương Thọ (Hương Trà), xã Thủy Bằng (TX. Hương Thủy) - một vùng đất mà địch lùa dân nên không có một bóng người, chúng tôi được đón nhận những ánh mắt hân hoan, niềm vui to lớn của người dân vùng mới giải phóng...”, ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh hồi tưởng.

Ông Lê Văn Quá, Trưởng Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh đặc công, biệt động Thừa Thiên Huế nhớ lại: “Ngày 30/4/1975, khi nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi vui sướng nghẹn ngào đến rơi nước mắt. Tôi nhớ nhất hình ảnh anh em chiến sĩ reo hò vang trời: Giải phóng rồi! Thống nhất rồi! Sắp được về với gia đình rồi!… Nhân dân quanh vùng phấn khởi, giăng cờ hoa khắp các ngả đường...”,

Đại thắng mùa Xuân 1975 được mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3 – 3/4/1975), với trận đột phá then chốt Buôn Ma Thuột. Thắng lợi của chiến dịch này đã tạo bước chuyển mới về chiến lược đối với chiến tranh cách mạng ở miền Nam. Nắm bắt thời cơ lịch sử, Đảng ta quyết định mở Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (từ 21 - 29/3/1975). Trong khí thế sục sôi quyết thắng của cả nước, quân dân ta bước vào chiến dịch cuối cùng mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26 – 30/4/1975), giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

TÂM ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thức quà ký ức

Có một người bạn trẻ của tôi ở Hà Nội nói rằng, em đi chợ mà thấy mấy loại bánh truyền thống là mua ngay, không chỉ mua để ăn đâu, mà như mua một kỷ niệm cho mình...

Thức quà ký ức
Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ

70 năm trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Chí Bình vẫn nhớ như in “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ
Ký ức một thời

Cứ đến tháng Ba, tháng Tư hằng năm là những ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi lại có dịp ùa về trong mỗi người đã một thời “vào sinh ra tử”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là những kỷ niệm một thời đạn bom, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Sự tự hào ấy của họ đã làm nên sức mạnh để góp phần giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Ký ức một thời
Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Return to top