“Đại biểu vui lòng không tặng hoa đại hội”. Đó là thông tin được ghi chú trên giấy mời gửi đến đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh lần thứ XVI sắp diễn ra.
Tại buổi họp báo về sự kiện được tổ chức cuối tuần qua, lãnh đạo Tỉnh đoàn cho biết, thay vì nhận hoa chúc mừng, Đại hội mong muốn nhận được sự hỗ trợ bằng hiện kim để chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại huyện A Lưới, với các chương trình xóa nhà tạm và hỗ trợ sinh kế cho người dân.
Đã thành thông lệ, vào những dịp lễ, kỷ niệm; các đại hội, hội nghị…, hoa là hiện vật không thể thiếu. Việc tặng hoa là nghĩa cử đẹp, thay cho lời chúc, thể hiện tấm lòng, sự tri ân... Truyền thống tặng hoa cũng góp phần kích cầu các dịch vụ về hoa. Tuy nhiên, tùy từng hoàn cảnh, việc được tặng quá nhiều hoa cũng gây lãng phí.
Mới đây (ngày 15/9), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát thư kêu gọi hưởng ứng Tháng cao điểm vì người nghèo năm 2022. Theo số liệu thống kê, cả tỉnh hiện có trên 16.000 hộ nghèo, trong đó còn nhiều hộ khó khăn về nhà ở và nhiều hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó A Lưới là huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Để vươn lên thoát nghèo bền vững, ngoài sự phấn đấu vượt khó của từng hộ gia đình, đồng bào nghèo cần sự hỗ trợ của xã hội, sự chung tay của cộng đồng.
Để chương trình hỗ trợ người nghèo được thường xuyên, liên tục, ngoài hưởng ứng tháng cao điểm vì người nghèo, cần có các hoạt động thường xuyên, liên tục mà tinh thần tiết kiệm từ lẵng hoa để chung tay hỗ trợ người nghèo từ Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh lần thứ XVI là một minh chứng, chắc chắn nhận được sự đồng tình, hưởng ứng.
Trong cuộc sống, đã hình thành nhiều phong trào tiết kiệm ý nghĩa, như mô hình nuôi heo đất, gom phế liệu bán gây quỹ của nhiều cấp hội phụ nữ. Chỉ riêng mô hình “hũ gạo tình thương” đặt tại cơ sở xay xát lúa của một cá nhân (chị Nguyễn Thị Liên, thôn Thanh Phước, xã Hương Phong, TX. Hương Trà – nay là TP. Huế) từ năm 2010 đến nay đã thu được hơn 4.000kg gạo, hỗ trợ cho hơn 350 lượt người già neo đơn mỗi tháng 10kg gạo/người.
Ở tầm vĩ mô, khi dịch COVID-19 bùng phát gây khó khăn, Chính phủ thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.
Thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương, ngày 26/5/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Theo đó, một trong những giải pháp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước bao gồm giảm tần suất và thắt chặt các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, công tác phí, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; phấn đấu tiết kiệm chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện khoán chi hành chính và các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục thực hiện công khai ngân sách Nhà nước trong các đơn vị nhằm phát huy dân chủ và mở rộng công khai, minh bạch trong chi ngân sách và sử dụng tài sản công; triển khai việc giao quyền tự chủ toàn diện cho khu vực sự nghiệp công lập; thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định…
Không chỉ đơn lẻ từ từng cá nhân hay cơ quan, đơn vị, không chỉ tiết kiệm từng lẵng hoa, phong trào tiết kiệm, chống lãng phí nếu được chú trọng xây dựng, lan tỏa một cách thiết thực, rộng khắp, được duy trì thường xuyên, được tổng kết, khen thưởng… chắc chắn sẽ tạo nên hiệu quả lớn, không chỉ giúp đồng bào nghèo thoát nghèo, xóa nhà tạm, được chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ con cái học hành…mà còn tạo nguồn kiến thiết quê hương, đất nước.
NHẬT NGUYÊN