Các hiện tượng dị thường về thời tiết và khí hậu đều xuất hiện ở đỉnh cao. Lượng mưa trong 3 ngày 1, 2, 3/11 đạt 2300 mm, cao nhất trong chuỗi số liệu toàn quốc từ 100 năm trước; mức nước dâng trong ngày 2/11 nhiều lúc lên đến hơn 1 mét/1 giờ; 5 cửa biển mới mở ra ở khu vực Thuận An - Hòa Duân; Vinh Hiền - Vinh Hải; trong đó các cửa biển mới Tư Hiền, Hòa Duân rộng từ 400- 600 mét.
Lũ cắt đứt đường QL1A ở đèo Hải Vân, QL49 và tất cả tỉnh lộ, đường sắt ở 4 vị trí xung yếu; lấp hầm xe lửa Phước Tượng; xô ngã hàng chục công trình kiên cố về giao thông, thủy lợi, thủy sản, cơ sở công cộng; hàng ngàn nhà dân; nhiều điểm dân cư, nhiều mảng rừng; tấn công 16 hạng mục quan trọng của Quần thể di tích Cố đô...
Bao nhiêu tài sản tạo dựng được từ sau ngày giải phóng đã bị hủy hoại nặng nề; nhiều thành quả cả đời người của nhiều gia đình gần như bị xóa sạch. Nhưng trận lũ lịch sử cũng đã khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh của Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh quyết tâm vượt khó, vươn lên; phấn đấu đạt được những thành quả to lớn và đóng góp nhiều kinh nghiệm về đấu tranh phòng chống thiên tai không chỉ có giá trị trong tỉnh mà còn cống hiến vào việc xây dựng các chính sách, giải pháp trong các chương trình quốc gia, quốc tế về ngăn chặn, hạn chế thảm họa thiên nhiên.
Mực nước lũ năm 1999 tại Trạm Thủy văn Kim Long. Ảnh: Phan Thành
4 tại chỗ và tình người trong lũ dữ
Nhờ thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ); đề cao trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp; sự nỗ lực tự cứu của từng người dân; tinh thần tương thân, tương trợ trong cộng đồng nên đã cứu hộ kịp thời, đưa hàng chục ngàn người dân ở vùng có nguy cơ cao đến chỗ tạm trú an toàn; chia sẻ cho nhau chỗ ở, miếng ăn vốn rất hiếm hoi trong những ngày chạy lũ kéo dài.
Nếu không có những tấm gương hy sinh quên mình của Trung úy liệt sĩ (LS) Phạm Văn Điền, LS Lê Đình Tư (Hải đội 2), LS Nguyễn Công Minh (Bộ CHQS tỉnh), LS Hoàng Đình Thảnh (phường Thuận Lộc); của giáo viên Lê Vĩnh Thái, Hoàng Thái và Lê Hùng lăn lộn với 57 học sinh ở Trường THCS Hương Thọ; của gia đình ông Võ Đại Hồng (Hương Thọ); Phạm Gia Quang và học sinh Nguyễn Tài (Quảng Phước); Hồ Truyện và Nguyễn Cảnh (Hương Vân); Phan Đình Đơn và Đào Tiết (Thủy An)... và biết bao người nữa nhờ lòng dũng cảm, sự thông thạo địa hình và kỹ năng điều khiển phương tiện giữa dòng nước lũ; nên mỗi người đã cứu giúp hàng trăm người khác vượt qua cơn hoạn nạn.
Phương châm 4 tại chỗ còn giúp lãnh đạo tỉnh thiết lập ngay hệ thống chỉ huy, chỉ đạo khẩn cấp; khôi phục sớm một số hạ tầng thiết yếu; huy động nguồn lực để duy trì thông tin thông suốt với Trung ương và những đầu mối quan trọng, kịp thời triển khai cứu hộ cứu nạn ở những điểm xung yếu. Trong đó có việc đảm bảo an toàn cho những nơi tập trung dân cư chạy lụt; cho bệnh nhân ở Bệnh viện TW Huế; cho đoàn cán bộ cấp cao Thái Lan; cho khách vãng lai ở các ga, khách sạn, ký túc xá... trên địa bàn.
Phát huy sức mạnh tổng hợp
Thừa Thiên Huế trụ được trong thiên tai là nhờ phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của quốc gia, của địa phương; cộng với sự chung tay, góp sức đầy tình nghĩa của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế nên đã giải quyết được một khối lượng công việc vô cùng to lớn và phức tạp trong hoàn cảnh bị bủa vây tứ phía.
Trung ương kịp thời cử ông Nguyễn Minh Triết, UVBCT; Trưởng ban Dân vận Trung ương và Đoàn tiền trạm gồm các ông: Lê Huy Ngọ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và một số đồng chí khác vào trực tiếp chỉ đạo. Tiếp đó là Hội nghị toàn quốc bàn về khắc phục hậu quả thiên tai do Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu và Thủ tướng Phan Văn Khải trực tiếp chủ trì tại Huế đã giúp các tỉnh miền Trung có thêm sức mạnh để giải quyết tốt hơn những công việc trước mắt cũng như kế hoạch ổn định tình hình và phát triển lâu dài.
