Ông Phan Ngọc Thọ cũng gợi mở nhiều vấn đề cần thảo luận tại hội nghị lấy ý kiến của nữ đại biểu dân cử, nữ trí thức về đề án xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Thường trực HĐND tỉnh tổ chức sáng 4/3.
Vì mục tiêu chung của tỉnh
Đặt vấn đề tại hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân ghi nhận những đóng góp của phụ nữ tỉnh nói chung, nữ đại biểu dân cử, nữ trí thức nói riêng.
Bà Vân cho rằng, lực lượng nữ trí thức là nguồn lực đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng, đóng góp tích cực vào việc hoạch định và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đào tạo nguồn nhân lực, sáng tạo các công trình khoa học, các công trình văn hoá có giá trị, nhiều sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao,… góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Trong tiến trình tỉnh đang tập trung xây dựng, hoàn thành đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh, các nữ đại biểu dân cử, nữ trí thức có nhiều ý kiến về phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc trung ương, đề xuất các nội dung cụ thể về quy hoạch tỉnh, trong đó tập trung vào việc lựa chọn phát triển du lịch - dịch vụ là kinh tế mũi nhọn hay là phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, các nữ trí thức đang hoạt động trên lĩnh vực y học nêu quan điểm cần thành lập trung tâm nghiên cứu các nguồn dược liệu quý, kết hợp y học cổ truyền, hiện đại, đồng thời có giải pháp nuôi dưỡng phát triển nguồn lực cho các nhà khoa học, nữ tri thức ở Huế.
Nhận diện, định hình cho từng không gian phát triển đô thị Huế và hoàn thiện các định hướng, phương án, nhiệm vụ để phát triển toàn diện tỉnh, Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh - bà Nguyễn Thị Châu đề cập đến việc xây dựng và quản lý các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tỉnh. Bà Châu nhấn mạnh về chất lượng các quy hoạch sẽ góp phần tạo ra các không gian phát triển mới, phù hợp với thực tiễn.
Nhiều ý kiến của nữ trí thức cũng hướng đến mục tiêu từng bước cải thiện đời sống người dân, xây dựng một thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025. “Trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh, chúng ta cần lưu ý đến những địa phương có đời sống còn khó khăn. Điển hình như A Lưới đang nằm trong số các huyện nghèo nên cần có những giải pháp”, Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ tỉnh Đặng Thị Dương chia sẻ.
Góp ý nhiều nội dung được dư luận xã hội quan tâm
Đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, đây là một luật rất quan trọng, có liên quan trực tiếp đến việc sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai - một loại tài sản đặc biệt và có tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai. Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, là định hướng chính trị quan trọng cho việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Ngày 23/12/2022, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 671 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170 ngày 31/12/2022 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Được biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có bố cục 16 Chương với 236 Điều. Nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội nghị đã tập trung vào một số nội dung được dư luận xã hội, nhân dân, cử tri cả nước cũng như tỉnh đặc biệt quan tâm như, quy định về bồi dưỡng, hỗ trợ, tái định cư, việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua thoả thuận về quyền sử dụng đất, xác định giá đất, bảng giá đất...
Các nữ trí thức là chuyên gia luật đánh giá cao dự thảo luật. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp cận rất nhiều quy định đáp ứng yêu cầu toàn cầu hóa và có nhiều ưu điểm. Song, nhiều điểm về giải thích từ ngữ vẫn chưa rõ ràng, như, đất khai hoang, đất cá thể, đất sử dụng ổn định, đất tranh chấp… Ngoài ra, theo các đại biểu, trách nhiệm quản lý đất nông nghiệp chưa sử dụng, đất bãi bồi, ven sông, ven biển… hay quy định về chuyển đổi đất nông nghiệp vẫn chưa cụ thể.
Tiếp thu ý kiến, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân ghi nhận, đánh giá cao các “hiến kế”, quan điểm của các nữ đại biểu dân cử, nữ trí thức trên địa bàn tỉnh. Những ý kiến đó sẽ được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ một lần nữa khẳng định vai trò của các nữ đại biểu dân cử, nữ trí thức trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong tiến trình xây dựng của tỉnh. Ông Thọ khẳng định: “Đội ngũ nữ trí thức là một phần sức mạnh của hệ thống. Tôi mong muốn các chị em gắn kết, hỗ trợ nhau để cùng phát triển”.