ClockThứ Tư, 22/11/2023 17:43

Tạo lập không gian đô thị hợp lý để phát huy tiềm năng, thế mạnh

TTH.VN - Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế vừa được thẩm định sáng nay (22/11) nhận được sự đánh giá cao của các chuyên gia. Song, để hoàn thiện quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo các chuyên gia, một số nội dung cần điều chỉnh, bổ sung.

Hình thành một mô hình đô thị giàu bản sắcPhát triển Huế dựa vào thiên nhiênĐịnh hướng phát triển cho đô thị Thừa Thiên HuếĐồng hành xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

TS. Trần Anh Tuấn 

* TS. Trần Anh Tuấn - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật – Bộ Xây dựng

Tôi đánh giá cao về nội dung đồ án quy hoạch, từ quan điểm, mục tiêu đến khung và không gian phát triển.

Mặc dù vậy, thực tế hiện nay hay nói đúng hơn chỉ vài ngày trước, Huế bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, do vậy nội dung quy hoạch đô thị cần được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, lưu ý đến hiện trạng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là mưa cực đoan.

Dù hệ thống hồ chứa ở Huế có vai trò lớn trong việc cắt lũ, song, hệ thống đê cũng góp phần giảm ngập úng cho đô thị, vì thế nên cập nhật rõ nội dung hệ thống đê, đặc biệt khu vực đầm phá, ven biển vào đồ án. Đồng thời, đánh giá thêm về tình hình xâm nhập mặn ở một số địa phương; khôi phục hệ thống đê bị xuống cấp…

Liên quan đến đất nghĩa trang cũng cần rà soát tại các khu vực đô thị trung tâm; xác định rõ các khu vực nghĩa trang cần di dời để có kế hoạch chuyển mục địch sử dụng đất. Đối với các khu vực không thể di dời thì yêu cầu đặt ra phải đảm bảo về mặt môi trường, cảnh quan.

Về định hướng  phát triển, các nội dung cần quan tâm đó là việc làm rõ động lực phát triển, tính liên kết giao thông vùng; cập nhật thêm về diện tích các bến xe trung tâm; bổ sung thêm không gian ngầm, trạm xử lý nước thải …

* KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:

Tôi cho rằng, đồ án quy hoạch này chính là việc cụ thể hóa ý kiến của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 54 nhằm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vấn đề này, Trung ương rất quan tâm.

Đánh giá về hình thức, đồ án có hệ thống bản vẽ khoa học, rõ ràng, có cách nghiên cứu, thể hiện phù hợp yêu cầu phát triển.

Về nội dung, khi mà Thừa Thiên Huế đang trong quá trình hoàn thiện nhiều đồ án quy hoạch thì đồ án quy hoạch đô thị cần có sự thống nhất cao về khung thiên nhiên, hạ tầng, không gian với quy hoạch tỉnh. Đặc biệt, khung thiên nhiên của Thừa Thiên Huế không phải địa phương nào cũng có, do vậy cần gắn với khung hạ tầng đô thị.

Theo tôi, Thừa thiên Huế như một Việt Nam thu nhỏ, với đầy đủ tiềm năng, thế mạnh, trong đó có lợi thế lớn về yếu tố văn hóa di sản. Việc làm rõ và tái cấu trúc hệ thống Kinh thành Huế sẽ giúp bảo tồn và phát huy các giá trị. Ngoài ra, phát triển các đô thị vệ tinh sẽ là “không gian nuôi dưỡng” đô thị trung tâm.

Tôi nhận định, hướng vươn tầm quốc tế sẽ bao gồm: Sân bay quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây, các cửa khẩu quốc tế trên đất liền, nhưng điều quan trọng là phải định hình, làm rõ quy mô phát triển. Hướng phát triển đô thị của Huế về phía đông, song hệ thống đường phía tây phải trở thành chiến lược, hình thành đô thị kết nối phía nước bạn Lào thông qua các cửa khẩu.

