ClockThứ Tư, 24/06/2015 16:16

Liệu còn vô cảm?

TTH - Tổng lượng chất thải rắn trên địa bàn cả nước đang tăng từ khoảng 35 triệu tấn trong năm 2010 sẽ vào khoảng 44 triệu tấn trong năm nay và đến 2020, con số này sẽ là 68 triệu tấn – thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, điều đáng chú ý lại nằm ở một con số khác: hiện tỷ lệ chất thải rắn được thu gom tại khu vực đô thị chỉ đạt 70% - 75%. Khu vực nông thôn thấp hơn, chưa được phân nửa với tỷ lệ 30%-35%.

Cùng theo nguồn tin đã dẫn, cả nước hiện có 458 bãi rác nhỏ và trong số 98 bãi chôn lấp rác lớn, chỉ có 16 bãi đúng chuẩn. Các bãi chôn lấp khác, hoặc không được đầu tư, hoặc vẫn còn lộ thiên và điều ấy cũng đồng nghĩa với những ẩn họa từ những nguy cơ không còn là tiềm ẩn nữa đối với nguồn đất, nước, không khí…

Không chỉ ảnh hưởng và ảnh hưởng ngày càng sâu hơn đến môi trường và chất lượng cuộc sống, vấn nạn rác thải đã bắt đầu “bành trướng” đến các hoạt động kinh tế xã hội khác. Nhiều nhất trong đó là lĩnh vực du lịch. Tại một cuộc hội thảo mới đây, các doanh nghiệp đã phàn nàn rất nhiều về những hệ lụy mà họ vấp phải. Hệ lụy này không chỉ đến từ hoạt động lữ hành khi mà các điểm đến đầy rác. Rác từ trên bờ đến sông, ngòi và du khách cũng đã từ chối không ít các dịch vụ ăn uống ở những nơi mà họ nhận thấy không an toàn trong xử lý rác; trong quá trình chế biến ra các vùng xung quanh; hoặc từ những thông tin mà họ có được về sự ảnh hưởng về chất xả thải trong quá trình sản xuất, kinh doanh…
Mặc dù du lịch biển hiện đang chiếm một thị phần lớn đến trên 70% lượng khách đến Việt Nam, nhưng vấn đề môi trường và rác thải ở khu vực này cũng đang ở mức báo động. Theo Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, các chất thải chưa qua xử lý được thải ra lưu vực sông và biển ngày càng nhiều. Đến năm 2020, ước tính lượng chất thải ở vùng ven bờ với nitơ tổng số từ 26 - 52 tấn/ngày, tổng lượng amonia từ 15 - 30 tấn/ngày. 295.000 đồng là mức ước tính thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tác động đến sức khỏe trung bình trên đầu người trong năm 2007 theo một kết quả điều tra của Cục Bảo vệ môi trường được tiến hành tại 2 tỉnh Phú Thọ và Nam Định. Nếu đem áp dụng con số này với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng trong thời điểm đó thì ước tính mỗi ngày, Hà Nội thiệt hại 2,58 tỷ đồng; TP HCM thiệt hại 4,93 tỷ đồng. Con số này đến nay tất nhiên đã khác cả về mức trượt giá và số người tăng thêm.
Nhưng cảnh báo dường như vẫn là cảnh báo. Trong dòng chảy cuộc sống, không phải ai và lúc nào cũng có điều kiện lo toan cho chất lượng sống. Thế nên những tác hại không nhỏ đến sức khỏe dường như vẫn là điều gì đó bên ngoài ta, hoặc là người ta đã chọn cách mặc kệ để lo cuộc mưu sinh hàng ngày. Khi mà những thói quen đã trở nên cố hữu ở số đông về cách thức, hành vi bảo vệ môi trường sống từ những chuyện tưởng như không quan trọng là rác, đến sự vô trách nhiệm với môi trường và cộng đồng của nhiều doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở dịch vụ… đã tác động và tác hại ngày mỗi nhiều hơn và đến lúc nào đó,chúng ta sẽ lại ngập đầu vào việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội được cộng thêm từ sức khỏe môi trường.
Đừng nghĩ rằng, đây là những câu chuyện ở đâu đó. Ngay ở những bờ biển của Huế và ở các vùng nông thôn, việc xử lý rác chưa đến nơi đến chốn cũng đang trở thành vấn đề trong việc xây dựng hình ảnh một môi trường trong lành và một điểm đến thân thiện.
Nếu sự vô cảm không được thay đổi ở mỗi người, thì tác động chắc chắn là sẽ khó lường.
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều thành phố có chỉ số tia cực tím rất cao

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, ngày 1/4, nhiều thành phố có ngưỡng chỉ số tia cực tím rất cao. Thời điểm xuất hiện chỉ số tia cực tím cực đại thường xảy ra từ 10 giờ đến 13 giờ.

Nhiều thành phố có chỉ số tia cực tím rất cao
Làm rõ đối tượng cưỡng dâm

Tối 31/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế bắt tạm giam đối với Châu Văn T. (SN 1998), trú tại phường Phú Thượng (TP. Huế) vì có hành vi cưỡng dâm.

Làm rõ đối tượng cưỡng dâm
Return to top