Với Thừa Thiên Huế, địa phương nằm sát bên Đà Nẵng - nơi tái xuất hiện dịch đầu tiên và cũng là ổ dịch lớn nhất hiện nay, công tác phòng chống dịch được kích hoạt sớm, với nhiều giải pháp đồng bộ phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Theo đó, tạm hoãn các sự kiện, hoạt động đông người dễ gây lây nhiễm, các cuộc họp, hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết để tránh tập trung phòng chống dịch. Áp dụng tăng dần việc giãn cách xã hội đối với một số hoạt động, lĩnh vực. Tăng thêm chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Triển khai đồng bộ, quyết liệt việc giám sát người từ địa phương khác đến, lưu ý lực lượng sinh viên, người làm việc tại các công trường…
Cùng với sự chủ động, kiên quyết của chính quyền, điều ghi nhận là chuyển biến trong nhận thức và sự tự giác của người dân trong việc chung sức phòng chống dịch. Khi dịch COVID-19 được phát hiện ở Đà Nẵng, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhiều cán bộ, người dân từng đi công tác, việc riêng ở Đà Nẵng thời gian đây đã tự giác khai báo y tế, thực hiện tự cách ly tại nhà để chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội. Thái độ bình tĩnh, tự giác của từng cá nhân là điều vô cùng cần thiết trong lúc này để chung tay phòng chống, ngăn chặn dịch lây lan.
Một ghi nhận khác, trong đợt bùng phát dịch dịch COVID-19 hồi đầu năm, với tâm lý hoang mang người dân đổ xô mua khẩu trang y tế, lương thực, thực phẩm tích trữ, gây tình trạng lộn xộn, bất an xã hội. Lần này, mọi việc đều trong tầm kiểm soát. Chính quyền, các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý; doanh nghiệp chủ động nguồn cung; người dân bình tĩnh, tin tưởng vào sự điều hành và khả năng kiểm soát dịch bệnh của chính quyền.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan nhanh, trên diện rộng, tại cuộc họp giao ban trực tuyến COVID-19 vào sáng 29/7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta phải áp dụng các biện pháp mạnh để phòng chống lây lan dịch bệnh trên địa bàn, áp dụng các biện pháp cách ly, xét nghiệm diện rộng và áp dụng tăng dần các biện pháp giãn cách xã hội, sẵn sàng các kịch bản xấu nhất có thể xảy ra...
Điều này đồng nghĩa, mức độ tác động xã hội của dịch bệnh cũng sẽ lớn hơn, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng hơn và tác động đến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Nhưng đây là điều vô cùng cần thiết và cần sự đồng lòng của toàn xã hội. Bởi, làm tốt công tác khống chế, ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh sớm chừng nào thì cơ hội phục hồi, phát triển kinh tế sớm trở lại chừng đó. Thực tế đã chứng minh điều này khi Việt Nam sớm khống chế dịch bệnh giai đoạn đầu, sớm khởi động lại nền kinh tế, tạo niềm tin với các nhà đầu tư và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Làm tốt công tác chống dịch lúc này là góp phần giữ vững lòng dân, tạo sự ổn định xã hội.
Hoàng Minh