ClockThứ Năm, 10/05/2018 06:15

Tin tưởng công tác cán bộ sẽ có những đột phá mới

TTH - Qua theo dõi diễn biến của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII), nhiều cán bộ, đảng viên, người dân tỉnh nhà mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi đều bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng vào 3 đề án mà hội nghị đang bàn thảo và có những suy nghĩ, góp ý để các đề án này khi được thông qua sẽ đi vào cuộc sống, thực sự có những đột phá mạnh mẽ.

Công bằng trong việc chi trả lươngNhững phát ngôn "nóng" về công tác cán bộ trước Hội nghị T.Ư 7Ngày làm việc thứ 2: Trung ương thảo luận Đề án về công tác cán bộĐóng bảo hiểm xã hội 15 năm có thể hưởng lương hưuTổng Bí thư gợi mở nhiều vấn đề về công tác cán bộ

Ông Lê Đức Tính (ngồi ở giữa) cùng các cán bộ hưu trí xem lại buổi thảo luận của các đại biểu sáng 8/5 tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII)

Trong 3 đề án (Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội), nhiều cán bộ, đảng viên, người dân cho rằng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định nhất.

“Tôi nhận thấy, Trung ương đặt vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ lần này là cấp thiết. Đây là nội dung quan trọng, nhất là trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, đạo đức lối sống sa sút, làm nguy hại đến tổ chức Đảng, quốc gia, dân tộc. Sự suy thoái của cán bộ, đảng viên trong thời gian qua phần nào làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ… Tuy nhiên, thời gian gần đây (năm 2017 đầu năm 2018) công cuộc chống tham nhũng của Đảng có nhiều chuyển biến tích cực, tạo niềm tin trong Nhân dân. Tôi tin chắc, từ Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII) này, công tác cán bộ sẽ thực hiện tốt, xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới. Công cuộc chống tham nhũng cũng sẽ tiếp tục làm tốt hơn, nhằm tạo niềm tin vững chắc trong Nhân dân đối với Đảng”, ông Lê Đức Tính, Đại tá, nguyên Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Lộc, đảng viên Chi bộ 3 phường Thủy Xuân (TP. Huế) nêu ý kiến.

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phú Vang, ông Dương Hoàng Giang cho rằng, một trong những vấn đề mà ông quan tâm nhất, kỳ vọng nhất tại Hội nghị Trung ương 7 lần này là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. “Các đại biểu cần tập trung phân tích, làm rõ và trả lời những nội dung, câu hỏi mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở trong bài phát biểu khai mạc hội nghị. Đó là vì sao 20 năm qua, đặc biệt những năm gần đây, mặc dù Đảng ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp. Nguyên nhân từ đâu, ở khâu nào, cấp nào? Nếu trả lời được và bằng các giải pháp, quyết sách phù hợp, tôi tin chắc rằng, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị được bố trí hợp lý hơn, đúng với vị trí việc làm hơn, cơ cấu giữa các ngành nghề, lĩnh vực cũng sẽ khoa học, bài bản hơn. Đó cũng là cách để khắc phục được tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp…” - ông Giang nói.

Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều cán bộ, đảng viên, người dân, nhất là cán bộ hưu trí đồng tình với quan điểm của các đại biểu tham gia hội nghị đóng góp ý kiến vào sáng 8/5 liên quan đến công tác cán bộ. Đó là, cần nghiên cứu, sớm triển khai mô hình Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương. Đóng góp ý kiến thảo luận tại hội nghị, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu thống nhất, đồng tình cao với mô hình này, đồng thời lưu ý: “Đã là bí thư cấp ủy không phải là người địa phương thì cần làm nhất quán ngay từ đầu. Để làm được điều này, ngay từ bây giờ chúng ta phải tập trung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư đảm bảo tính chất dân tộc, vùng miền, trình độ năng lực để sau này khi đủ điều kiện là phân bổ về các địa phương thực hiện nhiệm vụ”. Rất nhiều ý kiến đồng tình với góp ý mà Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nêu ra.

Ông Trần Xuân Bình, nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Đông chia sẻ: Điều mà chúng ta trăn trở, suy nghĩ về đội ngũ cán bộ hiện nay đó là, tinh thần phê bình và tự phê bình chưa cao, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh. Một số cán bộ luôn giữ cho mình hai chữ “bình yên”, mà không tham gia góp ý, xây dựng. Thời gian tới, phải làm sao để thay đổi tư duy, phát huy tính tự giác, trung thực trong cán bộ. Thẳng thắn trong góp ý xây dựng; xác định rõ trách nhiệm, không vì quyền lực mà tạo dựng lợi ích nhóm dẫn đến những sai phạm không đáng có. Cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Phải xây dựng được tính trung thực trong cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp chiến lược.

UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đoàn Thị Thanh Huyền khẳng định, từ trước đến nay, nhất là trong những nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng; đã có nhiều nghị quyết, quyết sách rất đúng về cán bộ và công tác cán bộ. Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội thực chất là những vấn đề cốt lõi trong công tác cán bộ. Chắc chắn rằng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ có những quyết sách để giải quyết tận gốc những vấn đề bất cập hiện nay về công tác cán bộ, xây dựng được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm với nhiệm vụ đặt ra.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người trong làng trong họ, lo gì không hiển đạt…

Cho dù có gen nổi trội thế nào, có bề dày truyền thống ra sao đi nữa, thì điều quan trọng là bản thân người ấy phải thực sự có trình độ, có tố chất, có đạo đức và nhân cách, thì được cất nhắc, đề bạt làm lãnh đạo mới là “hạnh phúc của dân tộc”.

Người trong làng trong họ, lo gì không hiển đạt…
Return to top