Quyết định của Trung ương về việc lập cầu hàng không đến Sân bay Phú Bài do Bộ Tư lệnh phòng không không quân đảm trách; đưa lực lượng của Bộ Tư lệnh công binh qua Lào để về Huế đã giúp tỉnh triển khai sớm việc cứu hộ bằng trực thăng và xuồng cao tốc. Một số đơn vị của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Biên phòng và Quân khu 4; các đoàn quân dân y từ Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành phố bạn đến tăng cường đã sát cánh cùng các lực lượng ở địa phương tìm mọi cách tiếp cận những vùng bị cô lập để tiếp tục sơ tán Nhân dân; hỗ trợ cứu đói, chữa bệnh và triển khai các giải pháp cải thiện môi trường nhằm ngăn ngừa sự bùng phát của dịch bệnh. Đồng thời, đã tổ chức tốt sự phối hợp trong việc tiếp nhận, phân phối hàng chục ngàn tấn hàng cứu trợ các loại do Trung ương trợ cấp và nguồn chi viện từ các địa phương bạn, của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đến đúng đối tượng; giúp Nhân dân trụ vững qua thiên tai và từng bước khôi phục sản xuất và đời sống.
Nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá cao việc tổ chức cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam. Trong lúc nhiều nước chủ yếu huy động quân đội vào công tác phòng chống thiên tai ở các vùng trọng điểm, thì ở nước ta, nhất là ở Thừa Thiên Huế, việc phát huy sức mạnh tổng hợp đã được thể hiện một cách rõ nét. Họ cho đó là cách làm “riêng có", cần nghiên cứu để tiếp tục nhân rộng.
Hồ Tả Trạch (được xây dựng sau lũ 1999) có nhiệm vụ cắt lũ, chống ngập
Vươn mình đứng dậy
Toàn tỉnh đã tập trung mọi nỗ lực để nhanh chóng ổn định đời sống dân cư và khôi phục kinh tế, văn hóa trong hoàn cảnh mọi thứ đều bị đảo lộn; hàng trăm ngàn mét khối bùn lầy và rác rưởi đủ loại phủ kín mọi địa hình; đất đai canh tác bị sạt lở, vùi lấp và trong tháng 12/1999 còn phải đương đầu với trận lũ lụt khá lớn.
Nhờ ưu tiên giải quyết những việc trọng tâm, những dự án cấp bách nên đến trưa 4/11 đã cung cấp điện trở lại cho một số hộ trọng điểm và đến 18/11 khôi phục được 98% phụ tải điện đến 100% trung tâm huyện và các trạm bơm phục vụ đông xuân.
Đến ngày 11/11 đã khôi phục hơn 90% hệ thống bưu điện; ngày 13/11 thông tàu ở hầm số 7 đèo Phước Tượng và ngày 14/11 tạm thông xe tải nặng từng chiếc một qua đèo Hải Vân và tiếp đó là các tuyến tỉnh lộ; ngày 19/11 đưa vào hoạt động bến phà tạm cửa Hòa Duân; cuối tháng 11 thông xe QL49 lên A Lưới.
Các cơ sở kinh tế cũng từng bước khôi phục hoạt động; đến cuối tháng 12/1999 có 29/36 doanh nghiệp công nghiệp chủ yếu; 30% của hơn 10.000 đơn vị cá thể, 426 khách sạn; 80% phương tiện đánh bắt thủy sản đi vào sản xuất.
Các trường học, bệnh viện; các công trình văn hóa lịch sử cũng được khẩn trương sửa chữa, xây dựng lại. Đến ngày 6/11, hơn 90% số trường trở lại học tập.
Sức mạnh tổng hợp đã tạo nên sự thay đổi diệu kỳ từ đau thương, mất mát; giúp Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra; tổ chức tốt cuộc bầu cử HĐND các cấp và Festival Huế năm 2000 tạo tiếng vang lớn.
Công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa suốt 20 năm qua đã đem lại những thành quả to lớn với sự xuất hiện của hàng chục ngàn ha rừng trồng mới; khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các khu, cụm công nghiệp; 4 công trình thủy điện – thủy lợi lớn A Lưới, Bình Điền, Hương Điền, Tả Trạch; đập Thảo Long; các cầu lớn Tuần, Bạch Hổ, Chợ Dinh; Tam Giang, Thuận An, Trường Hà, Vinh Hiền, cảng Chân Mây; hầm Hải Vân, Phú Gia, Phước Tượng; dự án hàn khẩu cửa Hòa Duân; các khu tái định cư Làng Rồng, Tư Hiền, Bình Thành… Nhiều công trình văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội được nâng cấp, xây dựng mới, tạo sức bật cho Thừa Thiên Huế vươn lên phát huy tốt vai trò một trung tâm văn hóa du lịch; trung tâm giáo dục – đào tạo; trung tâm y tế chuyên sâu của miền Trung và cả nước.
Nhìn lại 20 năm sau cơn lũ lịch sử, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu sâu sắc những bài học kinh nghiệm về phòng chống thiên tai đi từ những vấn đề căn cơ trong công tác dự báo khí tượng thủy văn; công tác quy hoạch, kế hoạch; quản lý xây dựng; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo quốc phòng, an ninh…
Nguyễn Văn Mễ