ClockThứ Tư, 29/03/2023 19:39

Người trong làng trong họ, lo gì không hiển đạt…

TTH.VN - Cho dù có gen nổi trội thế nào, có bề dày truyền thống ra sao đi nữa, thì điều quan trọng là bản thân người ấy phải thực sự có trình độ, có tố chất, có đạo đức và nhân cách, thì được cất nhắc, đề bạt làm lãnh đạo mới là “hạnh phúc của dân tộc”.

Cuốn sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng: Góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của ĐảngTổng Bí thư: Thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”Mỗi đảng viên luôn phải tiên phong gương mẫu, đi đầuBốc thăm ngẫu nhiên 12 cơ quan để xác minh tài sảnQuy định mới về lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý

Trong lĩnh vực công tác cán bộ, hễ nghe những cụm từ “người cùng quê”, “cùng cánh”, “người nhà, người thân”… thì lập tức ai cũng ái ngại và nghĩ ngay đến chuyện gì đó tiêu cực, thiếu trong sáng. Điều này không mấy khó hiểu, bởi trên thực tế, đã không hiếm chuyện cất nhắc, đề bạt, bố trí những đối tượng dạng trên vào các vị trí “màu mỡ”, quyền lực và sau đó để lại nhiều hậu quả rất tệ hại, nhiều điều tiếng rất đau lòng cho Đảng, cho chế độ. Những cụm từ như “5C” (con cháu các cụ cả), “đồng chí này là con đồng chí nào?”, “ Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, tư trí tuệ”… như là một thứ bia miệng, một thứ văn học dân gian, là một dạng tổng kết về thực trạng, hoặc nặng hơn là cái tệ nạn rất đáng buồn, đáng quan ngại ấy.

Có thì giờ đọc lại chuyện cũ, sẽ thấy cái tệ “quan hệ, hậu duệ”…như đã đề cập không phải bây giờ mà hầu như đời nào, triều đại nào cũng có. Nếu tỉnh táo nhận ra thì phúc, còn nếu tư tình, nhắm mắt cả nể, thì ấy là họa. Họa cho triều chính, cho triều đại, và cho đất nước. Thế nên thời phong kiến, có những triều đại đặt ra luật “hồi tỵ” (nghĩa là “tránh né”: Tránh không được làm quan tại nơi là quê hương mình; không được lấy vợ ở nơi mình làm quan; không được đảm trách công việc trường thi nếu tại trường thi ấy có người thân, họ hàng ứng thí v.v..) nhằm ngăn ngừa cái họa “quan hệ, hậu duệ”.

leftcenterrightdel
Những người học hành đỗ đạt, có tài có đức luôn được đất nước gọi mời và vinh danh muôn thuở 

Điển hình trong nói không với chuyện chạy chọt xin xỏ thiếu trong sáng của bà con, người làng người nước là câu chuyện về Thái sư Trần Thủ Độ thời nhà Trần mà có lẽ nhiều người đã từng nghe. Chuyện rằng, có lần, Trần Thủ Độ đi duyệt định hộ khẩu, Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung (phu nhân Trần Thủ Độ) xin riêng cho một người cháu được làm chức Câu đương (chức quan nhỏ ở xã), ông gật đầu rồi ghi rõ họ tên quê quán người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, liền hỏi tên nọ ở đâu, người đó mừng rỡ chạy đến. Gặp người xin chức, Trần Thủ Độ bảo, nhà ngươi vì có quốc mẫu xin cho được làm Câu đương, không thể ví như những Câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt. Người này hoảng hồn, vội dập đầu van xin mãi mới được tha. Chuyện lan ra, từ đó, không một ai dám vì việc riêng mà đến chỗ Thái sư để xin xỏ nữa.

Thực ra, việc người cùng quê, con em cán bộ lãnh đạo được cất nhắc, bố trí, đề bạt cũng không phải là việc xấu, thậm chí có khi đó lại là lợi thế, ưu điểm. Bởi nói như dân gian, là họ có gen lãnh đạo, có bề dày truyền thống, nếu tiếp nối cha anh để nắm những vị trí giềng mối cho quốc gia, cho chế độ thì sẽ rất tốt. Thế cho nên cách đây mấy năm, có người đã phát biểu “con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”. Phát biểu này sau đó hứng chịu không ít búa rìu của dư luận quá khích, tuy nhiên, ngẫm lại thì thấy lời phát biểu của người kia không phải là không hợp lý bởi “cái gen, cái bề dày truyền thống” như trên đã nói. Tuy nhiên, cho dù có gen nổi trội thế nào, có bề dày truyền thống ra sao đi nữa, thì điều quan trọng là bản thân người ấy phải thực sự có trình độ, có tố chất, có đạo đức và nhân cách, thì được cất nhắc, đề bạt làm lãnh đạo mới là “hạnh phúc của dân tộc”. Còn nếu thiếu những yếu tố kia mà vẫn cố nhét vào để nắm ghế, nắm quyền thì phúc đâu chẳng thấy mà ấy là đại họa.