Đối với tên gọi đồ án nên lấy tên là đô thị Huế thay vì đô thị Thừa Thiên Huế, bởi Huế là thương hiệu đã được cả thế giới biết đến từ lâu.

KTS. Lã Thị Kim Ngân 

* KTS. Lã Thị Kim Ngân - Viện trưởng Viện Kiến trúc thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Quy hoạch này đã giải quyết được nhiều vấn đề, có cơ sở pháp lý khá đầy đủ; có sự tiếp cận mang tính đặc thù, đề xuất được các chỉ tiêu về không gian ở, không gian cây xanh cao hơn quy chuẩn của đô thị loại I. Ngoài ra, cũng cụ thể hóa tiêu chí cho từng mô hình đô thị, đảm bảo tính phát triển đặc trưng, phù hợp với sự phát triển chung của tỉnh; có khả năng thích ứng, xác định giới hạn phát triển của từng không gian đô thị.

Hệ thống hồ sơ làm rõ các cơ cấu phân khu chức năng chủ yếu, có hệ thống các giới hạn phát triển; xác định được không gian phát triển đô thị, không gian phát triển kinh tế, không gian bảo tồn di sản, di tích trên cơ sở tôn trọng cảnh quan tự nhiên.

Tuy nhiên, quy hoạch cũng nên hoàn thiện các kết nối nội vùng và liên vùng. Bên cạnh đó, việc xác lập tính khả thi của từng mục tiêu là một nội dung đặc biệt quan trọng. Phải tính đến việc huy động các nguồn lực thực hiện, thu hút đầu tư, kích hoạt phát huy các lợi thế tiềm năng, các cơ sở vật chất và giá trị vốn có.

Cơ chế, chính sách của đồ án quy hoạch cũng cần thỏa mãn các yêu cầu như, thu hút được các hoạt động kinh tế, xây dựng không gian phát triển các khu đô thị mới, theo đó tạo lập gia tăng cơ hội việc làm đủ sức cạnh tranh với các đô thị khác; thu hút nguồn lực đầu tư đẩy nhanh hạ tầng khung kết nối từ đô thị trung tâm (TP. Huế hiện nay) ra các đô thị bên ngoài; các định hướng phát triển cần được nhất quán, tiếp nối, duy trì liên tục và xuyên suốt qua các giai đoạn phát triển, nhằm tránh hay hạn chế điều chỉnh làm thay đổi hướng đi đến các mục tiêu….

Bà Nguyễn Thị Tú Thanh 

Bà Nguyễn Thị Tú Thanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương - Bộ Nội vụ

Đây là đồ án quy hoạch khó, song tỉnh đã xây dựng một cách rất khoa học. Tôi cho rằng, trong quá trình hoàn thiện, Thừa Thiên Huế rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch của địa phương (bao gồm: quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác có liên quan) bảo đảm phù hợp, thống nhất với phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và có tính đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh giai đoạn 2026 - 2030 để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngoài ra, cũng cần cân nhắc chỉnh sửa phương án tổ chức đơn vị hành chính đô thị theo hướng không tăng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; rà soát lại, bảo đảm phù hợp với số liệu công bố gần nhất của cơ quan tài nguyên và môi trường (về đất đai) và cơ quan công an (về dân số). Theo đó, về dự báo dân số khu vực lập quy hoạch, đề nghị làm rõ dân số thường trú và dân số tạm trú quy đổi.

LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiện thực hóa quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được phê duyệt và công bố rộng rãi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là tiền đề, điều kiện hàng đầu để tổ chức triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả.

Hiện thực hóa quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương
Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Phong trào đọc sách, báo tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu, tích lũy nhiều kiến thức nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ
Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”

Công trình doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh hiện đang được gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa vào sử dụng. Từ đó, đảm bảo chỗ làm việc, nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”

TIN MỚI

Return to top