ClockThứ Sáu, 13/03/2020 09:44

Tự quản tại chỗ

TTH - Trong cuộc họp báo ngày 11/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh COVID-19 là “đại dịch”. Đây là lần đầu tiên WHO tuyên bố dịch bệnh do chủng virus Corona gây ra là đại dịch. Điều này cho thấy cấp độ lây lan báo động, mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19, cần huy động cả thế giới chung tay góp sức vào cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19Triển khai ứng dụng Hỗ trợ thông tin phòng chống dịch COVID-19Sử dụng Ứng dụng Khai báo y tế phòng dịch NCOVI – Chung tay đẩy lùi dịch bệnh

Với Việt Nam, thời gian qua hoạt động phòng chống dịch COVID-19 được triển khai tích cực từ Trung ương đến địa phương, đạt được những kết quả ban đầu, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Kinh nghiệm trong công tác chống dịch ở nước ta thời gian qua là kịp thời kiểm soát nguồn lây bệnh, với nhiều biện pháp mạnh, trong đó có việc cách ly cả một xã ở Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên phạm vi toàn thế giới, công cuộc chống dịch của nước ta bước vào giai đoạn mới, bởi không chỉ số người nhiễm bệnh tăng nhanh, mà việc kiểm soát nguồn lây nhiễm khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều.

Theo Chỉ thị số 13 ngày 11/3, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, một nhiệm vụ quan trọng lúc này là chủ động, quyết liệt ngăn chặn, phát hiện nhanh và kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh (cả ở trong nước và xâm nhập từ nước ngoài); rà soát người nhập cảnh trong 14 ngày qua nhưng không thuộc diện cách ly tập trung, phát hiện kịp thời nguồn lây bệnh.

Để thực hiện được yêu cầu trên, nhiều giải pháp đồng bộ của các bộ ngành, địa phương được triển khai với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Tuy nhiên, để việc kiểm soát nguồn lây bệnh, ngoài các biện pháp hành chính, thậm chí xử lý hình sự thì việc phát huy vai trò giám sát cộng đồng, tổ dân phố trong phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm đóng vai trò hết sức quan trọng.

Không những thế, khi toàn dân tham gia vào phòng chống dịch còn góp phần phát hiện các trường hợp đầu cơ trục lợi, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phục vụ công tác chống dịch nói riêng và ổn định đời sống xã hội nói chung, góp phần hoàn thành mục tiêu kép của Chính phủ đặt ra là vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Đặt vấn đề phát huy vai trò cộng đồng dân cư trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19 hiện nay là rất cần thiết. Bởi thực tế thời gian qua, không ít trường hợp đã cố tình khai báo không trung thực lịch trình, trốn tránh việc cách ly bắt buộc khi về từ vùng dịch. Có người còn công khai lên mạng xã hội “chia sẻ kinh nghiệm” trốn cách ly, hay cho người “thế thân” cách ly. Việc một số cửa hàng lợi dụng tình hình dịch bệnh bán khẩu trang cao gấp nhiều lần so với bình thường, hay trường hợp sản xuất khẩu trang không đảm bảo chất lượng của một cơ sở ở Bắc Ninh vừa bị phát hiện cũng nhờ nguồn tin báo của người dân…

 Trong bối cảnh cả nước dồn sức chống dịch COVID-19, một kinh nghiệm hay trong phòng chống lũ bão được Thừa Thiên Huế áp dụng là “tự quản tại chỗ” cũng có thể vận dụng phù hợp. Phương châm tự quản ở đây bắt đầu từ mỗi cá nhân, gia đình, thôn xóm, xã huyện… trong việc tự phòng dịch và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Việc tự quản ở đây chính là bảo vệ bản thân, gia đình trước dịch bệnh và cũng là trách nhiệm xã hội của mỗi công dân. Khi tất cả tự giác đồng lòng chắc chắn dịch COVID- 19 sẽ sớm được khống chế và đẩy lùi.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top