leftcenterrightdel
Triều đình nhà Nguyễn lập Văn miếu tại Huế để vinh danh và khích lệ hiền tài 

Lại nhớ về câu chuyện của Thái hậu Từ Dụ thời nhà Nguyễn. Bà tên húy là Phạm Thị Hằng, sinh năm Canh Ngọ (1810), mất ngày mồng 5 tháng 4 năm Nhâm Dần (tức 12/5/1902) dưới triều Thành Thái, thọ 92 tuổi. Thái hậu quê ở Gò Công, tỉnh Tiền Giang ngày nay, là trưởng nữ của Thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng và bà Phạm Thị Vị. Năm 14 tuổi, bà được tuyển triệu vào cung để chầu hầu Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị). Người con thứ ba của bà với vua Thiệu Trị về sau được nối ngôi là vua Tự Đức. Cuộc đời và phẩm hạnh của Thái hậu Từ Dụ luôn được người đời tụng ca, xứng đáng là bậc mẫu nghi thiên hạ.

Thân làm Quý phi, Thái hậu, rồi Thái Hoàng thái hậu, đứng cạnh ngai vàng trải 7 đời vua với gần 80 năm, quyền uy tột bậc, nhưng Thái hậu luôn có ý thức ngăn cản họ ngoại, không cho cầu xin. Chuyện rằng, bấy giờ có người trong họ của bà không chịu học nhưng lại muốn xin làm Thị vệ. Thái hậu nghe được liền bảo: Người trong làng trong họ lo gì không hiển đạt, chỉ sợ không có tài mà thôi. Trước đã thương cấp tiền gạo và làm nhà cửa, khiến có điều kiện để chuyên tâm học hành, để may mà đỗ đạt thì cũng là làm rạng danh cho nhà. Nào ngờ, hắn chỉ như cây gỗ mục, không thể đem mà đục hay chạm gì được, lười việc học hành mà dám cầu cạnh, phụ ý tác thành của ta. Vả chăng, Thị vệ cũng là chức vụ, lẽ đâu lạm bổ được.... Giá như cứ hễ xin là được thì chẳng lẽ người trong làng trong họ ai cũng làm quan hay sao? Việc ấy, thực là trái với ý của thân già này.

leftcenterrightdel
 Huế và Vương triều Nguyễn- nơi Thái hậu Từ Dụ đã gắn bó đời mình suốt gần 80 năm

Ngẫm chuyện, thấy Từ Dụ Thái hậu thật chí tình chí nghĩa nhưng cũng rất chí lý. Người làng người họ sao lại chẳng quan tâm. Nhưng quan tâm bằng cách tạo điều kiện thuận lợi để mà ăn mà học: “thương cấp tiền gạo và làm nhà cửa, khiến có điều kiện để chuyên tâm học hành…”. Vậy nhưng, người ấy đã phụ tấm lòng của Thái hậu, không chịu học hành, lại còn ỷ lại mình là con cháu dòng tộc, mong được Thái hậu xin cho làm quan. Với Thái hậu Từ Dụ, đó là việc không thể chấp nhận được, là việc “trái với ý của thân già này.” Giá như người trong họ trong làng ấy biết cái ơn của Thái hậu đã chu cấp tiền gạo nhà cửa mà chú tâm tu dưỡng học hành, thì như Thái hậu nói: “Lo gì không hiển đạt”. Cất nhắc, đề bạt cháu con, người làng người họ theo cách ấy vừa thể hiện được trách nhiệm, vừa chẳng lo gì miệng tiếng thế gian, thật là vẹn cả đôi đường.

Bài & ảnh: Hiền An
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gương mẫu thực hiện văn hóa giao thông

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người trẻ về an toàn giao thông (ATGT) thông qua những chương trình, hoạt động trực quan và bổ ích là hoạt động tuổi trẻ Thừa Thiên Huế hướng đến.

Gương mẫu thực hiện văn hóa giao thông
Nữ công an xã vùng biên gương mẫu

Gương mẫu, tận tụy và đầy trách nhiệm trong công việc, Thiếu tá Hồ Thị Kim Anh (sinh năm 1986, Phó Trưởng Công an xã Hồng Kim, huyện A Lưới) luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền, Thiếu tá Kim Anh đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nữ công an xã vùng biên gương mẫu
Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh
KÊ KHAI TÀI SẢN ĐỂ NGĂN NGỪA THAM NHŨNG:
Cần sự gương mẫu, trung thực, tránh hình thức

Tăng cường kiểm tra gắn với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn chặn, đầy lùi tham nhũng. Tuy nhiên, rất cần sự gương mẫu, trung thực, tránh hình thức của người kê khai và cả người kiểm soát việc kê khai.

Cần sự gương mẫu, trung thực, tránh hình thức
Return to top