ClockThứ Hai, 26/11/2012 05:42

Từ 15,78% đến 89,62%

TTH - Từ 15,78% năm 2009 tăng lên 55,67% năm 2010 và 89,62% trong 9 tháng năm 2012, là tỷ lệ thu hồi nợ phải thu đạt được của Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn Thừa Thiên Huế, theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc thu hồi vốn vay đến kỳ hạn ngày càng tăng cho thấy, điều kiện thu nhập của người vay đã được cải thiện và hộ vay ngày càng ý thức hơn với việc trả nợ.

Sau 5 năm thực hiện, Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên, cả nước có hàng triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vay vốn học tập, với hàng nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều em vượt qua được khó khăn, biến giấc mơ giảng đường thành hiện thực và trở thành những người có ích cho xã hội. Với Thừa Thiên Huế, 5 năm qua chương trình cho gần 50.000 học sinh, sinh viên (HSSV) vay vốn đến trường học tập, với tổng số gần 400 tỷ đồng, không để một HSSV nào vì khó khăn về tài chính phải bỏ học.

Thực ra, khi chương trình mới bắt đầu triển khai năm 2007, việc tiếp cận với nguồn vốn vay này chưa phải thuận tiện, dễ dàng và đối tượng vay cũng chưa thật chính xác. Có trường hợp chưa thực sự khó khăn vẫn được vay vốn, làm tăng thêm gánh nặng cho chương trình. Bên cạnh đó, một số người chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, trách nhiệm, xem đây như khoản hỗ trợ của Nhà nước mà quên đi trách nhiệm hoàn trả khi đến hạn. Vì vậy, một số trường hợp vay vốn, sau khi ra trường, tìm được làm, có thu nhập ổn định vẫn cố tình chây ì không trả nợ.
 
Vay và trả nợ là quy luật tất yếu. Đặc biệt, với chương trình cho vay giàu tính nhân văn này, người được vay vốn càng phải có trách nhiệm lớn hơn, không chỉ nỗ lực học tập tốt để trở thành người có ích cho xã hội mà cần hoàn trả nợ đúng kỳ hạn sau khi ra trường để nhiều bạn HSSV có hoàn cảnh khó khăn như mình cũng được hưởng sự giúp đỡ của chương trình.
 
Hiện nay, với việc quản lý nguồn vốn ngày càng chặt của Ngân hàng Chính sách xã hội và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể nhận uỷ thác, chính quyền địa phương, nguồn vốn ý nghĩa này đến được đúng đối tượng, và người dân đã nhận thức đầy đủ hơn về chương trình, thấy rõ trách nhiệm phải trả gốc và lãi khi đến kỳ hạn. Nhờ vậy tính nhân văn của chương trình ngày càng sâu sắc, góp phần tạo sự bình đẳng trong giáo dục, an sinh xã hội và tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ra quân xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường

Ngày 5/5, đồng loạt các địa phương ra quân triển khai Phong trào Ngày Chủ nhật xanh. Trong các hoạt động, đáng chú ý đó là nhiều lực lượng đã tập trung xử lý các điểm ô nhiễm tại các kênh, rạch, dòng sông.

Ra quân xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường
Return to top